Chiều 22-4, chủ trì tại cuộc họp Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kết luận về việc phòng, chống dịch trong thời gian qua và những việc phải làm trong thời gian tới.
Thủ tướng nói: Chúng ta vui mừng nhưng cảnh giác và phải chấp nhận tình trạng sống trong trạng thái có dịch.
Nhận thức của chúng ta một cách rõ ràng, không phải mơ hồ. Đông Nam Á có nguy cơ thành ổ dịch có nguyên do của nó, các nước Singapore, Philippines, Malaysia cũng lưu ý việc này.
Ba tháng qua chúng ta đã kiên trì áp dụng nhiều biện pháp rất mạnh, đến giờ phút này nhiều kết quả đáng trân trọng và rất mừng. Đặc biệt, chúng ta đã áp dụng cách ly xã hội một cách đúng đắn, kịp thời. Nhờ vậy, trong sáu ngày qua không phát hiện trường hợp nào bị nhiễm, TP.HCM thì đã 19 ngày không phát hiện người nhiễm.
Đây là một thắng lợi để chúng ta chuyển sang một giai đoạn phòng, chống dịch dài hơi hơn, căn cơ hơn cùng với phát triển kinh tế - xã hội.
Tôi muốn nói rằng, nhận thức về COVID-19 trên thế giới là nguy cơ toàn cầu, chúng ta không thể thoát ra khỏi điều này nhưng như WTO cũng đã nói, cần thích nghi với COVID-19 là điều bình thường và sống có kiểm soát.
Cho nên một yêu cầu rất lớn là không để đại dịch bùng phát tàn phá đất nước như đã và đang tàn phá một số quốc gia.
Mạng sống của người dân là quan trọng nhất, cho nên Thủ tướng và Thường trực Chính phủ hôm nay yêu cầu các cấp, các ngành tiếp tục ngăn chặn quyết liệt, không để dịch xâm nhập trở lại.
Như thực tế phân tích, các nước đang làm và làm rất mạnh như Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc và nhiều nước khác.
Ở Việt Nam, chúng ta đã thực hiện nghiêm giãn cách xã hội như thời gian qua nhưng phải tạo năng lượng cho dòng chảy hàng hóa, khôi phục sản xuất kinh doanh, dịch vụ, giải quyết việc làm bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội cho đất nước. Đây là yêu cầu mới, yêu cầu bức thiết hiện nay trong khi đất nước đang gặp rất nhiều khó khăn.
“Chúng ta lưu ý, COVID-19 xuất hiện trở lại thì sự phá hoại của nó cũng là vấn đề rất lớn, chúng ta phải đề cao cảnh giác” - Thủ tướng nhiều lần nhắc vấn đề này.
Chính vì vậy, một số chủ trương đã được đưa ra thảo luận đó là ngăn chặn triệt để từ bên ngoài, dập dịch từ bên trong, chữa trị tích cực những ca nhiễm. Chủ trương là tiếp tục thực hiện cách ly tất cả người nhập cảnh vào nước ta và người bị nhiễm, người có nguy cơ cao.
Biện pháp cách ly có thể linh hoạt, tùy đối tượng nhưng phải đảm bảo yêu cầu nghiêm túc, chặt chẽ. Chuyên gia, công nhân lành nghề, những nhà quản lý thì cách ly như thế nào, ở gần nhà máy thì chống dịch làm sao, kiểm tra y tế thế nào; những nhà ngoại giao cách ly thế nào…, ngành y tế nên có hướng dẫn cụ thể để thực hiện nghiêm.
Hiện nay chưa có chủ trương tiếp nhận khách du lịch từ bên ngoài vào Việt Nam mà mới chấp nhận khách trong nước với những điều kiện cụ thể.
Cùng đó là yêu cầu nhanh chóng phát hiện ca bệnh, khoanh vùng sớm để điều trị, đặc biệt sử dụng công nghệ thông tin để nhanh chóng truy vết. Vừa rồi, Bộ Y tế phối hợp với Bộ TT&TT, các công ty phần mềm đã áp dụng khá thành công, rất đáng hoan nghênh.
Phải sống chung với dịch khi chúng ta chưa có vaccine và thuốc đặc trị có hiệu quả. Chính vì thế, chúng ta phải xác định trạng thái bình thường mới.
Hôm qua, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TP.HCM, đã nêu ý kiến. Báo Tuổi Trẻ đăng sáu biện pháp bình thường mới sắp tới. Cái này rất tốt.
Tôi nói một số vấn đề như là đeo khẩu trang bắt buộc trong các hoạt động cộng đồng: Đi học, đi chợ, du lịch, tham gia giao thông công cộng, giao lưu, gặp gỡ. Bây giờ thế giới đã công nhận đeo khẩu trang là hiệu quả, ngăn chặn rất tốt. Chúng ta phải biết phát huy điều này.
Hay việc thường xuyên rửa tay sát khuẩn, kể cả sát khuẩn các phương tiện, công cụ, vị trí mà virus Corona có thể xâm nhập.
Quy định mức tối thiểu giữ khoảng cách giữa người với người trong các hoạt động thường xuyên, sản xuất kinh doanh, trong lớp học, nhà hàng, tàu xe…
Tiếp tục khuyến cáo người dân hạn chế ra ngoài nếu không có việc cần thiết, hạn chế tập trung đông người... Đây là việc khó, các địa phương, nhất là Hà Nội và TP.HCM cần chú ý. Báo chí đăng việc xếp hàng thanh toán tiền siêu thị ở TP.HCM hôm qua, chưa bao giờ thấy xếp hàng lại hay như thế.
Một trạng thái mới nữa cũng cần nhấn mạnh thêm, đó là nếp sống mới văn minh, văn hoá mới, tác phong làm việc mới. Một thời kỳ mới với các ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin được áp dụng rộng rãi trong mọi hoạt động của đời sống xã hội.
Đồng thời, đây cũng là thời kỳ khẳng định sự tự lực, tự cường của nền kinh tế đất nước. Những kinh nghiệm như vậy rất quan trọng.
Người có dấu hiệu ốm, sốt nên ở nhà, không đến công sở, cơ quan, đơn vị, trường học. Đặc biệt, những đối tượng này cần liên lạc ngay và làm theo hướng dẫn của y tế, bác sĩ, không được để lây lan ra cộng đồng.
Tôi cơ bản đồng ý với các biện pháp nới lỏng một cách thận trọng của Ban chỉ đạo đề xuất. Bao gồm một số nội dung sau:
Thứ nhất, hiện chúng ta chia ra ba nhóm: Nguy cơ cao, có nguy cơ và nguy cơ thấp. Hà Nội là địa phương có nguy cơ nhưng một số địa phương của Hà Nội lại có nguy cơ cao như huyện Thường Tín, Mê Linh và một số nơi nếu có những ca nhiễm mà chưa đủ 14 ngày. Những nơi như vậy cần áp dụng nghiêm khắc Chỉ thị 16.
Còn những nơi khác của Hà Nội là có nguy cơ. Chưa áp dụng nguy cơ cao đối với toàn Hà Nội, mà chỉ áp dụng đối với một số địa phương của Hà Nội mà thôi. Về vấn đề này, chủ tịch UBND TP Hà Nội có quyết định để thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 đối với những địa phương trên.
Các địa phương khác như TP.HCM, các vùng khác của Hà Nội, tỉnh Bắc Ninh, một vài huyện của Hà Giang (nơi có bệnh nhân của Hà Giang thuộc nhóm nguy cơ cao)… chúng ta đặt vấn đề là có nguy cơ.
Phần lớn các tỉnh, thành phố của Việt Nam được đặt vào nhóm có nguy cơ để chúng ta theo dõi, kiểm soát nghiêm ngặt nhưng tạo điều kiện cho sản xuất, kinh doanh hoạt động bình thường.
Những nơi có nguy cơ và nguy cơ cao, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố theo thẩm quyền có trách nhiệm quyết định như tạo điều kiện cho lưu thông hàng hóa và sản xuất kinh doanh, dịch vụ nhưng vẫn phải bảo đảm các biện pháp phòng, chống dịch.
