Thu hàng nghìn tỉ đồng từ quản lý không lưu

Theo Dân trí, VATM là doanh nghiệp trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ. VATM được thành lập từ năm 1993 sau khi tách khỏi Tổng công ty Hàng không Việt Nam. So với các doanh nghiệp khác trong ngành, VATM có kết quả hoạt động kinh doanh khá tốt, năm sau cao hơn năm trước.

Một bài viết trên Dân trí ngày 30-11 cho biết hiện nay, vốn điều lệ của VATM ở mức 2.552 tỉ đồng, gần bằng Tổng công ty Cảng hàng không (ACV - 2.567 tỉ đồng) và kém xa so với Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines - 14.102 tỉ đồng).

Cũng theo bài báo này, kết quả hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm nay của VATM vượt trội so với năm ngoái, với tổng doanh thu đạt 909 tỉ đồng, bằng 50,09% kế hoạch cả năm và 53% kết quả năm ngoái. Lợi nhuận trước thuế trong nửa đầu năm đạt 259 tỉ đồng, bằng 55,67% kế hoạch cả năm. 

Đài kiểm soát không lưu Cảng hàng không Tân Sơn Nhất có tổng vốn đầu tư 400 tỉ đồng, đưa vào khai thác từ tháng 6/2013.

Doanh thu của VATM đến từ 3 nguồn chính là thu phí điều hành các chuyến bay qua vùng trời Việt Nam, phí điều hành các chuyến bay đến Việt Nam và phí điều hành nội địa. 

Do là doanh nghiệp cung ứng dịch vụ công ích (bảo đảm hoạt động bay), VATM có nghĩa vụ nộp một phần phí thu được vào ngân sách Nhà nước. Từ năm 2012 trở về trước, mức nộp ngân sách là 75% nguồn thu từ phí điều hành bay qua. Từ 2013 trở đi, tỷ lệ nộp được giảm xuống còn 65%, doanh nghiệp giữ lại 35%. Nhờ đó, lợi nhuận trước thuế của VATM năm 2013 tăng gần gấp đôi so với 2012 lên 502 tỉ đồng. 

Dù đã nộp phần lớn vào ngân sách Nhà nước, phí điều hành bay qua vẫn chiếm phần lớn trong tổng doanh thu của VATM, với tỷ lệ xấp xỉ 40 đến 50%. Dự kiến năm nay, doanh nghiệp sẽ nộp vào ngân sách 1.660 tỷ đồng. VATM đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ đưa con số nộp ngân sách lên 2.576 tỉ đồng. 

So với các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng không, tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu của VATM cao vượt trội. Tỷ lệ lợi nhuận sau thuế trên tổng doanh thu của doanh nghiệp này năm 2013 là 22%, so với tỷ lệ 0,28% của Vietnam Airlines. 

Phối cảnh Trung tâm kiểm soát không lưu Hà Nội, đặt tại phố Nguyễn Sơn, quận Long Biên, với tổng vốn đầu tư 750 tỉ đồng, dự kiến sẽ được chính thức khai thác từ tháng 1/2015.

Như đã đưa tin, ngày 20-11 vừa qua, sự cố mất điện dẫn đến mất quyền kiểm soát không lưu trong vùng thông báo bay TP.HCM đã gây nhiều quan ngại về chất lượng nhân lực của ngành hàng không, đặc biệt là ở các vị trí có tầm quan trọng đặc biệt cho an toàn bay như nhân viên không lưu. Phát biểu trước báo giới, lãnh đạo Cục Hàng không cho biết có đến 40% nhân viên không lưu không đạt chuẩn

Được biết cho đến nay, cơ quan quản lý chưa thống kê được thiệt hại về mặt kinh tế của sự cố. Dự kiến các hãng hàng không có thể mất cả tỉ đồng sau lần mất điện hy hữu này. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới