Thông tư 24 của ngân hàng làm khó doanh nghiệp thủy sản
Thông tin trên được một số doanh nghiệp (DN) nêu ra tại Hội nghị DN thủy sản khu vực đồng bằng sông Cửu Long lần thứ nhất do Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) tổ chức tại TP Cần Thơ ngày 20-4.
Ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch Ủy ban Cá nước ngọt, phát biểu tại hội nghị. Ảnh: N.NAM
Ông Dương Ngọc Minh - Chủ tịch Ủy ban Cá nước ngọt (trực thuộc VASEP) cho biết Thông tư 24/2015 của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực từ 1-1-2016 (viết tắt TT24) thì trước đó ba tháng các ngân hàng nước ngoài đã chuẩn bị thực hiện là rút vốn của DN về. Trước đây, các ngân hàng nước ngoài cho DN vay ngoại tệ, khi TT24 ra đời đã không cho các DN vay ngoại tệ, nhất là DN xuất khẩu. Các ngân hàng nước ngoài đều tuân thủ rất nghiêm quy định TT24 nên DN không thể vay được nữa.
“Theo tôi biết, quý I này, các ngân hàng nước ngoài rút về 8 tỉ USD trong khi nước mình phải đi vay ODA để phát triển. TT24 có mục đích tốt là làm lành mạnh hóa tài chính, chống đô la hóa nhưng tôi thấy không đúng mục đích chống đô la hóa mà ảnh hưởng đến xuất khẩu nông nghiệp, mà trực tiếp nhất là những người nông dân. Lãi suất vay tiền Việt Nam đồng là 8%/năm nhưng lãi suất vay ngoại tệ chỉ có 2,5%/năm. Đề nghị VASEP và Bộ NN&PTNT cần kiến nghị tháo gỡ vấn đề này với Ngân hàng Nhà nước” - ông Minh góp ý.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho biết sẽ cùng với VASEP sớm có ý kiến về Thông tư 24 với Ngân hàng Nhà nước vì các đề xuất của DN là xác đáng. Ảnh: N.NAM
Đại diện một DN về xuất khẩu tôm ở Cà Mau cho biết TT24 là một áp lực rất lớn đối với DN. DN phải đối mặt với lãi vay Việt Nam đồng tăng. Cùng với các chi phí khác tăng lên gây áp lực về giá xuất khẩu tăng, khó cạnh tranh. Theo ước tính của DN này, chi phí phát sinh sau TT24 cắt ngang 50% lợi nhuận của DN này.
Trước vấn đề này, ông Vũ Văn Tám - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết: “Chúng tôi sát cánh cùng VASEP để làm việc với Ngân hàng Nhà nước về vấn đề này. Trước mắt, VASEP chủ động kiến nghị ngân hàng và chúng tôi sẽ cùng VASEP bàn về đề xuất xác đáng này”.
Ngoài ra, trước tình hình hạn mặn đang diễn ra gay gắt tại đồng bằng sông Cửu Long, ông Tám cho biết hai tuần trước Bộ NN&PTNT đã chủ trì một hội nghị ở Cà Mau về việc sản xuất thủy sản thích ứng biến đổi khí hậu. Theo đó, hội nghị đã chủ động hướng dẫn về thời vụ, mô hình. Đợt tôm từ tháng 12-2015 đến tháng 3-2016 đạt 80% diện tích nhưng mật độ thưa nên chỉ đạt 50% giống nhưng chất lượng đạt tốt, sản lượng thấp hơn cùng kỳ. Tuy nhiên, hội nghị cũng đã chỉ đạo các địa phương hướng dẫn bà con nuôi bù lại để đạt sản lượng bằng hoặc hơn năm ngoái.
Tháng 4, 5 tôm thường bị bệnh chết sớm, kết hợp xâm nhập mặn không phù hợp phát triển con tôm. Hội nghị đó đã đưa ra khuyến nghị là ươm giống trước 1-1,5 tháng trước khi thả nuôi thương thẩm, vì khoảng cuối tháng 5, đầu tháng 6 có mưa cùng lúc thả nuôi thương phẩm là phù hợp. Kinh nghiệm này của ta, Thái Lan làm theo rất tốt mà ta lại chưa nhận rộng được.