Thủ tướng: Chưa có cơ sở giảm giá VNĐ

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh như thế tại cuộc họp liên bộ Công Thương, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước (NHNN)... về kinh tế vĩ mô quý I diễn ra chiều tối 30-3.

Giá USD và giá dầu luôn phập phồng

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng tình hình kinh tế thế giới đầy biến động, nếu các bộ, ngành không theo dõi kịp thời sẽ làm cho tình hình trong nước luôn biến động. Trong đó, giá USD và giá dầu luôn phập phồng và tiềm ẩn nhiều yếu tố thay đổi. Do vậy các bộ phải hết sức coi trọng trong điều hành kinh tế vĩ mô.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng tỉ giá chưa có căn cứ để điều chỉnh nên NHNN cần tiếp tục theo dõi. Biên độ tỉ giá đưa ra từ đầu năm vẫn phù hợp, chưa có cơ sở giảm giá VNĐ. “Kinh tế đầy biến động nếu không thường xuyên theo dõi sẽ rất khó khăn. Bây giờ chúng ta ngồi ở đây không biết giá USD biến động ra sao, tương tự giá dầu cũng không biết sẽ như thế nào” - Thủ tướng nói.

Cạnh đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các bộ, ngành chức năng tiếp tục làm tốt công tác dự báo, phân tích, đánh giá tình hình để chủ động đề ra các giải pháp linh hoạt, hiệu quả; chủ động trong đề xuất cơ chế, chính sách cho phát triển. Trước hết phải phấn đấu đạt và vượt mục tiêu tăng trưởng 6,2%; xuất khẩu tăng 10%. Cùng đó làm rõ nguyên nhân tại sao một số mặt hàng nông sản xuất khẩu giảm, đi liền với đó là kiểm soát tốt nhập khẩu. Tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh; xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ cần thiết đối với phát triển nông nghiệp, công nghiệp; giữ vững đà tăng trưởng của công nghiệp. Đồng thời quan tâm hơn nữa đến việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; mở rộng thị trường tiêu thụ, nhất là thị trường xuất khẩu.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu kết luận cuộc họp. Ảnh: TTXVN

Ngân hàng nên giảm lãi suất

Báo cáo với Thủ tướng, nguyên Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Cao Viết Sinh, Tổ trưởng Tổ vĩ mô liên ngành, cho biết kinh tế quý I năm nay tốt hơn nhiều so với các năm trước với GDP tăng 6,03%, cao hơn mức 5,06% cùng kỳ năm ngoái. Trong đó sản xuất công nghiệp tăng gấp đôi, tổng cầu tiêu dùng phục hồi, nhiều doanh nghiệp có đơn hàng tăng cao hơn năm trước.

Định hướng điều hành trong quý II, ông Sinh cho rằng tăng trưởng kinh tế có thể cao hơn cùng kỳ năm trước, song cũng phải lưu ý những thách thức như đồng USD tăng giá ảnh hưởng đến xuất khẩu; giá dầu tăng cao trở lại và điều chỉnh giá điện ảnh hưởng đến lạm phát; việc giảm thuế cũng tạo áp lực lên cạnh tranh hàng hóa với các nước trong khu vực. “GDP quý I tăng 6,03% là nền tảng cho tăng trưởng quý tiếp theo. Đồng thời, nếu thực hiện hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thì tăng trưởng kinh tế 2015 có thể đạt 6,3%-6,5%, cao hơn mục tiêu 6,2%” - ông Sinh đưa ra dự báo.

Theo ông Sinh, việc tăng giá điện, xăng dầu vừa qua sẽ tác động đến lạm phát quý II. Theo dự báo chỉ số giá tiêu dùng quý II tăng 1%-1,2%, trong đó mức tăng giá điện đóng góp 0,8%. “Trong bối cảnh lạm phát tăng thấp thì phải tăng giá các mặt hàng thiết yếu theo cơ chế thị trường là điều cần thiết nhưng cần tính toán thời điểm để tránh ảnh hưởng đến mức tăng chung. Ngoài ra, các ngân hàng nên giảm lãi suất cho DN 1%-1,5% để đẩy tăng trưởng tín dụng 15%-17% cho năm 2015” - ông Sinh đề xuất.

Phải quan tâm nhiều đến tiền tệ

USD tăng giá đã tác động đến thị trường nhưng biên độ tỉ giá vẫn nằm trong khung cho phép. Các thành viên tổ điều hành liên ngành cho rằng USD tăng giá chưa gây bất lợi nhiều, xuất khẩu vẫn tăng. Trong khi đó, đồng euro và yen (Nhật Bản) giảm giá là cơ hội để nhập máy móc và giảm nợ vay bằng các đồng tiền này. Với tính toán này thì nợ công giảm khoảng 12.000 tỉ đồng. Trước mắt chưa cần điều chỉnh tỉ giá.

Năm nay phải quan tâm nhiều đến tiền tệ. Chúng ta phải bám sát tình hình thế giới để có quyết định sáng suốt. Nếu giữ nguyên tỉ giá thì làm cho hàng hóa xuất khẩu mất tính cạnh tranh, thị trường nông sản đang khó còn khó hơn. Chúng ta nên xem độ mở bao nhiêu thì vừa.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT BÙI QUANG VINH

“Nếu quyết tăng giá điện 9,5% thì hay quá” (?)

Giá điện tăng 7,5% từ ngày 16-3 sẽ không ảnh hưởng đáng kể đến chỉ số giá tiêu dùng và GDP. Đáng ra nếu hôm đó quyết tăng giá điện 9,5% thì hay quá. Trước đó cũng báo cáo Thủ tướng nên mạnh dạn tăng 9,5% để không phải làm đi làm lại nữa. Nếu tăng 9,5% thì có thể tăng trưởng trên 6,2% và thậm chí lạm phát vẫn có thể dưới 5%.

Về tỉ giá, NHNN nhận thấy rằng trước mắt nên giữ ổn định tỉ giá. Năm nay vẫn giữ nguyên mục tiêu điều chỉnh tỉ giá không quá 2%.

Thống đốc NHNN NGUYỄN VĂN BÌNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm