Thu hồi khoảng 1/5 tài sản trong các vụ án tham nhũng
Theo báo cáo của Ban Dân nguyện gửi đến các đại biểu, cử tri đề nghị QH tăng cường công tác giám sát việc thực hiện Luật phòng chống tham nhũng (PCTN), công khai kết quả xử lý các vụ tham nhũng (TN), tăng cường giám sát TN đối với các cơ quan quản lý nhà nước, các Tập đoàn, Tổng Công ty... nhằm kịp thời ngăn chặn, xử lý, khắc phục có hiệu quả tình trạng thất thoát vốn, tài sản.
Làm mất lòng tin của dân
Về Tình trạng TN, theo cử tri là vẫn đang còn nhức nhối trong xã hội và đề nghị xem xét hồi tố đối với những trường hợp cán bộ có chức, có quyền lúc đương chức hưởng lợi bất chính, chưa phát hiện TN nhưng khi về hưu có khối tài sản lớn.
Kê khai tài sản còn mang tính hình thức. (Ảnh minh họa)
Cử tri đề nghị tăng cường chỉ đạo, giám sát và có biện pháp quyết liệt hơn trong xử lý các đối tượng TN và thu hồi tài sản thất thoát (kể cả cán bộ đã nghỉ hưu) để công tác PCTN đi vào thực chất. "Vấn đề PCTN được công khai và lên tiếng mạnh mẽ. Đảng và Nhà nước đã có nhiều biện pháp nhưng hiệu quả vẫn chưa cao", báo cáo nêu.
“Vẫn còn một số cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp, các ngành kể cả Trung ương và địa phương chưa nêu gương về đạo đức, lối sống. Một số biện pháp PCTN còn mang tính hình thức, hiệu quả thấp, nhất là việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức. Việc công khai, minh bạch trong các hoạt động kê khai tài sản vẫn còn hạn chế”, Ban Dân nguyện QH, cho hay.
Cử tri cũng phản ánh, hiện có một bộ phận cán bộ, công chức thoái hóa biến chất, tham ô, tham nhũng; có đạo đức và lối sống không lành mạnh; tỏ vẻ khinh dân; rời xa quần chúng; đặt lợi ích của cá nhân lên trên lợi ích tập thế, nhân dân... từ đó làm mất lòng tin của nhân dân, làm trì trệ sự phát triển của đất nước.
“Cử tri kiến nghị cần có các biện pháp xử lý nghiêm một số đối tượng nói trên để xây dựng bộ máy chính quyền trong sạch, vững mạnh, tạo dựng lòng tin của nhân dân vào chính quyền, thúc đẩy sự phát triển đất nước”, báo cáo của Ban Dân nguyện chỉ rõ.
Tài sản tham nhũng thu hồi ít
Ngoài ra, cử tri không đồng tình với việc sửa đổi Bộ Luật hình sự theo hướng quy định việc người phạm tội TN có thể nộp tiền để thay án phạt tù. Vì như vậy, sẽ không đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật, tính răn đe chưa cao và chưa đúng với quy định của Hiến pháp năm 2013 là phải xử đúng người, đúng tội...
Báo cáo cũng cho hay, trong thời gian qua chưa đạt được mục tiêu đề ra là ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng TN. Số vụ việc TN được phát hiện và xử lý còn ít; một số vụ án TN xử lý chậm, kéo dài, gây tâm lý hoài nghi, giảm sút lòng tin trong nhân dân về tính nghiêm minh của pháp luật.
Cử tri cũng lo lắng khi thực tế còn nhiều trường hợp vi phạm, mức vi phạm ngày càng tinh vi hơn và số tài sản giá trị rất lớn, trong khi việc các cơ quan chức năng phát hiện TN còn ít. Công tác phòng, chống hiện nay chuyển biến chậm, tài sản TN thu hồi ít (chiếm tỷ lệ 23% tổng giá trị tài sản tham nhũng), biện pháp xử lý còn quá nhẹ (chỉ trả lại những tài sản chiếm dụng).
“Cử tri đề nghị cần có những biện pháp mạnh hơn như tịch thu tài sản, cắt hết chế độ được hưởng, để những người khác lấy đó làm gương, có như thế mới trừ được nạn TN”, Ban Dân nguyện cho hay.
Ngoài ra, cử tri cũng đề nghị Ủy ban Tư pháp của QH giám sát việc xét xử vụ án dùng nhục hình xảy ra tại Công an TP Tuy Hòa (làm anh Ngô Thanh Kiều chết) có đúng pháp luật không và trả lời cho cử tri rõ, tránh dư luận xấu của xã hội.