Thủ tướng đồng ý hỗ trợ ĐBSCL 350 tỉ đồng ứng phó hạn mặn

Chiều 8-3, tại Bến Tre, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và các bộ, ngành trung ương đã có buổi làm việc với các tỉnh ĐBSCL về hạn hán, xâm nhập mặn.

ĐBSCL “căng mình” với đợt hạn mặn khốc liệt

Phát biểu tại buổi làm việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định tình hình dịch COVID-19 trong nước diễn ra trong tầm kiểm soát chặt chẽ của Chính phủ. Gần đây, do một số du khách từ nước ngoài về, gây lây nhiễm nhưng chúng ta đã kịp thời khoanh lại, xử lý môi trường, cách ly y tế, đưa điều trị. Chúng ta đã và sẽ cung cấp đầy đủ hàng hóa, vật tư, lương thực, thực phẩm ở thành phố lớn, các tỉnh thành trong cả nước không để thiếu thốn bất kỳ sản phẩm hàng hóa nào, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

Thủ tướng kiểm tra các công trình đập ngăn mặn tại Bến Tre.

Thủ tướng nêu rõ, ngày 7-3 vừa qua khi phát hiện có một bệnh nhân dương tính với dịch COVID-19, có một số cá nhân tạo nên không khí thiếu thốn hàng hóa giả tạo, có người không tốt đã có động cơ mua vét hàng hóa về tích trữ. Thủ tướng nhắc nhở các các bộ, ngành, các địa phương, các tập đoàn, công ty...  làm hết sức mình, cung cấp mọi nhu yếu phẩm cần thiết phục vụ đời sống người dân.

Về hạn hán xâm nhập mặn, Thủ tướng nêu rõ năm nay tình hình hạn hán xâm nhập mặn diễn ra nghiêm trọng hơn năm 2016. Tình trạng thiếu nước ngọt cho sinh hoạt, sản xuất diễn ra khá trầm trọng. Theo Thủ tướng, dự đoán được tình hình hạn mặn năm nay sẽ khốc liệt, trung ương đã có cảnh báo, Bộ NN&PTNT có nhiều biện pháp chỉ đạo, các địa phương chủ động đề ra nhiều biện pháp ứng phó. Tuy nhiên, vùng ĐBSCL vẫn bị thiệt hại do hạn mặn gây ra.

Thủ tướng kiểm tra hạn mặn tại Bến Tre.

Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành liên quan, các tỉnh ĐBSCL nhất là bảy tỉnh ven biển phải hết sức chủ động, sáng tạo, năng động bằng các giải pháp cụ thể, chi tiết  ứng phó với hạn mặn. Thủ tướng nhìn nhận dù năm nay hạn mặn cao hơn nhưng thiệt hại chỉ bằng 9,6% về cây lúa đối với năm 2016 và so với cả khu vực ĐBSCL chỉ thiệt hại 1,2%.

“Đó là thành công quan trọng mà chúng ta đã có bước chuyển thời vụ mạnh mẽ, cùng với nhân dân đã có bước chuyển nhận thức rõ, coi hạn mặn là thực tế phải đối mặt. Song song đó, chính quyền có các giải pháp thích ứng bằng cách thay đổi phương thức sản xuất, dự trữ nước ngọt, xây các công trình ứng phó. Tất cả là nguyên nhân rất quan trọng tạo nên kết quả bước đầu đến nay” - Thủ tướng đánh giá.

Trước thách thức lớn, khốc liệt của biến đổi khí hậu, thay đổi thượng nguồn, sụt lún đang diễn ra thì việc áp dụng đồng bộ các giải pháp cứng kết hợp với giải pháp mềm, phương châm thích ứng biến thách thức thành cơ hội đã thể hiện rất rõ. Điển hình vụ lúa đông xuân năm nay lúa chuyển vụ sớm, thoát được mặn, được mùa lớn, giá cao đó là tín hiệu đáng mừng.

Hạn mặn khiến nhiều hộ dân thiếu nước ngọt sinh hoạt.

Thủ tướng cho biết xâm nhập mặn sẽ tiếp tục tăng cao ở ĐBSCL tháng 3, đặc biệt từ ngày 7 đến 15-3 và nguy cơ thiếu nước sinh hoạt, sản xuất là rất lớn. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành liên quan, Bộ NN&PTNT, các ngành và các địa phương tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa trong công tác ứng phó hạn mặn, giảm thiệt hại sản xuất, ổn định đời sống, không để người dân bị thiếu nước sinh hoạt.

