Thứ trưởng Bộ KH&CN: TP.HCM là địa bàn thử nghiệm chính sách để có những đột phá

(PLO)- Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định nhìn nhận TP.HCM chính là địa bàn thử nghiệm chính sách để có những đột phá và phải có những quy định phù hợp với một địa phương đặc thù như TP.HCM.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 16-2, Thành ủy TP.HCM tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW của Trung ương Đảng khóa XI về phát triển khoa học và công nghệ (KH-CN) phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: THANH TUYỀN
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: THANH TUYỀN

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định đánh giá, trong thời gian qua Thành ủy, UBND TP.HCM đã chỉ đạo các cấp để cụ thể triển khai hiệu quả nghị quyết. Trong đó, TP đã có đổi mới cơ chế, quản lý phương thức đầu tư và cơ chế tài chính liên quan đến hoạt động KH-CN và đổi mới sáng tạo trên địa bàn.

TP.HCM là một trong số các đơn vị có tổ chức KH-CN được phát triển nhanh, kịp thời. Trong đó, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của TP.HCM là bức tranh rõ rệt cho thấy sự nhanh nhạy, năng động sáng tạo của TP, đáp ứng cả về chính sách cả về xã hội hóa. Sự sáng tạo của TP phù hợp với tinh thần và tính chất đặc thù của địa bàn.

Thứ trưởng Bộ KH&CN cho rằng, TP.HCM là đơn vị đi đầu cả nước về nhiều lĩnh vực KH-CN, đổi mới sáng tạo. Chính vì vậy nên có nhiều vấn đề khó khăn, vướng mắc thì TP sẽ đương đầu trước so với các địa phương khác.

“TP.HCM chính là địa bàn thử nghiệm chính sách để có những đột phá” - ông Định nêu quan điểm và cho rằng ngoài những quy định chung thì phải có những quy định phù hợp với một địa phương đặc thù như TP.HCM.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định phát biểu tại hội nghị. Ảnh: THANH TUYỀN
Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định phát biểu tại hội nghị. Ảnh: THANH TUYỀN

Thứ trưởng Lê Xuân Định dẫn chứng về chính sách về mức lương cho các nhà khoa học, nhà nghiên cứu hiện nay. Trong đó, một nghiên cứu viên trước đây 8 triệu thì nay lên 16 triệu đồng. Người hỗ trợ nghiên cứu thì mức thấp hơn là 6-8 triệu đồng. Với mặt bằng chung của cả nước thì đó là sự đổi mới rất lớn nhưng với TP.HCM, mức lương của người hỗ trợ nghiên cứu không đủ cho mức sống trung bình.

“Một người làm nghiên cứu mà tiền lương của họ không đủ sống thì khó có thể tham gia vào trong quá trình này” - ông nhìn nhận và cho rằng đồng thời với tổng kết Nghị quyết 20, TP cần tập trung chuẩn bị “nguyên liệu đầu vào” trong nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 để có thêm cơ chế cho TP.

Góp ý thêm cho TP.HCM, Thứ trưởng Lê Xuân Định cho rằng cần tăng tỉ trọng đầu tư cho phát triển KH-CN, đổi mới sáng tạo của TP.HCM. Để ngang tầm với khu vực và thế giới, tổng mức đầu tư cho KH-CN của TP.HCM phải từ 2% GDP trở lên thì mới có đủ sức bật.

“Ngân sách nhà nước thì không bao giờ đáp ứng được điều đó, cách duy nhất là để xã hội hóa. Trong cơ chế chính sách sắp tới, rất cần có những đặc thù riêng cho TP để có thể đi trước các địa phương khác về vấn đề xã hội hóa nguồn lực cho KH-CN và đổi mới sáng tạo..” - ông Định nói.

Cạnh đó, TP.HCM cần tiếp tục khẳng định vai trò của KH-CN, đổi mới sáng tạo là đột phá chiến lược, là động lực chính của tăng trưởng kinh tế, tạo đột phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh để phát triển kinh tế- xã hội của TP.

