Tại cuộc làm việc, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho hay 9 tháng đầu năm kinh tế - xã hội của TP đã đạt được kết quả đáng chú ý như: GDP tăng 8,1%, dự kiến cả năm tăng 8,5%, đạt kế hoạch đề ra. Thu ngân sách Nhà nước đạt 146,4 nghìn tỷ đồng bằng 71,5% dự toán, tăng 16,2% so cùng kỳ.
Đặc biệt, Hà Nội đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 125 dự án ngoài ngân sách trong nước với tổng mức đầu tư khoảng 84 nghìn tỷ đồng; thu hút 398 dự án đầu tư nước ngoài với vốn đăng ký 2,16 tỷ USD; 22 dự án thu hút đầu tư theo hình thức PPP với tổng mức đầu tư dự kiến là 60 nghìn tỷ đồng.Vốn đầu tư xã hội thực hiện đạt 198,4 nghìn tỷ đồng, tăng 10,2% cùng kỳ năm 2016. Số doanh nghiệp thành lập mới tăng 10%, nâng tổng số doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn lên 225,7 nghìn.
Tuy nhiên, Hà Nội còn một số tồn tại như: vi phạm về trật tự xây dựng, lẫn chiếm đất công, vi phạm về quản lý đất đai…“Công tác cải cách hành chính bước đầu có chuyển biến, tuy nhiên, một bộ phận cán bộ, công chức chưa hết trách nhiệm. Lãnh đạo, cán bộ ở cấp cơ sở có lúc, có nơi còn gây phiền hà cho người dân. Đã xảy ra một số vụ việc đáng tiếc trong ứng xử của cán bộ công chức với người dân gây bức xúc trong dư luận”- ông Chung nói.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Để Hà Nội có điều kiện bứt phá hơn nữa, ông Chung đề nghị với Thủ tướng và Đoàn công tác 21 nội dung, cơ chế, chính sách. Trong đó đáng chú ý, Hà Nội đề nghị cho HĐND TP phê duyệt chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư công nhóm A nguồn vốn ngân sách TP; chấp thuận chủ trương triển khai thực hiện dự án đầu tư “xây dựng, cải tạo chỉnh trang xung quanh hồ Hoàn Kiếm”; cho phép TP Hà Nội được lựa chọn các đơn vị thực hiện theo phương thức chỉ định thầu đối với những công trình cấp bách cần phải chỉ định thầu hoặc những dự án lập quy hoạch chi tiết 1/500, quy hoạch ngành có tính chất đặc thù…
Trước kết quả mà Hà Nội đạt được, Thủ tướng Chính phủ đã biểu dương: “Sau 2 năm Đại hội (Đại hội XII của Đảng), Hà Nội không chỉ ổn định mà còn có nhiều mặt tốt, nhiều mô hình tốt, nhiều cách làm tốt cần được tổng kết, khuyến nghị đặt ra”.
Tuy nhiên, Thủ tướng và các thành viên đoàn công tác đều lưu ý Hà Nội nên cẩn trọng với vấn đề sử dụng đất, điều chỉnh quy hoạch khu vực nội đô, tránh gia tăng áp lực dân số vào khu vực này. “Hà Nội phải tối ưu hóa nguồn tài nguyên đất. Nếu Hà Nội làm tốt vấn đề này thì đây là bước chuyển mình lớn, làm tăng uy tín năng lực lãnh đạo, chỉ đạo cũng như ý thức giữ gìn nguồn lực tài nguyên đất đai của thành phố” – Thủ tướng nói và đề nghị Hà Nội cẩn trọng khi tính toán các yếu tố liên quan đến các tòa nhà cao tầng ở khu vực ga Hà Nội.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng lưu ý Hà Nội muốn trở thành thành phố kiến tạo và phát triển thì phải lấy người dân, doanh nghiệp vào vị trí trung tâm phục vụ, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi nhất, môi trường sống tốt nhất. Thủ tướng nhấn mạnh: "Hà Nội phải là nơi điển hình thu hút người tài, người giàu, người dân có văn hóa, có nghề nghiệp. Mọi người đều bình đẳng và có cơ hội phát triển tại Hà Nội, nói cách khác hơn là thành phố đáng sống".