Thu hút nhân tài không phân biệt công, tư, trong hay ngoài Đảng

(PLO)- Chiến lược về nhân tài cần quan tâm toàn diện hơn những nhà phát minh nông dân không nặng về bằng cấp, và không nên phân biệt công tư, trong hay ngoài Đảng.

Dự thảo chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn 2045 đang được Bộ Nội vụ lấy ý kiến hoàn thiện trước khi trình Thủ tướng quyết định. Theo đó, những nội dung cốt lõi như khái niệm nhân tài, tiêu chí xác định nhân tài, quan điểm và mục tiêu của chính sách thu hút nhân tài và trọng dụng nhân tài, các nhiệm vụ và giải pháp để thực hiện mục tiêu... đang có những ý kiến khác nhau.

Dự thảo Đề án nhấn mạnh thu hút, trọng dụng nhân tài là một nhiệm vụ phải được coi trọng trên tất cả các lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội. ẢNH: MINH TRÚC

Tại hội thảo do Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam phối hợp tổ chức chiều qua, 24-3, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường cho biết dự thảo đưa ra ba tiêu chí để xác định nhân tài: (1) Có phẩm chất chính trị, đạo đức công vụ (hoặc đạo đức nghề nghiệp), lối sống, tinh thần cống hiến; (2) Trình độ và năng lực sáng tạo vượt trội trong một ngành, một lĩnh vực cụ thể; (3) Có kết quả, công trạng, thành tích (được công nhận).

Về nguồn nhân tài, dự thảo chỉ ra bốn nguồn: (1) Học sinh, sinh viên có thành tích học tập, tốt nghiệp loại giỏi, loại xuất sắc; (2) Người có học vị, học hàm và các công trình nghiên cứu được công nhận và ứng dụng vào đời sống thực tiễn; (3) Người có trình độ, phẩm chất và có kinh nghiệm thực tiễn đang công tác ở doanh nghiệp, kinh tế tập thể và các khu vực, lĩnh vực khác; (4) Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đang công tác tại cơ quan, đơn vị, tổ chức nhà nước.

Trần Anh Tuấn - Chủ tịch Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam ghi nhận các ý kiến góp ý cho đề án của Bộ Nội vụ. ẢNH: MINH TRÚC

Góp ý cho dự thảo, PGS.TS Nguyễn Viết Thông - nguyên Tổng thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng chiến lược cần làm rõ những đổi mới tư duy về nhân tài và thu hút, trọng dụng nhân tài.

Thực tiễn có nhiều phát minh, sáng kiến, sản phẩm mang lại giá trị cao xuất phát từ những "nhà phát minh nông dân" - không có học hàm, học vị, cũng không trải qua nhiều trường lớp của hệ thống giáo dục quốc dân. Do đó, khái niệm về nhân tài cần toàn diện, rộng mở hơn, thay vì nhấn mạnh tiêu chí trình độ, bằng cấp, học hàm, học vị.

Theo PGS, TS Nguyễn Viết Thông chính sách trọng dụng nhân tài cần chú ý tới cả những "nhà phát minh nông dân". Ảnh: MINH TRÚC

Cùng quan điểm, TS Trần Văn Tuấn – nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Nội vụ nói: "Có thể người ta không là giáo sư, tiến sĩ, không phải là nhà khoa học, nhưng lại là người có kinh nghiệm và đã đề xuất được một phương án hoặc chế tạo ra một số máy móc công nghệ góp phần vào thực tiễn, giải quyết được thực tiễn của cuộc sống thì cũng có thể công nhận người ta là nhân tài".

Từ thực tế ấy, ông Tuấn cho rằng chiến lược nên đề ra chủ trương, nguyên tắc chung, còn cụ thể thì từng địa phương, từng ngành sẽ đề ra tiêu chí tỉ mỉ, chi tiết. "Không nhất thiết phải đảng viên, nhưng người ta có đóng góp lớn, có hiệu quả thì không thể không công nhận. Hay không nhất thiết phải là người trong cơ quan nhà nước, công chức nhà nước mới được công nhận người tài" - nguyên Bộ trưởng Nội vụ nhấn mạnh.

TS Trần Văn Tuấn cho rằng nhân tài không nhất thiết phải đảng viên. Ảnh: MINH TRÚC

Từ kết quả nghiên cứu chính sách thu hút nhân tài ở Trung Quốc, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương - Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia nhận xét đề án còn nặng về thu hút nhân tài khu vực công. Do đó cần điều chỉnh để bao quát cả khu vực tư. Bởi với nhân tài, tiêu chí quan trọng nhất là thực sự có tài năng, được lượng hóa bằng những cống hiến, đóng góp ghi nhận trên thực tế.

Ở góc nhìn khác, TS Nguyễn Tiến Dĩnh - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ đánh giá thời gian qua, nhiều bộ, ngành, địa phương đã có chính sách thu hút nhân tài song hiệu quả chưa cao, số nhân tài thu hút được còn rất thấp so với kỳ vọng.

"Nguyên nhân có phải do chế độ đãi ngộ chưa đủ hấp dẫn?". Ông nêu câu hỏi và cũng thẳng thắn chỉ ra nguyên nhân: Có chế độ đãi ngộ, thu nhập cao cho nhân tài đấy song việc sử dụng lại chưa đúng vị trí và năng lực chuyên môn của họ

“Cái gốc của thu hút nhân tài chính là sự tin tưởng, tôn trọng, tạo môi trường, điều kiện để nhân tài làm đúng vị trí, đúng việc và đúng năng lực” - TS Dĩnh nhấn mạnh.

Cho rằng, dự thảo đề án chiến lược chưa thể hiện được tính đột phá trong tư duy, nhận thức và cơ chế thu hút, trọng dụng nhân tài, TS Bùi Trường Giang, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng cần có “cơ chế mềm” thu hút, sử dụng nhân tài, tránh tư duy “tuần tự tịnh tiến”. Có vậy mới tạo “đột phá” trong thu hút, trọng dụng nhân tài.

Theo đó, người được xác định là nhân tài, có nhiều đóng góp cho cơ quan đơn vị, địa phương thì cần được cất nhắc, bổ nhiệm vượt cấp với những cơ chế vượt trội, đồng thời tạo những “trung tâm xuất sắc”, “tổ chức ưu tú” để quy tụ, nuôi dưỡng những ê kíp người tài trong các đơn vị.

Đồng chủ trì hội thảo, nguyên Thứ trưởng Nội vụ Trần Anh Tuấn - Chủ tịch Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam cho biết Bộ Nội vụ và Hiệp hội sẽ tổng hợp các ý kiến góp ý để chuyển Ban Soạn thảo đề án tiếp tục hoàn thiện dự thảo, sớm trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới