Thủ tướng: Cần xây dựng chính quyền đối thoại, cầu thị

Ngày 28-9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự hội nghị xúc tiến đầu tư tại tỉnh Hậu Giang với chủ đề “Hậu Giang - tiềm năng đầu tư và phát triển”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. Ảnh: NH

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng là tỉnh nông nghiệp nhưng Hậu Giang đang vươn lên mạnh mẽ, với nhiều lợi thế quan trọng. Theo Thủ tướng, địa phương có nguồn nguyên liệu nông nghiệp, lực lượng lao động rất dồi dào.

Thủ tướng đề nghị tỉnh cần liên kết chặt chẽ với các địa phương trong vùng và liên kết với TP.HCM, có cách làm sáng tạo trong liên kết và sáng tạo theo cái riêng của mình.

Đồng thời, tỉnh xây dựng chính quyền đối thoại, đồng hành và tạo niềm tin cho doanh nghiệp (DN) để khơi gợi nguồn vốn, từ đó phục vụ cho mục tiêu phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chứng kiến lãnh đạo tỉnh Hậu Giang ký kết hợp tác. Ảnh: NH

"Các cấp chính quyền cần cầu thị lắng nghe, trực tiếp giải quyết các vướng mắc của DN. Trong lĩnh vực nông nghiệp phải tái cấu trúc theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong phát triển cần chú trọng bảo vệ môi trường" - Thủ tướng lưu ý.

Dịp này, Thủ tướng đã chứng kiến lễ ký kết hợp tác phát triển KT-XH giai đoạn 2017-2020, định hướng 2025 giữa Hậu Giang - Kiên Giang - Bạc Liêu - Sóc Trăng; ký kết hợp tác giữa Hậu Giang với Hiệp hội DN Hàn Quốc, Lào…

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với các đại biểu bên lề hội nghị. Ảnh: NH

Theo ông Lữ Văn Hùng, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, thông qua hội nghị xúc tiến đầu tư lần này tỉnh mong đón các nhà đầu tư và DN quan tâm đầu tư vào tỉnh, đặc biệt là đầu tư trong các lĩnh vực nông nghiệp; công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm; thương mại, dịch vụ và du lịch

Ông Hùng cho hay ngoài các chính sách ưu đãi chung, Hậu Giang còn có một số cơ chế chính sách ưu đãi riêng như miễn, giảm thuế thu nhập DN (thuế suất 10%); miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước; miễn, giảm thuế nhập khẩu...  

Hậu Giang có vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao 32.000 ha. Ảnh: GIA TUỆ

“Đến với Hậu Giang, các nhà đầu tư sẽ được tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để thực hiện thành công dự án và đảm bảo phát triển bền vững trong tương lai. Hậu Giang luôn thực hiện nhất quán quan điểm ở nơi nào trên địa bàn tỉnh có khó khăn của DN thì ở đó sẽ có mặt của chính quyền địa phương để cùng tháo gỡ” - ông Lữ Văn Hùng nói.

Tại hội nghị, lãnh đạo tỉnh Hậu Giang trao quyết định chủ trương đầu tư cho năm dự án, vốn tổng nguồn đầu tư trên 2000 tỉ đồng.

Hậu Giang có diện tích tự nhiên 1.601 km2, trong đó diện tích sản xuất nông nghiệp là 140.000 ha; dân số khoảng 772.230 người, trong đó có khoảng 573.146 người sản xuất nông nghiệp, lao động trong độ tuổi là 589.149 người. Dự báo lực lượng lao động của tỉnh năm 2020 là 648.835 người.  

Với những lợi thế đặc trưng về khí hậu và địa lý, tỉnh Hậu Giang đã xây dựng được các vùng nguyên liệu nông sản chuyên canh với quy mô khá lớn, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng và chế biến xuất khẩu. Các loại nông sản có thế mạnh của tỉnh được đăng ký nhãn hiệu, nhiều sản phẩm có thương hiệu trên thị trường Việt Nam biết đến như bưởi Năm roi Phú Thành, quýt đường Long Trị, khóm Cầu Đúc, cá thát lát…

Hậu Giang đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và đã phê duyệt quy hoạch chung. Trong tỉnh đã hình thành hai khu công nghiệp và tám cụm công nghiệp tập trung, với tổng diện tích là 1.530 ha, đã thu hút 29 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn 808 triệu USD.

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm