Thu nhập khủng từ Google, YouTube... hết đường trốn thuế

(PLO)- Theo luật sư, các tổ chức, cá nhân có thu nhập từ Facebook, YouTube, Google… mà không kê khai nộp thuế có thể sẽ bị xử lý hình sự.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Mới đây, Tổng cục Thuế đã tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác thuế sáu tháng đầu năm 2022.

Báo cáo tại hội nghị, đại diện Cục Thuế TP.HCM cho biết trong sáu tháng đầu năm, có bốn ngân hàng thương mại đã cung cấp thông tin các tổ chức, cá nhân có thu nhập phát sinh từ Google để từ đó tiến hành xử lý. Trong đó có một cá nhân bị Chi cục Thuế khu vực quận 7 - Nhà Bè truy thu và phạt 31 tỉ đồng.

Người dân làm thủ tục thuế tại Cục Thuế TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG

Người dân làm thủ tục thuế tại Cục Thuế TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG

Thông tin trên đã nhận được nhiều sự quan tâm của bạn đọc với các vấn đề pháp lý như: Cá nhân có thu nhập từ Google, Facebook… phải có nghĩa vụ nộp thuế ra sao và nếu không nộp thì đối mặt với chế tài nào?

Thu nhập trên 100 triệu/năm phải đóng thuế

Hiện nay, việc thu thuế từ các nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số (nhà cung cấp ở nước ngoài) và thu thuế của tổ chức, cá nhân có thu nhập từ các nhà cung cấp ở nước ngoài như Google, Apple, Netflix… đang được cơ quan thuế dùng nhiều biện pháp để kiểm tra và truy thu.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, một cán bộ Cục Thuế TP.HCM cho biết khoản 2 Điều 4 Thông tư 40/2021 của Bộ Tài chính đã nêu rõ: Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có doanh thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm dương lịch từ 100 triệu đồng trở xuống thì không phải nộp thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân.

Như vậy, các cá nhân có phát sinh doanh thu từ các nhà cung cấp ở nước ngoài như YouTube, Google, Facebook… trên 100 triệu đồng/năm thì phải có nghĩa vụ kê khai và đóng thuế. Hai loại thuế mà cá nhân kinh doanh phải đóng là thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân.

Về phía các nhà cung cấp ở nước ngoài, theo Thông tư 80/2021 của Bộ Tài chính, họ có thể đăng ký, giao dịch và nộp thuế trực tiếp thông qua cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế hoặc ủy quyền cho tổ chức, đại lý thuế hoạt động theo pháp luật Việt Nam thực hiện thay.

Trong trường hợp các nhà cung cấp ở nước ngoài không thực hiện thì theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 30 Nghị định 126/2020 và Điều 81 Thông tư 80/2021 của Bộ Tài chính, ngân hàng thương mại được quyền khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế theo quy định đối với từng loại thuế phải đóng.

Sau khi nhận được văn bản của Tổng cục Thuế thông báo tên, địa chỉ website của nhà cung cấp ở nước ngoài chưa thực hiện đăng ký, kê khai, nộp thuế thì hội sở chính của ngân hàng có trách nhiệm thông báo cho các chi nhánh thực hiện kê khai, khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế.

Có thể thấy theo quy định hiện nay các nhà cung cấp dịch vụ ở nước ngoài và các cá nhân có thu nhập từ đó đều phải kê khai, đóng thuế theo quy định.

Cơ quan thuế sẽ liên kết chặt chẽ với các ngân hàng để quản lý chặt các dòng tiền thanh toán, để từ đó phát hiện các tổ chức, cá nhân có hành vi không kê khai, đóng thuế và thực hiện truy thu, xử lý theo quy định.

Có thể bị xử lý hình sự

Mở rộng vấn đề, luật sư (LS) Nguyễn Minh Tường, Đoàn LS TP.HCM, cho biết hiện nay liên quan đến hành vi trốn thuế, tùy tính chất, mức độ của hành vi mà người nộp thuế có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự.

Các cá nhân có phát sinh doanh thu từ Google, Facebook… trên 100 triệu đồng/năm thì phải có nghĩa vụ kê khai và đóng thuế.

Về xử lý hành chính, Điều 17 Nghị định 125/2020 quy định rõ người có hành vi trốn thuế phải nộp đủ số tiền thuế trốn vào ngân sách (truy thu).

Đồng thời, tùy theo số tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ mà người có hành vi trốn thuế có thể bị phạt 1-3 lần số tiền thuế trốn đóng.

Đơn cử, phạt tiền một lần số thuế trốn đối với người nộp thuế có từ một tình tiết giảm nhẹ trở lên khi thực hiện các hành vi như không nộp hồ sơ đăng ký thuế; không nộp hồ sơ khai thuế… (trừ trường hợp không phát sinh số thuế phải nộp hoặc có phát sinh nhưng sau đó đã nộp đủ trước thời điểm bị lập biên bản/thanh tra, kiểm tra thuế).

Cũng theo LS Tường, ở mức độ nghiêm trọng hơn người có hành vi trốn thuế sẽ bị xử lý hình sự về tội trốn thuế theo Điều 200 BLHS năm 2015.

Theo đó, người nào thực hiện hành vi không nộp hồ sơ đăng ký thuế, không nộp hồ sơ khai thuế… mà trốn thuế với số tiền từ 100 triệu đến dưới 300 triệu đồng hoặc dưới 100 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án về tội này hoặc các tội khác như buôn lậu… chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị phạt tiền 100-500 triệu đồng hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm.

Ngoài ra, trường hợp trốn thuế với số tiền từ 300 triệu đồng trở lên hoặc phạm tội với các tình tiết như có tổ chức, tái phạm nguy hiểm… thì người trốn thuế có thể bị phạt lên đến bảy năm tù.

Nhiều tổ chức, cá nhân bị truy thu, xử phạt

Trong sáu tháng đầu năm 2022, Cục Thuế TP.HCM đã xử lý 38 cá nhân có thu nhập từ Google với số thuế truy thu, phạt và tiền chậm nộp là 169 tỉ đồng.

Ngoài ra, cục cũng xử lý ba doanh nghiệp với số thuế xử lý truy thu, phạt và tiền chậm nộp là 327 triệu đồng.

Cục Thuế TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

(PLO)- Cáo trạng xác định có hơn 6.600 khách hàng đã ký hợp đồng đầu tư trái phiếu, hợp đồng chuyển nhượng và bị Tập đoàn Tân Hoàng Minh chiếm đoạt 8.600 tỉ đồng.

Ngẫm chuyện bồi thường và quy hoạch treo

Ngẫm chuyện bồi thường và quy hoạch treo

(PLO)- Chậm chân, vướng quy hoạch nên không thể chuyển mục đích sử dụng đất khiến hai mảnh đất liền kề chênh lệch 10 lần về giá bồi thường vì bên đất nông nghiệp, bên đất ở. Đây là thực tế đáng suy ngẫm về công tác quy hoạch và chính sách bồi thường...