Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải bị bắt

(PLO)- Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải bị bắt về tội “Nhận hối lộ”, quy định tại khoản 4 Điều 354 Bộ luật Hình sự.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 21-12, Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an cho biết Cơ quan điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương liên quan đến vụ án xảy ra tại Công ty TNHH thương mại vận tải và du lịch Xuyên Việt Oil và một số cơ quan, tổ chức liên quan.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải bị bắt về tội nhận hối lộ quy định tại khoản 4 Điều 354 Bộ luật Hình sự.

Theo Bộ Công an, đây là kết quả của việc điều tra vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil và một số cơ quan, tổ chức liên quan.

Trước đó, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với: Mai Thị Hồng Hạnh - Giám đốc Công ty Xuyên Việt Oil và Nguyễn Thị Như Phương - Phó Giám đốc Công ty Xuyên Việt Oil, về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” (Điều 219 Bộ luật Hình sự).

Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an cũng đã bắt ông Lê Đức Thọ, cựu Bí thư Tỉnh uỷ Bến Tre, về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” (Điều 358 Bộ luật Hình sự) và ông Lê Duy Minh - Giám đốc Sở Tài chính TP.Hồ Chí Minh (nguyên Cục trưởng Cục Thuế TP.Hồ Chí Minh), về tội “Nhận hối lộ" (Điều 354 Bộ luật Hình sự).

Các Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam và Lệnh khám xét nêu trên đã được Viện Kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành.

Tại Kỳ thứ 34, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét, kết luận một số nội dung liên quan các vi phạm của Bộ Công Thương.

Theo UBKT Trung ương, Ban cán sự đảng Bộ Công Thương đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc. Đơn vị này cũng thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo để Bộ Công Thương và nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong công tác tham mưu, ban hành cơ chế phát triển điện mặt trời, điện gió; trong thực hiện Quy hoạch điện VII điều chỉnh.

Ngoài ra còn có các vi phạm trong tham mưu, ban hành cơ chế kinh doanh, điều hành nguồn cung ứng, cấp phép kinh doanh xăng, dầu; quản lý và sử dụng Quỹ bình ổn giá; trong lập, thẩm định, phê duyệt, tổ chức đấu thầu, thực hiện các dự án-gói thầu do Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) thực hiện; nhiều cán bộ, đảng viên bị xử lý kỷ luật, xử lý hình sự.

Trách nhiệm đối với những vi phạm, khuyết điểm nêu trên thuộc về Ban cán sự đảng Bộ Công Thương các nhiệm kỳ 2016-2021, 2021-2026; Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ, Đảng ủy các Cục, Vụ liên quan và các cá nhân gồm các ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương; Đỗ Thắng Hải, Ủy viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng; Hoàng Quốc Vượng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Công Thương.

Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên Ban cán sự đảng, Phó Bí thư Đảng ủy Bộ, Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Cán bộ; Trần Hữu Linh, Bí thư Đảng ủy, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường; Hoàng Tiến Dũng, Bí thư Đảng ủy, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo...

Những vi phạm nêu trên đã gây hậu quả nghiêm trọng, khó khắc phục; nguy cơ thiệt hại rất lớn tiền, tài sản của Nhà nước, lãng phí nguồn lực xã hội; dư luận bức xúc, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và cơ quan quản lý nhà nước, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm