Rất nhiều ý kiến tham gia góp ý cho rằng dự thảo luật hiện quá nương nhẹ với quan tham, trong khi họ là người có trình độ, có chức vụ, biết luật lại phạm luật thì lẽ ra cần phải nghiêm trị để củng cố niềm tin của người dân vào công lý.
Ông Vũ Phi Long (Phó Chánh tòa Hình sự TAND TP.HCM) cho rằng: quy định về hình phạt tử hình quy định tại Điều 39 dự thảo cho thấy “sẽ chẳng tử hình được anh quan chức nào tham nhũng cả vì quan chức nào mà chẳng nhân thân tốt” từ đó ông Long đề xuất “phải xem xét tính chất vụ việc, chứ không được xem nhân thân là yếu tố để xử tử hình hay không” – ông Long nói.
Ông Vũ Phi Long – Phó Chánh tòa Hình sự TAND TP.HCM đang phát biểu tại hội thảo
Luật sư Nguyễn Thị Hồng Liên (Đoàn Luật sư TP.HCM) nhấn mạnh: “đối với các tội phạm về chức vụ, cần phải đấu tranh không khoan nhượng, không xem yếu tố nhân thân là tình tiết giảm nhẹ”. Cụ thể hóa đề xuất này trong các điều luật, luật sư Hồng Liên nêu ví dụ: “Khoản 5 Điều 365 và khoản 5 Điều 366 dự thảo cần được điều chỉnh theo hướng cấm đảm nhận chức vụ vĩnh viễn đối với người phạm tội tham ô tài sản, nhận hối lộ, thay vì chỉ 1-5 năm như dự thảo hiện hành”.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu (Phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM) thì cho rằng không nên áp dụng hình thức phạt tiền thay phạt tù đối với tội phạm thuộc nhóm tội tham nhũng vì như vậy sẽ “góp phần đẩy mạnh tham nhũng”. Theo ông Hậu, tình hình tham nhũng hiện nay lên đến mức báo động và tồn tại khắp nơi; hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng rất thấp, không phải mọi hành vi tham nhũng đều bị phát hiện. “Cho nên việc áp dụng phạt tiền thay phạt tù sẽ làm giảm hiệu quả công tác phòng chống, tham nhũng” – ông Hậu nói.