Ngày 5-5, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 4-2020. Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh phải tập trung hơn nữa khởi động lại nền kinh tế. Cụ thể là phấn đấu GDP năm 2020 đạt mức tăng trưởng trên 5%, chứ không phải như dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) là Việt Nam chỉ có thể tăng trưởng 2,7%. Muốn như vậy, cần tập trung năm mũi đột phá là: Thu hút FDI, đẩy mạnh xuất khẩu, đẩy mạnh đầu tư công, thu hút đầu tư tư nhân và đẩy mạnh tiêu dùng nội địa.
Thủ tướng cho rằng tại Việt Nam, dịch bệnh COVID-19 cơ bản được đẩy lùi, tuy nhiên không được chủ quan.
Bốn tháng qua, nhiều nền kinh tế lớn tăng trưởng âm. Theo dự báo mới nhất của IMF, với kịch bản dịch COVID-19 đạt đỉnh trong quý II-2020 và giảm trong nửa cuối năm 2020, GDP toàn cầu năm 2020 sẽ âm 3%.
Theo Thủ tướng, trong bối cảnh tình hình thế giới vô cùng khó khăn, nhiều nước tăng trưởng âm, nước ta lại hội nhập quốc tế sâu rộng, do đó cần xem xét điều chỉnh phù hợp một số chỉ tiêu kinh tế-xã hội.
Với tinh thần trên, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công Thương và Văn phòng Chính phủ, các cơ quan liên quan khẩn trương cập nhật kịch bản tăng trưởng, điều chỉnh chỉ tiêu tăng GDP, các chỉ tiêu liên quan, trên cơ sở đó Bộ Tài chính điều chỉnh kế hoạch thu ngân sách, bội chi và nợ công.
Đối với giáo dục và đào tạo, Thủ tướng đánh giá cao Bộ GD&ĐT đã hướng dẫn các sở, các trường về bảo đảm an toàn cho học sinh đi học trở lại, đồng thời lưu ý việc giãn cách học sinh phù hợp với điều kiện thực tế, không cứng nhắc, cực đoan.
Tại phiên họp, Chính phủ đã nghe Bộ GD&ĐT báo cáo các phương án tổ chức tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2020 và thống nhất với báo cáo này. Về thi tốt nghiệp THPT, cơ bản không có nhiều thay đổi so với năm 2019. Bộ ra đề thi, xây dựng và cung cấp phần mềm chấm thi, thí sinh vẫn dự thi ở địa phương mình, nội dung thi phù hợp, các trường đại học, cao đẳng có thể sử dụng kết quả kỳ thi này làm căn cứ tuyển sinh. Thủ tướng yêu cầu Bộ GD&ĐT khẩn trương ban hành các quy chế, hướng dẫn công tác thi, tuyển sinh; chuẩn bị đề thi bảo đảm chất lượng, phù hợp; phần mềm chấm thi an toàn, bảo mật; tăng cường phương tiện, công nghệ giám sát; đẩy mạnh thanh tra, bảo đảm kỳ thi tổ chức thành công.
Nhiều ngành bị ảnh hưởng nặng nề Các ý kiến phát biểu tại phiên họp đều cho rằng tình hình kinh tế-xã hội tháng 4 thể hiện rõ nét ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19. Hầu hết các ngành, lĩnh vực đều bị ảnh hưởng, nhất là các ngành công nghiệp, chế biến chế tạo, xây dựng, dịch vụ vận tải, hàng không, du lịch. Nhiều ngành trong khối này đã giảm, như hàng không giảm đến 98%, du lịch quốc tế giảm đến 94,2%... |