Cần đi sâu, đi sát để xác định cấp độ nguy cơ cụ thể của từng địa phương, kể cả huyện, xã, thôn, bản, khu vực dân cư của địa phương mình và có hình thức áp dụng phù hợp.
Chúng ta giao quyền này cho ông chủ tịch các thành phố, các tỉnh. Các tỉnh, thành phố có trách nhiệm hướng dẫn chi tiết, căn cứ vào chỉ thị của Thủ tướng, các quy định của Bộ Y tế và thực tiễn tại địa phương.
Các vùng có nguy cơ cao cần phải tiếp tục kiểm tra, giám sát, hỗ trợ trong quá trình thực hiện của người dân, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn đó.
Tất nhiên, chủ tịch tỉnh/thành phố quyết định cụ thể việc mở cửa hàng, cửa hiệu, các dịch vụ. Không kinh doanh trên đường phố tại vùng có nguy cơ cao.
Trong phạm vi quốc gia, Bộ Y tế có trách nhiệm hướng dẫn cụ thể về việc phòng, chống dịch trong thời gian hiện nay và tăng cường kiểm tra, giám sát, hỗ trợ về y tế đối với các bệnh viện, cơ sở y tế, các khu công nghiệp, khu dân cư, nhất là vùng dễ lây lan dịch bệnh.
Các cơ quan, địa phương dưới sự chỉ đạo của Ban chỉ đạo quốc gia tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn cộng đồng nhận thức để có biện pháp chủ động, điều chỉnh lối sống, sinh hoạt phù hợp trong bối cảnh còn xảy ra dịch bệnh.
Đặc biệt, phổ cập cho người dân, hướng dẫn chi tiết, đặc biệt là cách xử lý khi xuất hiện ca dương tính với COVID-19 trong quá trình khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt của cộng đồng. Đây là vấn đề không phải dễ làm.
Chúng ta đặt vấn đề cao hơn nữa là phòng, chống dịch là trách nhiệm của toàn dân, toàn xã hội, của mọi tổ chức, cá nhân.
“Tôi hoan nghênh TP.HCM có bộ quy tắc trên các loại hình sản xuất, kinh doanh, trường học. Các địa phương khác cần nghiên cứu, nhất là đơn vị, doanh nghiệp, cửa hàng có nhiều lao động, nhiều người sinh hoạt. Không được để môi trường dễ lây nhiễm. Những nơi kinh doanh dịch vụ dễ lây nhiễm càng phải có quy tắc chặt chẽ trong phòng, chống dịch” - Thủ tướng nói.
Ngành y tế cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tình trạng miễn dịch cộng đồng nhằm ước tính nguy cơ mắc, khả năng miễn dịch, mức độ lây truyền… trong thời gian qua và dự báo lây nhiễm trong thời gian tới. Bộ Y tế, Sở Y tế, phòng y tế phải xác định trách nhiệm trực tiếp trong việc này.
Tình hình dịch bệnh trong những ngày qua có những diễn biến rất đáng mừng. Các bộ, ngành, địa phương cần đẩy mạnh, tăng tốc sản xuất… tạo mọi điều kiện cho sản xuất, kinh doanh.
Tôi đồng ý với ý kiến của chủ tịch UBND TP.HCM, tới đây sẽ có hội nghị toàn quốc trực tuyến đối với hàng triệu doanh nghiệp trong cả nước để truyền đạt tinh thần quyết tâm hơn nữa, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh tốt hơn nữa và tinh thần phòng dịch tốt hơn nữa để bảo vệ sức khỏe cho người lao động.
Tôi đánh giá cao các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước, ngành du lịch, văn hoá, thể thao, công thương, GTVT…, đặc biệt là các doanh nghiệp đã đồng hành cùng Chính phủ trong phòng, chống đại dịch vừa qua.
Tôi yêu cầu các ngành, các địa phương tới đây tiếp tục nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng, Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch, không lơ là, chủ quan, không coi rằng 23 giờ tối nay là dịp đổ ra đường ăn mừng. Đây là dịp chúng ta có nới lỏng nhưng phải kiềm chế, có bước đi cụ thể để thực hiện Chỉ thị 15.
Chúng ta cũng thực hiện việc đưa công dân của chúng ta về theo nguyện vọng, có sự kiểm soát. Các cơ quan ngoại giao và cơ quan đại diện của ta ở nước ngoài nên xem xét và có kiến nghị cụ thể.
Những dịp thế này, người dân hào hứng phấn khởi đổ ra đường nên yêu cầu các ngành công an, quân đội, địa phương, các cơ sở xã, phường phải đảm bảo an ninh trật tự, đặc biệt tình trạng đua xe, nhậu nhẹt đông người, thể thao đông người phải hoạt động dễ lây nhiễm.
Đề cao cảnh giác hết sức cần thiết trong lúc này. Vui mừng nhưng cảnh giác, có bước đi, cách làm phù hợp, không thể ào ào được.
Các lễ hội, sự kiện diễn ra đông người vẫn chưa làm được; hoạt động của các cơ sở kinh doanh vũ trường, karaoke, massage, tiệm trang điểm, tiệm hoa, sở thú đều chưa làm được.
Các siêu thị, các cửa hàng kinh doanh đông người đều phải có cách ly… Nhập cảnh tự do là phải cách ly.
Về báo cáo của Bộ GD&ĐT, tôi đã nhận dự thảo và đọc, cơ bản thống nhất với báo cáo của Bộ GD&ĐT và ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.
Thứ nhất là: Tôi đánh giá cao ngành giáo dục, các địa phương đã quán triệt chỉ đạo của Thủ tướng, Chính phủ về phòng, chống dịch thời gian qua. Một đất nước mà trên 52 triệu học sinh, sinh viên ở nhà liên tục mấy tháng thì rất nhiều bức bối phức tạp, từng gia đình cộng đồng đều chia sẻ, nhất là thế hệ mầm non, mẫu giáo, đại học, dân lập… rất nhiều khó khăn về kinh tế.
Tôi yêu cầu ngành giáo dục tổ chức cho các em đi học trở lại an toàn, chu đáo nhưng cần phát huy mô hình học qua mạng, truyền hình rất thành công trong thời gian qua.
Đồng ý chủ trương học có trọng tâm, trọng điểm, đánh giá cao Bộ GD&ĐT chủ động phương án tổ chức thi trung học phổ thông, còn tuyển sinh đại học thực hiện như phương án đã làm.
Yêu cầu Bộ Giáo dục sớm ban hành quy chế và hướng dẫn công tác thi THPT cũng như xét tuyển ĐH, cao đẳng. Trong đó có việc tập trung vào kỳ thi THPT: Thứ nhất là bộ ra đề thi theo tinh thần không đánh đố, học gì thi nấy nhưng phải nâng cao chất lượng, thi trong 1,5 ngày. Kỳ thi này do chủ tịch UBND tỉnh chịu trách nhiệm toàn diện đảm bảo kỳ thi an toàn, chất lượng, trách nhiệm trong điều kiện có dịch bệnh.
Cần tăng cường thanh tra giám sát của các cấp, các ngành như Bộ GD&ĐT, tăng cường sử dụng CNTT để đảm bảo tính trung thực của kỳ thi.
Bộ GD&ĐT ban hành quy chế cụ thể để áp dụng toàn quốc nề nếp, an toàn. Trong đó có việc hướng dẫn tổ chức, thanh tra, giám sát các kỳ thi tại địa phương chứ không buông lỏng.
Tôi lưu ý vừa rồi, trong học sinh, sinh viên chưa có ca nhiễm nào là một thành công, các đồng chí cần chú ý hơn nữa trong hoạt động của ngành đào tạo để các cháu không bị nhiễm. Chúc ngành giáo dục tổ chức kỳ thi thành công, không để lại vấn đề gì phức tạp cho xã hội, dịch bệnh cũng là nguy và cơ, cơ cũng rất nhiều không phải là nguy.
Đồng ý tiếp tục triển khai các địa phương hoạt động chống dịch không được lơ là, quyết liệt ngăn chặn dịch…