Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp về dự thảo BLHS (sửa đổi) do Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện trình bày nhận định: Định hướng cải cách tư pháp đặt ra yêu cầu phải xử lý nghiêm khắc hơn đối với người phạm tội là người có thẩm quyền trong thực thi pháp luật hoặc lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội. Thời gian qua, tình trạng người có chức vụ, quyền hạn phạm tội trong khi thi hành công vụ hoặc lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội đã gây nhiều bức xúc trong nhân dân, điển hình là các vụ công an đánh chết người vi phạm giao thông, người bị tạm giữ tại nhiều địa phương. Thực tế này đòi hỏi phải có biện pháp xử lý nghiêm khắc để ngăn ngừa.
“Chức vụ càng cao, hình phạt phải càng cao”
Tuy nhiên, nghiên cứu dự thảo BLHS (sửa đổi), Ủy ban Tư pháp nhận thấy trong khi chủ thể các nhóm tội khác đều được sửa đổi theo hướng tăng nặng hình phạt thì nhiều tội danh mà chủ thể phạm tội là người có chức vụ, quyền hạn lại được sửa đổi, bổ sung theo hướng làm nhẹ hơn tính chất hành vi phạm tội, đồng thời bổ sung hình phạt tiền, còn hình phạt khác giữ nguyên.
Dẫn chứng rõ ràng nhất là quy định tại Điều 134 dự thảo về tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong khi thi hành công vụ. Theo đó, người nào trong khi thi hành công vụ dùng vũ lực ngoài những trường hợp pháp luật cho phép gây thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỉ lệ tổn thương cơ thể từ 31% trở lên mới bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm...
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện trình bày báo cáo thẩm tra. Ảnh: TTXVN
“Để bảo đảm công bằng trong áp dụng chính sách hình sự, bảo đảm tính răn đe và xử lý nghiêm người phạm tội, Ủy ban Tư pháp đề nghị đối với các tội danh mà chủ thể là người có chức vụ, quyền hạn cần được rà soát, sửa đổi, bổ sung nhằm bảo đảm yêu cầu xử lý, đấu tranh phòng, chống tội phạm” - ông Hiện nói.
Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn sau đó cũng cho rằng việc sửa đổi BLHS cần bảo đảm nguyên tắc là “chức vụ càng cao mà phạm tội thì phải chịu hình phạt càng cao”.
Dùng tiền thoát án tử: Cần cân nhắc kỹ
Liên quan đến quy định về việc không thi hành án tử hình đối với người “sau khi bị kết án đã chủ động khắc phục hậu quả của tội phạm do mình gây ra, tự nguyện giao nộp cho Nhà nước ít nhất 1/2 số tiền, tài sản do phạm tội mà có” (điểm c khoản 3 Điều 39 dự thảo), Ủy ban Tư pháp đã đề nghị “cần cân nhắc kỹ”.
Theo Ủy ban Tư pháp, nếu cần thiết phải bổ sung điều kiện này để giảm án tử hình thì cần có sự phân hóa, loại trừ các đối tượng cụ thể, tránh xu hướng mọi trường hợp đều có thể “dùng tiền để thoát án tử”. Để bảo đảm thống nhất áp dụng chính sách hình sự, đề nghị cân nhắc loại trừ hai nhóm đối tượng: Thứ nhất là người đã phạm tội đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong nhóm các tội xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm tính mạng, các tội phạm về ma túy. Thứ hai là người phạm tội là người tổ chức, người phạm tội có tính chất côn đồ, tái phạm nguy hiểm, người thực hiện tội phạm một cách man rợ, dã man, tàn bạo hoặc có nhiều tình tiết tăng nặng.
Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Doãn Khánh đề nghị nên tách khung hình phạt tù chung thân thành khung độc lập riêng và bổ sung thêm hình phạt chung thân không giảm án. Hình phạt này áp dụng đối với người bị tử hình được ân giảm, tha tội chết.
Luật sư được cấp “giấy đăng ký bào chữa”? Chiều cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án BLTTHS (sửa đổi). Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho hay việc cấp giấy chứng nhận người bào chữa hiện đang có hai quan điểm khác nhau. Quan điểm thứ nhất cho rằng cần tiếp tục giữ quy định hiện hành bởi điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán chỉ trở thành người tiến hành tố tụng trong vụ án khi có quyết định phân công của thủ trưởng. Tương tự, luật sư, trợ giúp viên pháp lý, người đại diện theo pháp luật chỉ trở thành người bào chữa khi đã được cơ quan tố tụng kiểm tra và chứng nhận đáp ứng đủ điều kiện luật định. Đây cũng là quan điểm được thể hiện trong dự thảo BLTTHS (sửa đổi). Quan điểm thứ hai lại đề nghị bỏ quy định hiện hành, thay vào đó luật sư chỉ cần đăng ký bào chữa khi đã xuất trình đầy đủ giấy tờ luật định. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho biết đa số ý kiến thành viên Ủy ban Tư pháp nhận thấy việc cấp giấy chứng nhận bào chữa là một thủ tục cần thiết để xác định tư cách tham gia tố tụng của người bào chữa, là căn cứ phát sinh quyền và nghĩa vụ của họ. Thực tiễn cho thấy việc cấp giấy chứng nhận còn chưa kịp thời, có phần do tổ chức thực hiện, có phần do quy về thủ tục còn rườm rà... Để việc bào chữa được kịp thời thì nên thay tên gọi cấp “giấy chứng nhận người bào chữa” thành cấp “giấy đăng ký bào chữa”, đồng thời đơn giản hơn thủ tục, rút ngắn thời hạn xác nhận tư cách tham gia tố tụng của người bào chữa. Cụ thể là nên quy định trong thời hạn 12 giờ kể từ khi người bào chữa có đề nghị và đã xuất trình đủ giấy tờ (thẻ luật sư, giấy mời bào chữa của người bị buộc tội hoặc thân nhân của họ) thì điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán được phân công thụ lý chính đối với vụ án phải cấp giấy đăng ký bào chữa... Chỉ cần thương tật 11% là khởi tố Trong phiên họp thẩm tra dự án BLHS (sửa đổi) tuần qua, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga từng bức xúc nêu ra vụ công an xã Dĩnh Trì (TP Bắc Giang) khi làm việc đã có hành vi xâm phạm sức khỏe của người dân. Thế nhưng xem xét xử lý hình sự người gây thương tích thì khó khăn bởi tỉ lệ thương tật của nạn nhân chỉ có 16%. “Đề nghị với trường hợp này, chí ít cũng quy định như bình thường là 11% thì có thể khởi tố” - bà Nga nói. |