Theo ông Độ, tử hình quan tham không giải quyết được gì mà điều quan trọng là phải xử nghiêm các vụ tham nhũng bị phát hiện và thu hồi được tài sản tham nhũng. Nguyên Chánh Tòa Hình sự TAND Tối cao Đinh Văn Quế với quan điểm trái ngược: Không thể bỏ án tử hình với tội phạm về tham nhũng! Để rộng đường dư luận, chúng tôi xin giới thiệu bài viết của ông Quế.
Nếu cho rằng tội tham ô tài sản, nhận hối lộ chỉ là các tội tham nhũng mang tính kinh tế thì chưa thấy tính chất của loại tội phạm này. Đúng là mục đích của quan tham khi tham ô, nhận hối lộ chỉ làm sao vơ vét cho đầy túi tham nhưng đối với Nhà nước và xã hội thì tham ô, nhận hối lộ không chỉ gây thiệt hại về vật chất mà nguy hiểm hơn nó còn làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ, là một trong những nguy cơ lớn đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ ta.
Khuyến khích tham nhũng phát triển
Thực tiễn xét xử cho thấy có những vụ án tham nhũng thiệt hại về vật chất tuy không lớn hoặc đã được khắc phục nhưng thiệt hại phi vật chất rất nghiêm trọng. Ví dụ, vụ tiêu cực đất đai ở Đồ Sơn (Hải Phòng) tuy thiệt hại về vật chất đã được khắc phục phần lớn nhưng thiệt hại phi vật chất mà những người phạm tội gây ra cho xã hội là rất nghiêm trọng, lòng tin của nhân dân vào cấp ủy và chính quyền địa phương bị giảm sút rõ rệt. Sau khi vụ án xảy ra, việc điều tra, truy tố và xét xử của các cơ quan tố tụng cũng có những sai lầm nghiêm trọng lại càng làm cho dư luận bất bình thêm.
Bị cáo Vũ Quốc Hảo lãnh án tử hình trong đại án Công ty cho thuê tài chính 2 tại TP.HCM. Ảnh: HTD
Đảng ta, Nhà nước và nhân dân lao động đều coi tham nhũng là giặc nội xâm, có khi còn nguy hiểm hơn cả giặc ngoại xâm vì loại giặc này không dùng bom đạn, ẩn nấp trong bóng tối, nằm ngay trong bộ máy nhà nước từ trung ương đến cơ sở. Ai cũng biết chống giặc tham nhũng khó hơn chống giặc ngoại xâm rất nhiều.
Tình hình tham nhũng đang gây bức xúc cho toàn Đảng, toàn dân, nếu bỏ hình phạt tử hình đối với tội tham ô và nhận hối lộ thì đồng nghĩa với việc khuyến khích, tiếp tay cho tham nhũng phát triển chứ đừng nói đến đẩy lùi. Mọi biểu hiện coi thường dư luận, coi thường bức xúc của nhân dân đều chuốc lấy hậu quả khôn lường. Cần nhớ rằng mục đích của hình phạt trước hết là trừng trị, là răn đe, còn việc tuyên nhiều án tử hình mà tội phạm vẫn không giảm thì phải xem lại nguyên nhân vì sao chứ không phải nguyên nhân tử hình nhiều.
Còn nhớ sau khi BLHS bỏ hình phạt tử hình đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì ngay lập tức trên cả nước có rất nhiều vụ lừa đảo chiếm đoạt hàng trăm, thậm chí hàng ngàn tỉ đồng chứ không chỉ có vài trăm triệu như trước đây, đẩy hàng vạn người dân vào tình trạng khóc dở mếu dở.
