Thủ tướng: Bảo đảm mọi vi phạm đều bị phát hiện, xử lý kịp thời, công bằng, nghiêm minh

(PLO)- Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Lễ hưởng ứng 10 năm Ngày Pháp luật Việt Nam do Bộ Tư pháp tổ chức tối 6-11.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long cho hay năm 2022, với ý nghĩa là năm thứ 10 hưởng ứng Ngày Pháp luật (ngày 9-11-2022), các Bộ, ngành, tổ chức đoàn thể trung ương và tất cả 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã và đang thực hiện Kế hoạch tổ chức Ngày Pháp luật bằng rất nhiều nội dung, hình thức phong phú, đa dạng và sáng tạo.

Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long phát biểu. Ảnh: TTXVN

Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long phát biểu. Ảnh: TTXVN

Đặc biệt, trong hai tháng cao điểm, bắt đầu từ đầu tháng 10 vừa qua, các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật đã được diễn ra sôi nổi trên khắp mọi miền của đất nước, được đông đảo các tầng lớp nhân dân đón nhận và tích cực hưởng ứng.

Tham dự và phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá ngày 9-11-1946 là thời khắc lịch sử trọng đại, thiêng liêng của dân tộc Việt Nam. Đó là ngày bản Hiến pháp đầu tiên của nước ta được Kỳ họp thứ nhất Quốc hội Khóa I thông qua. Sự kiện này mở ra một nền lập pháp Việt Nam thời đại mới với tư tưởng “Trăm điều phải có thần linh pháp quyền” của Chủ tịch Hồ Chí Minh... Với ý nghĩa trọng đại đó, Đảng, Nhà nước lựa chọn ngày 9-11 là “Ngày Pháp luật nước CHXHCN Việt Nam”.

Người đứng đầu Chính phủ cũng đánh giá công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, pháp luật đã có nhiều tiến bộ quan trọng. Hệ thống pháp luật của nước ta ngày càng đầy đủ, ổn định, thống nhất, đồng bộ, minh bạch và thuận lợi; tạo hành lang pháp lý thúc đẩy phục hồi, phát triển KTXH, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh, mở rộng hội nhập quốc tế...

“Trong thành công chung của đất nước ta thời gian qua có sự đóng góp tích cực, quan trọng của công tác pháp luật. Trong đó, việc nâng cao ý thức chấp hành, tuân thủ pháp luật nghiêm minh của người dân, doanh nghiệp, cơ quan nhà nước và cộng đồng xã hội là một trong những điều kiện tiên quyết nhất”- Thủ tướng nói.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng cho rằng việc nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng và đầu tư toàn diện cho xây dựng và phổ biến pháp luật chưa thật sự tương xứng. Chất lượng xây dựng luật pháp chưa cao; tuyên truyền, phổ biến pháp luật thời gian qua có lúc, có nơi vẫn mang tính hình thức, chưa thường xuyên, kịp thời.

“Có không ít các vụ buôn lậu ma túy, mua bán trẻ em, phụ nữ qua biên giới, tình trạng tảo hôn, vi phạm quy định giao thông, bất động sản, trái phiếu, chứng khoán… dẫn đến những rủi ro pháp lý do thiếu hiểu biết về pháp luật”- người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.

Cạnh đó, Thủ tướng đánh giá ý thức chấp hành pháp luật trong một bộ phận người dân chưa cao; tình trạng vi phạm pháp luật vẫn xảy ra, ngay cả trong hoạt động thực thi công vụ của một số cán bộ, công chức. Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, tổ chức thi hành, bảo vệ pháp luật mặc dù đã được quan tâm nhưng chưa tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra...

Đầu tư cho xây dựng và hoàn thiện thể chế là đầu tư cho phát triển

Thủ tướng Phạm Minh Chính sau đó nhấn mạnh sáu nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai trong thời gian tới.

Đáng chú ý, người đứng đầu Chính phủ lưu ý việc tập trung đầu tư cho công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, một trong ba đột phá chiến lược. “Đầu tư cho xây dựng và hoàn thiện thể chế là đầu tư cho phát triển”- Thủ tướng nhấn mạnh và cho rằng việc gắn kết chặt chẽ xây dựng pháp luật với tổ chức thi hành pháp luật là “hai mặt của một quá trình thống nhất”.

Thủ tướng tham dự và phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: TTXVN

Thủ tướng tham dự và phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: TTXVN

Người đứng đầu Chính phủ cũng cho rằng muốn “đưa pháp luật vào cuộc sống” thì ngay từ khi xây dựng phải có các quy định cụ thể, rõ ràng, khả thi, phù hợp với cuộc sống, phải “đưa hơi thở cuộc sống vào trong pháp luật”...

Thủ tướng cũng đề nghị cần chú trọng, đổi mới công tác tuyên truyền pháp luật với phương châm người dân là trung tâm, là chủ thể trong quá trình xây dựng theo hướng truyền thông chính thống có nhiệm vụ định hướng, dẫn dắt dư luận, nhất là giới trẻ.

Mặt khác, cần phát huy vai trò chủ động, tích cực, tính tự giác, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong học tập, tìm hiểu pháp luật, đặc biệt là chấp hành pháp luật.

“Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan bảo vệ pháp luật, bảo đảm mọi vi phạm pháp luật đều bị phát hiện, xử lý kịp thời, công bằng, nghiêm minh, nhất quán, công khai, minh bạch”- Thủ tướng nói.

Cũng theo người đứng đầu Chính phủ, công tác tổ chức thi hành pháp luật phải hướng về cơ sở. Xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN phải được chú trọng ngay từ cấp chính quyền gần dân nhất. Phát huy quyền làm chủ của nhân dân, lắng nghe tiếng nói của người dân, đặt quyền lợi của người dân lên trên hết theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”...

“Tôi đề nghị và mong muốn mỗi cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp cần chủ động hơn trong việc tìm hiểu, tuân thủ nghiêm pháp luật, vì quyền, lợi ích hợp pháp của bản thân và cộng đồng”- Thủ tướng nói thêm.

Ngoài ra, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng lưu ý việc đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác xây dựng, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục và tổ chức thực hiện pháp luật; phát hiện, nhân rộng các mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả, tiên tiến để hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam, trong tuyên truyền, phổ biến, thực thi pháp luật.

“Tôi mong rằng mỗi người dân Việt Nam đều có ý thức tuân thủ pháp luật để xây dựng xã hội văn minh, lịch sự, sớm hiện thực hóa khát vọng đưa đất nước phát triển hùng cường, thịnh vượng và Nhân dân ngày càng được ấm no, hạnh phúc”- Thủ tướng nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm