Thủ tướng: Cần chủ động, không ngồi chờ, bó tay trước biến động kinh tế

(PLO)-  "Đi tìm sự ổn định trong sự bất định; đi tìm sự chủ động trong thế bị động; đi tìm ổn định và nhất quán trong chuyển đổi và xáo trộn", Thủ tướng nói.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 12-9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị về giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế.

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc lại cách đây hơn một tháng, tại buổi thảo luận về ổn định kinh tế vĩ mô ngày 30-7 cũng tại trụ sở Chính phủ, các đại biểu đã thống nhất sau khoảng một tháng sẽ xem xét tình hình, ngồi lại, cập nhật, đánh giá và tiếp tục đưa ra các đề xuất chính sách, giải pháp liên quan để thích ứng tình hình mới. Trong hơn một tháng qua, tình hình lại tiếp tục có nhiều thay đổi.

Hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng nghị quyết của Chính phủ về giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế trong bối cảnh hiện nay. Đây là chủ đề không mới nhưng luôn mang tính thời sự, nhất là trong bối cảnh hiện nay.

Lược qua những khó khăn về tình hình thế giới, sự đứt gãy chuỗi cung ứng, phản ứng chính sách khác nhau của các nước…, Thủ tướng nhấn mạnh:

“Trong bối cảnh khó khăn đó, chúng ta không bó tay, không ngồi chờ, không khuất phục trước khó khăn mà đi tìm sự ổn định trong sự bất định; đi tìm sự chủ động trong thế bị động; đi tìm ổn định và nhất quán trong chuyển đổi và xáo trộn; thiết lập công cụ quản lý rủi ro trong suy thoái và khủng hoảng là thuộc tính không thể thiếu trong kinh tế thị trường; thiết lập phòng tuyến hợp tác và cạnh tranh kinh tế quốc tế trong hội nhập”.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: "Các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm". Ảnh: VGP

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: "Các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm". Ảnh: VGP

Theo Thủ tướng, thời gian qua, Việt Nam vẫn giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thị trường vốn, thị trường tiền tệ cơ bản ổn định, thúc đẩy tăng trưởng (trong quý III, nếu không có thay đổi lớn thì dự kiến tăng trưởng GDP sẽ đạt hơn 7%).

Các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm: thu NSNN đáp ứng nhu cầu chi - thu NSNN ước đạt 85,6% dự toán, tăng 19,4%; xuất nhập khẩu 8 tháng đạt gần 500 tỷ USD, tăng 15,5%, xuất siêu gần 4 tỷ USD; cân đối lương thực – thực phẩm, cân đối năng lượng được bảo đảm; thị trường lao động phục hồi; tăng trưởng kinh tế tiếp tục phục hồi ở cả ba khu vực; công tác an sinh xã hội được làm tốt; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; đối ngoại, hội nhập được mở rộng, thúc đẩy phù hợp xu thế và tình hình thế giới.

Các tổ chức quốc tế đánh giá tích cực về tình hình và triển vọng phát triển của Việt Nam. Mới nhất, hãng đánh giá tín dụng Moody's vừa nâng xếp hạng của Việt Nam từ Ba3 lên Ba2, với triển vọng ổn định. Nikkei đánh giá chỉ số phục hồi COVID-19 của Việt Nam xếp thứ 2 thế giới, tăng 12 bậc. WB, IMF nâng dự báo tăng trưởng của Việt Nam.

Tuy nhiên, tình hình kinh tế còn rất khó khăn và xác định khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ và thuận lợi. Nền kinh tế Việt Nam quy mô khiêm tốn, độ mở lớn, sức chống chịu có hạn nên một tác động nhỏ bên ngoài cũng ảnh hưởng tới trong nước. Giải ngân vốn đầu tư công còn chậm. Một số giải pháp, chính sách có độ trễ trong triển khai. Thị trường trái phiếu, chứng khoán, bất động sản tiềm ẩn rủi ro, vừa qua đã tổ chức nhiều hội nghị về các thị trường này để điều tiết phù hợp và không siết chặt một cách bất hợp lý.

Thủ tướng cho rằng trong bối cảnh hiện nay, việc điều hành vừa phải bám sát thực tiễn trên nền tảng các vấn đề kỹ thuật mang tính kinh tế, vừa phải ổn định chính trị - xã hội, với nghệ thuật điều hành linh hoạt, phù hợp, hiệu quả.

Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung đánh giá tình hình thế giới, khu vực và Việt Nam, các kinh nghiệm rút ra, quan điểm, định hướng mục tiêu, các nhiệm vụ, giải pháp cơ bản; đề xuất kiến nghị các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, cấp bách, trước mắt cũng như lâu dài.

Thủ tướng cho biết, sau Hội nghị, dự kiến sẽ ban hành ngay chỉ thị của Thủ tướng để chỉ đạo những vấn đề cấp bách và sau đó ban hành Nghị quyết của Chính phủ để chỉ đạo toàn diện hơn với cơ sở pháp lý cao hơn về nội dung này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm