Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV, dự án Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) đã được trình Quốc hội cho ý kiến.
Đa số ý kiến đại biểu tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Tổ chức TAND năm 2014; cơ quan soạn thảo chuẩn bị hồ sơ dự án Luật kỹ lưỡng, đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét, thảo luận.
Trong số các quy định mới tại dự thảo lần này, bên cạnh những nội dung nhận được sự đồng thuận cao, vẫn có những nội dung còn tranh luận.
Thẩm phán bị huỷ, sửa án chịu trách nhiện khi nào?
Liên quan đến quy định về bảo vệ thẩm phán, Điều 102 dự thảo quy định “Thẩm phán có bản án, quyết định bị hủy, sửa chỉ phải chịu trách nhiệm khi có lỗi chủ quan theo quy định của pháp luật”. Tuy nhiên một số đại biểu chưa nhất trí với nội dung này.
Thảo luận tại hội trường hôm 22-11, đại biểu Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp) cho rằng quy định trên “chưa thuyết phục”
“Tổ chức, cá nhân nào xác định là lỗi chủ quan? Án bị sửa, hủy có thể do năng lực, trình độ yếu kém, có thể do tiêu cực”- ông Hoà nêu vấn đề.
ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho rằng nên giữ như luật hiện hành (không quy định nội dung này - PV) để đảm bảo công tác thẩm tra nhằm giúp cho thẩm phán, thư ký thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu thực tiễn, không dám chủ quan xét xử hoặc có tiêu cực và thể hiện sự công tâm, khách quan, vô tư.
Còn đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Bình Dương) thì đề nghị cần quy định rõ nội dung thẩm phán có bản án, quyết định bị hủy, sửa chỉ phải chịu trách nhiệm khi có lỗi chủ quan theo quy định của pháp luật nhằm bảo đảm phù hợp với đặc thù công tác xét xử của các Tòa án.
Theo đại biểu Trân, thực tiễn hiện nay cho thấy, nhiều trường hợp sau khi xét xử sơ thẩm, các bên giao nộp thêm chứng cứ dẫn tới bản án của tòa án cấp dưới bị hủy, sửa hoặc sau khi tuyên án sơ thẩm, bị cáo bồi thường cho bị hại hoặc nộp tiền khắc phục hậu quả nên cấp phúc thẩm sửa án giảm nhẹ cho bị cáo.
“Trường hợp này, thẩm phán không có lỗi và không phải chịu trách nhiệm đối với bản án quyết định bị hủy, sửa”- đại biểu Trân nói.
Cũng theo vị đại biểu tỉnh Bình Dương, Nghị quyết 96 của Quốc hội cũng giao chỉ tiêu cho ngành TAND, cho phép tỷ lệ bản án bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan không được vượt quá 1,5%, tức là chấp nhận tỷ lệ 1,5% bản án bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan.
Do đó, đại biểu Trân đề nghị cần quy định cụ thể trường hợp thẩm phán chỉ chịu trách nhiệm đối với lỗi chủ quan theo quy định để góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của thẩm phán. Bởi đây là người thực thi nhiệm vụ cốt lõi chính trong sứ mệnh bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người.
Là cơ quan thẩm tra, Uỷ ban Tư pháp đề nghị không quy định nội dung này trong dự thảo.
Uỷ ban Tư pháp cho rằng việc hủy, sửa án liên quan đến quy định về quản lý, đánh giá, phân loại cán bộ, công chức hằng năm và xem xét khi bổ nhiệm lại thẩm phán.
Thẩm phán có nhiều án bị hủy, sửa do năng lực, trình độ không đáp ứng yêu cầu, không hoàn thành nhiệm vụ hoặc có vi phạm pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ có thể bị xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật và quy định của ngành Tòa án. Thẩm phán xét xử kết án oan người vô tội thì sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, theo cơ quan thẩm tra, cũng có ý kiến tán tán thành với dự thảo luật vì quy định này phù hợp với công tác xét xử của các tòa án.
Thư ký toà, thẩm tra viên cũng có nguy cơ bị đe doạ tính mạng
Cũng tại buổi thảo luận, đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung (Hải Dương) cho biết, bảo vệ thẩm phán và các chức danh tư pháp khác của tòa án khi thi hành công vụ là phù hợp, vì thẩm phán phải thường xuyên tiếp xúc với tội phạm. Những mặt trái của xã hội tiềm ẩn rủi ro cao, nhiều nguy hiểm.
Tuy nhiên, theo đại biểu này, cần phải quy định chi tiết hơn nữa về bảo vệ thẩm phán và thân nhân của thẩm phán nói riêng, công chức tòa án nói chung trong trường hợp được phân công giải quyết xét xử các loại vụ án theo quy định tại Chỉ thị số 26, Chỉ thị của Trung ương. Có như vậy mới đảm bảo hỗ trợ thẩm phán yên tâm công tác, hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ xét xử.
Cũng theo vị đại biểu tỉnh Hải Dương, thư ký tòa án và thẩm tra viên là chức danh tư pháp trực tiếp thực hiện các tác nghiệp tiếp xúc, làm việc với các đương sự nên nguy cơ bị đe dọa đến sức khỏe, tính mạng cũng rất cao. Do đó, đây cũng là những đối tượng cần được bảo vệ khi thi hành công vụ.
"Vì vậy, đề nghị bổ sung nội dung thẩm tra viên, thư ký tòa án được hưởng chế độ chính sách ưu đãi khi bị tổn hại sức khỏe, tính mạng như đối với thẩm phán" - bà Dung nói.
Điều 101 dự thảo quy định thẩm phán được hưởng chế độ, chính sách ưu đãi khi bị tổn hại sức khỏe, tính mạng vì lý do công vụ. Các chế độ, chính sách này sẽ do UBTVQH quyết định theo đề nghị của Chánh án TAND Tối cao.