Chỉ quan tham và vợ con mừng
Đề xuất bỏ hình phạt tử hình đối với tội tham ô tài sản và tội nhận hối lộ đã nhiều lần gây xôn xao dư luận vì cả nước đang đấu tranh đẩy lùi tệ nạn tham nhũng, khắc phục tình trạng xử nhẹ, cho hưởng án treo tràn lan. Sau Nghị quyết Trung ương 4, Đảng ta không chỉ quyết tâm mà đã thay đổi cả về nhận thức và hành động; nhiều biện pháp mạnh được áp dụng; việc điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng được quan tâm đặc biệt. TAND Tối cao đã ra nghị quyết hướng dẫn các tòa án địa phương không cho người phạm tội về tham nhũng được hưởng án treo.
Nếu như trước đây cả một thời gian dài chưa có trường hợp tham nhũng nào bị áp dụng hình phạt tử hình thì trong hai vụ án tham nhũng ở TP.HCM, tòa đã tuyên tử hình với quan tham, chẳng lẽ lại đi ngược lại xu hướng nhân đạo, không phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế-xã hội và đạo lý dân tộc? Bỏ tử hình đối với tội tham nhũng thì chỉ có quan tham và vợ con, người thân của họ là mừng, còn nhân dân lao động chắc chắn sẽ phẫn nộ. Nếu Quốc hội thăm dò ý kiến, liệu sẽ có bao nhiêu phần trăm người dân đồng ý bỏ tử hình đối với tội tham nhũng?
Ai cũng biết tham nhũng là quốc nạn, là giặc nội xâm, là nguy cơ làm hệ thống chính trị bị suy yếu và dẫn đến diệt vong, hậu quả của tội phạm tham nhũng gây ra không chỉ có thiệt hại đến tài sản, đến sự quản lý của Nhà nước mà còn gây ra hậu quả về chính trị, làm tha hóa đội ngũ cán bộ, làm mất lòng tin của nhân dân vào chế độ. Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong một thời gian dài được đánh giá là chưa đạt đến kỳ vọng của xã hội, nhân dân đã hoài nghi về đấu tranh chống tham nhũng, hình phạt đối với tham nhũng chưa đủ sức răn đe. Vì vậy những bản án tòa tuyên tử hình cho bị cáo phạm tội tham nhũng vừa qua đã lấy lại lòng tin vào chủ trương, biện pháp chống tham nhũng mà Đảng và Nhà nước phát động. Nó có tác dụng răn đe và đó cũng là tiếng chuông cảnh tỉnh cho những ai đã và đang có ý định tham nhũng.
Khi ở nước ta hình phạt tử hình vẫn còn cần thiết thì án tử hình đối với tội phạm tham nhũng không thể bỏ. Pháp luật phải phù hợp với cuộc sống, phải đồng thuận với lợi ích và ý chí của nhân dân lao động chứ không thể là quy định “trên trời” được. Chúng ta vừa có bài học còn nóng hổi về Điều 60 Luật BHXH, tuy chưa có hiệu lực nhưng người lao động đã đình công và Chính phủ phải kiến nghị sửa đổi ngay.
Không thể “bỏ tiền chuộc mạng” Tại sao lại đặt vấn đề chỉ thu hồi một nửa tài sản tham nhũng thì được thoát án tử mà không đặt vấn đề nếu người phạm tội nộp hết số tiền tham nhũng thì được coi là tình tiết giảm nhẹ đặc biệt, có thể được Chủ tịch nước ân giảm án tử? Phải chăng vì khó thu hồi tài sản tham nhũng nên mới đặt ra mục tiêu thấp như vậy! Nếu một quan chức tham nhũng 1.000 tỉ đồng, bỏ ra 500 tỉ đồng là thoát án tử, vậy còn 500 tỉ đồng nữa thì vợ con, người thân quan tham này ăn chơi phè phỡn mấy đời cũng không hết!? Nếu pháp luật quy định " Tham ô hoặc nhận hối lộ từ mấy tỉ đồng trở lên là tử hình, kèm theo là tịch thu toàn bộ tài sản" thì những ai đang và có ý định tham nhũng chắc sẽ phải sợ. Còn cứ hô hào chung chung, nay nêu khó khăn này, mai lại đề nghị bỏ án tử thì quan tham chỉ mỉm cười giễu cợt mà thôi! |