Thủ tướng: Chủ động bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 7-4, theo plo.vn, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban chỉ đạo (BCĐ) An toàn, an ninh mạng (ANM) quốc gia, đã chủ trì phiên họp thứ nhất của BCĐ này.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm
tại phiên họp. Ảnh: VGP

Nhiệm vụ đặc biệt quan trọng

Tại cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ bảo đảm an toàn, ANM đã được xác định trong định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia. “Nhiệm vụ này đặc biệt quan trọng, nhất là trong bối cảnh đất nước ta đang đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số, xây dựng chính phủ điện tử, hướng tới chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số, công dân số!” - Thủ tướng nhấn mạnh

Theo Thủ tướng, thời gian qua, tình hình an toàn, ANM diễn biến phức tạp trên không gian mạng toàn cầu, khó kiểm soát, khó dự báo, tác động ngày càng sâu sắc tới mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, chủ quyền, an ninh quốc gia của các nước và tâm lý, nhận thức của người dân.

Thủ tướng biểu dương các thành viên BCĐ, văn phòng, các tiểu ban của BCĐ, các lực lượng bảo đảm an toàn, ANM trong thời gian qua đã bám sát tình hình, nỗ lực làm tốt nhiệm vụ, chức năng, quyền hạn được giao, góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng, bảo vệ thành công Đại hội XIII của Đảng, bầu cử Quốc hội, HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2025, bảo đảm môi trường an toàn, lành mạnh cho người dân và doanh nghiệp trên không gian mạng.

Tuy nhiên, bên cạnh đó có những vấn đề cần tiếp tục quan tâm và cố gắng hơn nữa như nâng cao nhận thức về an toàn, ANM; đầu tư cho công tác bảo đảm an toàn, ANM chưa tương xứng với nhiệm vụ được giao. Cạnh đó, việc phối hợp giữa các cơ quan còn có hạn chế, hợp tác quốc tế chưa phát huy hiệu quả tích cực; vai trò đầu mối thực hiện các nhiệm vụ liên ngành còn có vướng mắc; việc triển khai nhiệm vụ của một số bộ, ngành, địa phương có lúc chưa kịp thời. Đáng lưu ý, còn tình trạng lộ, lọt bí mật nhà nước; công tác đào tạo, nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ nhân lực chưa được quan tâm đúng mức…

Chủ động phòng ngừa, sẵn sàng ứng phó

Thủ tướng nhấn mạnh cần nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả các cơ hội do không gian mạng mang lại để phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời chủ động phòng ngừa, sẵn sàng ứng phó để hạn chế các tác động tiêu cực, khắc phục các tồn tại, hạn chế…

Người đứng đầu Chính phủ đặc biệt nhấn mạnh cần tăng cường hơn nữa bảo vệ an toàn, ANM đối với không gian mạng quốc gia, góp phần bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, lợi ích quốc gia, dân tộc; bảo vệ người dân, doanh nghiệp, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển.

Theo Thủ tướng, các thành viên của BCĐ, Bộ Công an với vai trò là cơ quan thường trực BCĐ, Văn phòng BCĐ an toàn, ANM quốc gia, Tiểu ban an toàn, ANM, các bộ, ngành liên quan cần khẩn trương thực hiện các biện pháp bảo vệ an toàn, ANM. Sự khẩn trương này được đặt ra khi tình hình chính trị thế giới diễn biến phức tạp, công tác chuyển đổi số của quốc gia đang diễn ra mạnh mẽ...

Thủ tướng nêu rõ phải bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước, sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền với công tác ANM. Bảo vệ an toàn, ANM là trọng tâm của quá trình chuyển đổi số, là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên, liên tục, vừa cấp bách vừa lâu dài. Đó cũng là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị và của toàn dân, thu hút được các nguồn lực, chủ động hội nhập quốc tế. Từ đó, Thủ tướng yêu cầu cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, xuyên suốt, đồng bộ, thống nhất, phân công trách nhiệm rõ ràng giữa các cơ quan.

Thủ tướng yêu cầu phải nhận thức đầy đủ, sâu sắc, toàn diện về an toàn, ANM để thống nhất về nhận thức và hành động. Đây là vấn đề toàn cầu nên cần cách tiếp cận toàn cầu, huy động sự hợp tác quốc tế, đề cao chủ nghĩa đa phương; đây là vấn đề tác động tới toàn dân nên phải có cách tiếp cận toàn dân, người dân phải là trung tâm, chủ thể tham gia công tác này.

Thủ tướng cũng yêu cầu phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng, các cơ quan trong hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, huy động sức mạnh tổng hợp của người dân và doanh nghiệp. Cùng với đó là thúc đẩy hợp tác công tư, xây dựng thế trận lòng dân và thế trận an ninh nhân dân trên không gian mạng; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về an toàn, ANM. Đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện; nghiên cứu thành lập Hiệp hội ANM quốc gia…•

Phải thích ứng nhanh, tham gia các xu thế lớn

Tại hội nghị, Thủ tướng khẳng định Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, chỉ đạo sát sao đối với công tác bảo vệ an toàn, ANM. Từ đó, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật như Nghị quyết 29 ngày 25-7-2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng, Nghị quyết 30 ngày 25-7-2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược ANM quốc gia, Luật An toàn thông tin mạng năm 2015, Luật ANM năm 2018, Nghị quyết 22/NQ-CP ngày 18-10-2019 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 30 của Bộ Chính trị...

Theo Thủ tướng, tình hình, bối cảnh mới vừa phải thích ứng nhanh, hiệu quả với các diễn biến mới vừa tích cực, chủ động hội nhập, tham gia các xu thế lớn. Cạnh đó là phải vừa có các biện pháp bảo đảm an toàn, ANM vừa tăng cường công khai, minh bạch, vừa bảo vệ được dữ liệu cá nhân.

Thủ tướng nhấn mạnh phải đẩy mạnh hội nhập, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực an toàn, ANM trên tinh thần làm bạn, đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, đóng góp vào hòa bình, hợp tác, phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm