Ngày 18-3, Bộ NN&PTNT phối hợp với UBND TP Cần Thơ tổ chức Hội thảo tham vấn về hoàn thiện chính sách pháp luật xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam.
Theo báo cáo của Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn, kim ngạch xuất khẩu nông sản năm 2023 của Việt Nam đạt 53,01 tỉ USD, thặng dư thương mại là 12,07 tỉ USD.
11 nhóm mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD. Sáu nhóm mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỉ USD gồm rau quả, gạo, hạt điều, cà phê, tôm, gỗ và sản phẩm gỗ…
Tuy nhiên, 80% sản lượng nông sản xuất khẩu chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có logo, nhãn mác riêng và chưa tham gia đầy đủ vào chuỗi giá trị toàn cầu. Thương hiệu nông sản Việt Nam vẫn bị xâm phạm ở nước ngoài như ST25, nước mắm Phú Quốc, cà phê Buôn Ma Thuột…
Góp ý tại hội thảo, các ý kiến đều cho rằng xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam cần phải có trọng tâm, trọng điểm, phải thể hiện sản phẩm đó là tiêu biểu cho quốc gia chứ không nên làm dàn trải.
Bên cạnh đó, cần có cơ chế phối hợp đồng bộ giữa các bộ ngành và địa phương trong việc xây dựng thương hiệu quốc gia cho các sản phẩm nông sản của Việt Nam. Kế đến là phải có nguồn kinh phí thích hợp và lựa chọn thị trường quảng bá phù hợp cho từng sản phẩm.
Thương hiệu quốc gia ngoài những chuẩn mực đo đếm được thì logo thể hiện thương hiệu Việt Nam phải được giám sát chặt chẽ.
Kết luận hội thảo, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết sẽ ghi nhận tất cả các ý kiến góp ý và thống nhất phải có thương hiệu để bảo vệ giá trị của nông sản Việt Nam. Theo đó sẽ xây dựng nghị định về quản lý và phát triển thương hiệu nông sản.
Ông đề nghị tiếp tục nghiên cứu sâu thêm về vấn đề này. Bởi xây dựng nghị định này phải theo chuỗi giá trị nhãn hiệu nông sản, từ khâu chọn giống, gieo trồng đến lúc ra sản phẩm, đăng ký chất lượng quốc gia và quốc tế.
"Xây dựng thương hiệu theo cách đó thì mới phân định được trách nhiệm của từng cơ quan bộ, ngành, xem ai ở khúc nào, quản lý ở đâu" - ông Nam nói và khẳng định xây dựng được chuỗi thì mới phân cấp quản lý được.
Cũng theo Thứ trưởng Nam, để ra đời được nghị định này cũng sẽ phải mất thời gian, chắc phải 2025 mới có để trình Chính phủ. Trong thời gian này, ông đề nghị các hiệp hội chọn ra ngành hàng chủ lực làm trước với quan điểm nhãn hiệu tập thể và nhãn hiệu doanh nghiệp phải hài hòa, không làm triệt tiêu nhau. Sau ngành hàng chủ lực sẽ nghiên cứu thêm nhãn hiệu với ngành hàng giảm phát thải…