Thủ tướng yêu cầu, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ NN&PTNT theo dõi dự báo nguồn nước từ thượng nguồn để có thông tin kịp thời. Trong thời điểm này, các bộ liên quan phối hợp với các địa phương đánh giá thực trạng nguồn nước để cân đối nguồn nước phục vụ sản xuất. Đồng thời có biện pháp khắc phục hạn hán, xâm nhập mặn, nhất là không để hộ nào có nguy cơ thiếu đói, thiếu nước sinh hoạt, chú trọng đến hộ nghèo, gia đình chính sách cần được hỗ trợ kịp thời hơn.

Thủ tướng tại buổi làm việc với các tỉnh ĐBSCL về hạn mặn.

Thời gian qua, các địa phương ĐBSCL có nhiều nỗ lực trong công tác phòng, chống xâm nhập mặn bằng nhiều giải pháp như: các công trình cống ngăn mặn có quy mô tầm cỡ, đắp hàng loạt đập tạm ngăn mặn trên một số tuyến kênh, xây hồ chứa nước ngọt… Tuy nhiên, do hệ thống ngăn mặn chưa được khép kín, chưa đồng bộ do thiếu vốn nên mặn vẫn theo các nhánh sông xâm nhập sâu vào nội đồng, gây ảnh hưởng đến vùng sản xuất, nuôi trồng thủy sản và đời sống sinh hoạt người dân.

Tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý hỗ trợ năm tỉnh ĐBSCL: Bến Tre, Tiền Giang, Long An, Kiên Giang, Cà Mau mỗi tỉnh 70 tỉ đồng để ứng phó với tình trạng hạn hán xâm nhập mặn năm nay.

10/13 tỉnh ĐBSCL bị xâm nhập mặn

Theo Bộ NN&PTNT, trên lưu vực sông Me Kong năm 2019-2020, nước ít, lưu lượng về ĐBSCL bị thiếu hụt nghiêm trọng so với trung bình nhiều năm, thậm chí thấp hơn mùa khô năm 2015-2016 (năm xuất hiện xâm nhập mặn kỷ lục). Đây là nguyên nhân chính gây xâm nhập mặn sớm, sâu và kéo dài trong mùa khô 2019-2020. Xâm nhập mặn đã ảnh hưởng đến sản xuất, dân sinh từ tháng 12-2019 và liên tục tăng cao cho đến nay.

Xâm nhập mặn ở ĐBSCL xuất hiện từ tháng 12-2019, mặn xâm nhập sâu vào các cửa sông Cửu Long với ranh mặn 4 g/lít sâu nhất đến 57 km (sông Hàm Luông), sâu hơn trung bình nhiều năm 24 km.

Hạn mặn đe dọa vườn cây ăn trái đặc sản ở ĐBSCL.

Ao hồ trữ nước đã cạn kiệt nguồn nước ngọt.

Từ tháng 1-2020 đến nay độ mặn liên tục tăng cao, xâm nhập càng sâu vào nội đồng. Hiện xâm nhập mặn đã ảnh hưởng đến 10/13 tỉnh, thành ở ĐBSCL (trừ An Giang, Đồng Tháp và Cần Thơ). Trong đó tỉnh Bến Tre chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của xâm nhập mặn. Hiện mặn đã bao phủ toàn tỉnh Bến Tre, trong các kỳ triều cường hầu như không có nguồn nước ngọt cho sản xuất và dân sinh.

Hạn mặn cũng đã gây ảnh hưởng đến vựa lúa, vựa cây ăn trái của ĐBSCL. Năm nay toàn vùng ĐBSCL đã xuống giống 1,54 triệu ha lúa đông xuân, hiện đã thu hoạch khoảng 1 triệu ha. Hạn mặn đã làm thiệt hại vụ mùa 2019 và đông xuân 2019-2020 khoảng gần 39.000 ha  (chiếm 1,2% so với diện tích gieo trồng), bằng 9,6% so với diện tích bị ảnh hưởng so với đợt hạn mặn lịch sử mùa khô năm 2015-2016.

Ngoài ra tỉnh Bến Tre có khoảng hơn 5.000 ha lúa bị thiệt hại do xuống giống tự phát không theo khuyến cáo. Các diện tích cây ăn trái hiện chưa bị thiệt hại do ảnh hưởng của xâm nhập mặn. Hiện ĐBSCL có khoảng 95.600 hộ dân đang gặp khó khăn về nước sinh hoạt trong thời gian diễn ra hạn mặn đang được các địa phương tăng cường giải pháp cung cấp nước.

Theo Bộ NN&PTN, trong thời gian còn lại của mùa khô năm nay, dự báo độ mặn sẽ còn tiếp tục gay gắt và duy trì ở mức cao. Trong khi đó nguồn nước tích trữ phục vụ tưới đang dần cạn kiệt, nếu xâm nhập mặn tiếp tục kéo dài đến tháng 4 thì nguy cơ sẽ có nhiều diện tích cây trồng bị ảnh hưởng do thiếu nước.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới