|
Ảnh minh họa |
Chỉ thị nêu rõ, BHXH, BHYT là hai chính sách quan trọng của hệ thống an sinh xã hội, đã được Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm, chỉ đạo thực hiện qua nhiều Nghị quyết và các văn bản quy phạm pháp luật. Nhiều chính sách BHXH, BHYT đã đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân trong bảo đảm an sinh xã hội. Công tác BHXH, BHYT thời gian qua đã được các Bộ, ngành và địa phương nghiêm túc triển khai thực hiện và đạt nhiều kết quả quan trọng về số người tham gia BHXH, BHYT tăng nhanh qua các năm...
Tuy nhiên, công tác BHXH, BHYT còn một số hạn chế như số người tham gia bảo hiểm còn thấp, mới chỉ có khoảng 20% lực lượng lao động tham gia BHXH, khoảng 71% dân số tham gia BHYT; tình trạng nợ đóng, trốn đóng BHXH còn diễn ra ở nhiều doanh nghiệp. Quỹ BHXH, nhất là quỹ hưu trí, tử tuất có nguy cơ mất cân đối trong tương lai gần. Thủ tục tham gia, hưởng BHXH, BHYT còn phức tạp, rườm rà.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Y tế khẩn trương hoàn thiện chính sách và tổ chức đổi mới cơ chế tài chính, xây dựng giá dịch vụ y tế theo lộ trình tính đúng, tính đủ, đổi mới phương thức thanh toán BHYT; tổ chức tốt việc khám bệnh, chữa bệnh BHYT, bảo đảm cung ứng dịch vụ y tế có chất lượng, nhất là y tế tuyến cơ sở.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với BHXH Việt Nam và các Bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch, triển khai hiệu quả các giải pháp làm tăng thêm nhanh số người tham gia BHXH.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng và ban hành kế hoạch triển khai thực hiện chính sách BHXH, BHYT tại địa phương, coi chỉ tiêu bao phủ BHXH, BHYT là một chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Đồng thời huy động mọi nguồn lực để hỗ trợ cho người dân tham gia BHYT, trước mắt tập trung hỗ trợ 30% mức đóng BHYT còn lại cho người thuộc hộ gia đình cận nghèo; vận động để học sinh, sinh viên, hộ gia đình có mức sống trung bình mua BHYT, góp phần tăng tỷ lệ người tham gia BHYT; chỉ đạo Sở Y tế thành lập đơn vị chịu trách nhiệm tham mưu về BHYT trên địa bàn, xem xét bổ sung 01 lãnh đạo cấp phòng thuộc Sở Y tế chịu trách nhiệm về lĩnh vực BHYT.
Các tỉnh có tỷ lệ bao phủ BHXH thấp (dưới 20%), BHYT thấp (dưới 60%) cần tập trung xây dựng, ban hành kế hoạch và tổ chức thực hiện nhằm nâng cao số người tham gia BHXH, BHYT để đạt bằng tỷ lệ trung bình của cả nước về người tham gia BHXH, BHYT vào cuối năm 2015; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện hằng năm.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng trình Chính phủ ban hành văn bản quy định chi tiết Luật BHXH sửa đổi; bố trí đầy đủ, kịp thời kinh phí đóng BHYT và hỗ trợ mức đóng BHXH, BHYT cho các nhóm đối tượng.
Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, BHXH Việt Nam và các Bộ, ngành xây dựng tiêu chí, kế hoạch phát triển BHYT tại mỗi cơ sở giáo dục, đào tạo và tổ chức thực hiện các giải pháp mở rộng BHYT đối với học sinh, sinh viên, phấn đấu đạt tỷ lệ tham gia BHYT 100%; phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan đề xuất nâng mức cho vay ưu đãi đối với học sinh, sinh viên nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh, sinh viên học tập và tham gia BHYT.
Theo Phan Hiển (Chinhphu.vn)