Mới đây, Diễn đàn các Công ty quản lý tài sản công quốc tế (IPAF) lần thứ 4 về “Củng cố an ninh tài chính châu Á và giải pháp thực hiện” được tổ chức. Hội nghị do Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) phối hợp với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tổ chức.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải cho biết để đảm bảo sự phát triển an toàn cho hệ thống tài chính ngân hàng, nền tài chính quốc gia, Chính phủ Việt Nam đã dành nhiều quan tâm cho việc xử lý nợ, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, giữ vững sự ổn định của hệ thống tài chính.
“Về cơ bản, hệ thống pháp luật Việt Nam đã quy định khá đầy đủ để điều chỉnh toàn diện về việc thành lập tổ chức, chấm dứt hoạt động với các loại hình doanh nghiệp nói chung và ngân hàng nói riêng, cũng như việc thực hiện các giao dịch dân sự, thương mại, trong đó có mua bán, xử lý nợ xấu” - Thứ trưởng Huỳnh Quang Hải cho hay.
Thứ trưởng Huỳnh Quang Hải nói công cụ xử lý nợ xấu ở Việt Nam đã đủ. Ảnh: CHÂN LUẬN
Thời gian qua DATC và VAMC đã cùng nhau tạo thành hệ công cụ xử lý nợ quan trọng, hiệu quả của Chính phủ để tăng cường xử lý nợ xấu của nền kinh tế. Trong đó, Nghị định 69 ban hành năm 2016 đã tạo nền tảng pháp lý cho hơn 30 tổ chức xử lý nợ tư nhân ra đời, góp phần tạo cơ sở vững chắc cho việc hình thành thị trường mua bán nợ ở Việt Nam.
Theo Thứ trưởng Huỳnh Quang Hải, kinh tế toàn cầu tới đây tiếp tục đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức, tác động lớn đến sự ổn định của thị trường tài chính các nền kinh tế thế giới, trong đó có châu Á.
“Việc thành lập IPAF để thúc đẩy xử lý nợ xấu, qua đó tạo sự ổn định, bền vững cho nền kinh tế thể hiện sự quyết tâm của Việt Nam và các thành viên trong việc ứng phó với những biến động của thế giới” - Thứ trưởng Huỳnh Quang Hải khẳng định.
Ông Eric Sidgwick, Giám đốc ADB Việt Nam, cho biết FED tăng lãi suất, căng thẳng thương mại Mỹ-Trung, kết hợp với các điều kiện khó khăn ở châu Á đòi hỏi phải củng cố an ninh tài chính ở các thị trường châu Á.
Giám đốc ADB tại Việt Nam, ông Eric Sidgwick, nói các yếu tố vĩ mô rất quan trọng để một nền kinh tế tránh được cú sốc từ bên ngoài. Ảnh: CHÂN LUẬN
“Bài học từ cuộc khủng hoảng tài chính trước đây đã chứng minh tầm quan trọng của việc thúc đẩy mạnh mẽ các yếu tố vĩ mô nền tảng như quản lý ngân sách quốc gia, điều hành tỉ giá, dự trữ ngoại hối, phát triển thị trường vốn trong nước… để ứng phó với những rủi ro tài chính và cú sốc bên ngoài” - ông Eric Sidgwick nhận xét.
Về kinh nghiệm xử lý khủng hoảng tài chính ở Việt Nam, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng “phòng bệnh hơn chữa bệnh” là một trong những bài học cần thiết.
“Cần chuẩn bị ngay cho khủng hoảng từ khi nền kinh tế đang vận hành bình thường. Các cơ quan quản lý và hoạch định chính sách cần luôn cập nhật và nắm chắc các luồng thông tin, hình thành các cơ sở dữ liệu phân tích tình huống, từ đó có khả năng nhận diện sớm các vấn đề của khủng hoảng, cân nhắc và đưa ra các quyết định kịp thời” - ông Hiếu nói.
Còn ông Đậu Anh Tuấn (Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) cho hay: Trước xu hướng bất ổn, khó lường trên thế giới ngày càng gia tăng, nên nền kinh tế Việt Nam càng dễ bị tổn thương do phụ thuộc vào xuất khẩu lớn và độ mở ngày càng cao.
Tuy vậy, với những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, hoàn thiện thể chế, tích cực hội nhập, ông Đậu Anh Tuấn nói rằng: “Việt Nam có cơ sở vĩ mô tốt để trụ vững trong bối cảnh thế giới nhiều bất ổn”.