Sáng 20-3, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tổ chức phiên chất vấn Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình.
ĐB Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) đặt vấn đề hiện nay một bộ phận cán bộ, công chức, thẩm phán ngành tòa án xin nghỉ việc do áp lực công việc ngày càng tăng. Trong khi đó, công tác tuyển dụng biên chế ngành tòa án gặp nhiều khó khăn, bất cập.
ĐB Nguyễn Tạo từ điểm cầu Lâm Đồng. |
“Trong những năm gần đây, ngành tòa án chỉ tuyển dụng công chức từ nguồn chính là sinh viên tốt nghiệp Học viện Tòa án”- ĐB Lâm Đồng dẫn chứng và đề nghị Chánh án TAND Tối cao cho biết trách nhiệm của mình về nội dung nêu trên.
Trả lời, Chánh án Nguyễn Hoà Bình cho hay biên chế ngành toà án lấy số tròn là 15.500 người, tỷ lệ nghỉ hằng năm gần 4,5-4,8%, tức là khoảng 700 đến 800 người. Do vậy, ngành phải tuyển đầu vào để bù đắp các hao hụt tự nhiên này.
“Học viện Tòa án, theo quy định chúng tôi, không tuyển quá 300 một năm, như vậy còn khoảng hơn 400 người phải tuyển từ các nguồn khác nhau”- ông Bình nói khi tuyển dụng, ngành toà án ưu tiên tuyển những sinh viên giỏi, sinh viên xuất sắc và việc này “không làm ảnh hưởng đến chất lượng tuyển dụng cũng như quyền lợi của sinh viên các trường luật khác khi có nguyện vọng vào làm việc tại tòa án”.
Chất vấn tiếp sau đó, ĐB Cao Mạnh Linh (Thanh Hoá) nói qua theo dõi việc tuyển dụng thư ký tòa án năm 2022, ông thấy rằng tòa án có đặt ra tiêu chuẩn phải có “chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ xét xử”.
ĐB Cao Mạnh Linh (Thanh Hoá). Ảnh: PHẠM THẮNG |
“Tôi thấy để được cấp chứng chỉ này, các sinh viên tốt nghiệp các trường luật khác ngoài Học viện Tòa án sẽ phải mất 18 tháng để học ở Học viện Tòa án hoặc Học viện Tư pháp”- ĐB Thanh Hoá nói và đề nghị Chánh án cho biết việc đặt ra chỉ tiêu này liệu có làm hẹp đi nguồn tuyển dụng đối với các cử nhân xuất sắc ở các trường luật uy tín khác để tuyển dụng vào vị trí thư ký tòa án.
“Tiêu chí này có thực sự cần thiết, không hợp hay không”- ông Linh cũng gửi câu hỏi này tới Viện trưởng VKSND Tối cao bởi năm 2023, VKSND Tối cao thông báo tuyển dụng cũng đặt ra chỉ tiêu là được đào tạo nghiệp vụ kiểm sát làm tiêu chí tuyển dụng công chức.
Trả lời, Chánh án Nguyễn Hoà Bình nói “đây là quy định của luật, Tòa án phải chấp hành”.
Người đứng đầu ngành toà án cho rằng luật quy định như vậy với mong muốn nâng cao chất lượng xét xử. “Ông muốn làm Tòa thì ông phải có nghiệp vụ xét xử, ông phải hiểu biết, ông phải được đào tạo vì việc này quyết định đến quyền lợi, thậm chí là sinh mạng của con người”- ông Nguyễn Hoà Bình nói.
Chánh án Nguyễn Hoà Bình. Ảnh: PHẠM THẮNG |
“Bây giờ bảo là không cần phải qua đào tạo này thì có được hay không? Tôi nghĩ là không được”- ông Bình cho rằng không riêng ngành toà, án, điều tra viên muốn làm điều tra cũng phải qua nghiệp vụ điều tra; kiểm sát viên muốn làm kiểm sát cũng phải qua nghiệp vụ kiểm sát và luật sư muốn làm luật sư cũng phải có kiến thức về luật sư.
“Đối với các cháu học rất giỏi ở các trường đại học khác, chúng tôi cũng như tất cả các ngành khác có cơ chế tuyển dụng nhân tài. Những cháu được giải quốc gia, quốc tế, những cháu thủ khoa học rất xuất sắc ở các trường thì chúng tôi tuyển thẳng. Việc đào tạo thêm về nghiệp vụ xét xử thì diễn ra sau”- ông Nguyễn Hoà Bình một lần nữa khẳng định quy định trên không làm hạn chế quyền lợi của các cháu học giỏi và “điều này, chúng ta thể hiện trách nhiệm của chúng ta trước dân”.
Chưa hài lòng, ĐB Cao Mạnh Linh bấm nút xin tranh luận. ĐBQH tỉnh Thanh Hoá cho rằng Chánh án đã hiểu nhầm ý câu hỏi của ông. “Tôi hỏi đây là tuyển dụng công chức đầu vào của ngành tòa án”- ông Linh cho rằng khi đặt ra một tiêu chí như vậy, sinh viên tốt nghiệp đại học luật, dành 18 tháng để lấy một chứng chỉ chỉ dùng để thi tuyển vào ngành tòa án thì rất ít người lựa chọn cho mất quá nhiều thời gian và công sức, chưa nói chi phí.
“Nếu dành 18 tháng chỉ để chờ cơ hội được ứng tuyển vào ngành tòa án hay ngành kiểm sát, tôi nghĩ là rất ít người lựa chọn. Rõ ràng khi người ta chưa chắc chắn thì người ta không học… Vì thế, tôi đặt câu hỏi có hợp lý hay không, còn tất nhiên, việc đưa thêm tiêu chuẩn, tiêu chí về vị trí ứng tuyển là phù hợp với quy định của luật”- ĐB nói tiếp.
Tiếp tục trả lời, Chánh án Nguyễn Hoà Bình một lần nữa khẳng định: “Đây không phải chứng chỉ thẩm phán mà là chứng chỉ đầu vào, tất cả các ngành đều có chứng chỉ đầu vào chứ không phải chỉ riêng thẩm phán. Việc này để nâng cao chất lượng, bởi vì xét cho cùng, chất lượng nền tư pháp là do cán bộ tư pháp quyết định”.
Ông Bình cho rằng chúng ta có thay đổi bao nhiêu biện pháp nhưng chất lượng cán bộ không tốt cũng không có chất lượng tốt. Đây là lý do vì sao luật quy định là phải có đào tạo, tòa án đào tạo, viện kiểm sát đào tạo, các trường luật đào tạo theo đúng chương trình.
“Việc này không có gì bí mật cả. Tất cả mọi người đều phải học theo chương trình như vậy và điều này là mong muốn chung, làm sao để chất lượng đầu vào cho tốt. Bảo có hợp lý hay không, bây giờ luật quy định như thế thì chúng ta phải chấp hành”- vẫn lời ông Bình.