TP.HCM cũng cần quan tâm tính đặc thù của hoạt động KH-CN là tính rủi ro và độ trễ. “Tất cả cơ chế cần thể chế hóa trong các quyết định để chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu. Bên cạnh quan tâm đầu tư KH-CN, ngân sách nhà nước thì cần quan tâm thu hút nguồn lực ngoài nhà nước và xã hội hóa cho đổi mới sáng tạo” - Thứ trưởng Bộ KH&CN nêu ý kiến.

Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ trao bằng khen cho tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết 20. Ảnh: THANH TUYỀN

Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ trao bằng khen cho tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết 20. Ảnh: THANH TUYỀN

Theo ông Định, TP có nguồn lực quan trọng là doanh nghiệp, khi nào TP khơi thông nguồn đầu tư của doanh nghiệp cho hoạt động KH-CN thì sẽ tháo gỡ được những khó khăn, trong đó có vấn đề trọng dụng nhân tài và cơ chế đặc thù cho các nhà khoa học. Để làm được điều này, theo ông cần tháo gỡ các rào cản về luật pháp, tài chính, chính sách kinh tế, tài chính, đầu tư.

“Ngoài việc nghiên cứu, phát triển ứng dụng công nghệ thì khoa học xã hội nhân văn là mảng quan trọng đối với một “siêu đô thị” như TP.HCM. Các quan hệ xã hội sẽ phát sinh cùng quá trình phát triển, vận động của TP. Nếu chúng ta không có nền tảng vững chắc về khoa học xã hội nhân văn thì việc giải quyết những căn cơ, thách thức cũng sẽ gặp khó khăn” - Thứ trưởng Bộ KHCN nhận định và cho rằng, TP cần hướng đến xây dựng môi trường làm việc có thể thu hút các nhà khoa học quốc tế.

Cuối cùng, ông Lê Xuân Định đặt vấn đề về việc phát triển thị trường KH-CN vì đây là nơi tiêu thụ các sản phẩm khoa học, để các sản phẩm đi vào cuộc sống.

TP.HCM có sàn giao dịch công nghệ thường xuyên cùng nhiều hình thức khác nhưng theo ông Định, thách thức của TP là làm sao để phát triển thị trường KH-CN đồng bộ với các thị trường khác.

Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết 20, TP.HCM từng bước khẳng định vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; tạo ra nhiều sản phẩm KH-CN có tính đột phá trên nhiều lĩnh vực như y tế, cơ khí chế tạo, năng lượng, quản lý đô thị, vi chip điện tử, công nghệ nano, nông nghiệp công nghệ cao...

Những thành quả này từng bước đưa TP.HCM trở thành trung tâm thương mại - dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao, nghiên cứu, đổi mới và chuyển giao công nghệ của khu vực phía Nam nói riêng và cả nước nói chung.

TP.HCM cũng đã xây dựng các chính sách hỗ trợ, kết nối hệ sinh thái, tăng cường hoạt động truyền thông, hoạt động đổi mới sáng tạo, hợp tác quốc tế nhằm thu hút nguồn lực phục vụ phát triển TP.

Kết quả này được thể hiện thông qua chỉ số năng suất yếu tố tổng hợp (TFP) luôn ở mức cao trong thời gian qua, đạt trung bình 35,62%, trong đó đóng góp của KH - CN vào tăng trưởng TFP là 74%.

TP.HCM luôn nằm trong top 10 TP năng động nhất thế giới kể từ năm 2017 đến nay.

Bên cạnh những kết quả đạt được, TP.HCM vẫn còn mặt còn hạn chế như: đầu tư nguồn lực cho KH - CN chưa tương xứng; đầu tư cho hoạt động nghiên cứu khoa học còn dàn trải; các chính sách ưu đãi nguồn nhân lực KH-CN chưa đủ mạnh để thu hút các chuyên gia đầu ngành...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm