Thủ tướng: Không để thiếu thuốc, vật tư y tế do thủ tục hành chính

(PLO)- Thủ tướng nêu rõ địa phương nào để dịch bùng phát trở lại do nguyên nhân chủ quan thì người đứng đầu địa phương đó phải chịu trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân.

Sáng 13-9, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 (Ban Chỉ đạo) chủ trì phiên họp thứ 17. Phiên họp được tổ chức trực tuyến đến 63 tỉnh, TP.

Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá đến nay, công tác phòng, chống dịch đạt hiệu quả, dịch COVID-19 được kiểm soát; kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát; kinh tế phục hồi, thúc đẩy tăng trưởng.

Các cân đối lớn đảm bảo; thị trường lao động phục hồi; độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; chính trị ổn định; trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; hoạt động đối ngoại được tăng cường; đời sống nhân dân được nâng lên.

Các tổ chức quốc tế đánh giá tích cực về tình hình và triển vọng phát triển của Việt Nam, trong đó Nikkei đánh giá chỉ số phục hồi COVID-19 của Việt Nam xếp thứ 2 thế giới, tăng 12 bậc.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận tại phiên họp. Ảnh: TTXVN

Thủ tướng nhận định trên phạm vi toàn cầu, dịch bệnh được dự báo vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường; thế giới vẫn đang trong giai đoạn đại dịch và cảnh báo về những biến thể mới có thể làm dịch bệnh phức tạp hơn và gia tăng trở lại; vaccine vẫn là biện pháp quan trọng trong phòng, chống dịch COVID-19.

Tại Việt Nam, biến thể mới BA5 lây lan nhanh hơn các biến thể khác và đã được phát hiện tại một số địa phương; dịch bệnh có khả năng lây nhiễm trên diện rộng.

Thủ tướng yêu cầu các đơn vị, địa phương phải tiếp tục quán triệt mục tiêu đặt tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết; thực hiện hiệu quả phương châm “thích ứng linh hoạt", kiểm soát dịch bệnh trên quan điểm phòng dịch từ sớm, từ xa, từ cơ sở. Tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, không để dịch bùng phát trở lại, tạo điều kiện cho việc phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

“Địa phương nào để dịch bùng phát trở lại do nguyên nhân chủ quan thì người đứng đầu địa phương đó phải chịu trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân" - Thủ tướng chỉ rõ.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện thật tốt Nghị quyết 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, thực hiện hiệu quả Nghị quyết 38/NQ-CP về Chương trình phòng, chống dịch COVID-19. Đồng thời tiếp tục thực hiện hiệu quả phòng, chống dịch theo ba trụ cột cách ly, xét nghiệm, điều trị. Thực hiện nghiêm 2K + vaccine, thuốc điều trị + ý thức người dân + công nghệ và các biện pháp khác.

Thủ tướng giao Bộ Y tế nắm chắc tình hình dịch; thường xuyên rà soát, cập nhật kịch bản và các biện pháp phòng, chống dịch; tăng cường đôn đốc, kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại các địa phương; đồng thời, rà soát, hướng dẫn, tổ chức tiêm vaccine an toàn, khoa học, hiệu quả.

Thủ tướng biểu dương các địa phương Nghệ An, Bắc Giang, Thanh Hóa, Bến Tre, Quảng Ninh (đạt tỉ lệ tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên cao nhất); Tiền Giang, Bà Rịa-Vũng Tàu, Quảng Bình, Điện Biên, Bắc Kạn (đạt tỉ lệ tiêm mũi 4 cao nhất); Bắc Giang, Sóc Trăng, Quảng Ninh, Kon Tum, Lâm Đồng (đạt tỉ lệ tiêm mũi 3 cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi cao nhất); Sóc Trăng, Bắc Giang, Hậu Giang, Cà Mau, Vĩnh Long (đạt tỉ lệ tiêm mũi 2 cho cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi cao nhất).

Ban Chỉ đạo Quốc gia yêu cầu các tỉnh, TP có tỉ lệ tiêm chủng thấp nghiêm túc rà soát, làm rõ nguyên nhân chưa hoàn thành việc tiêm vaccine để khẩn trương có biện pháp khắc phục.

Quang cảnh toàn phiên họp tại đầu cầu Chính phủ. Ảnh: TTXVN

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Y tế, các bộ Tài Chính, KH&ĐT phối hợp, hướng dẫn các địa phương, cơ sở y tế tháo gỡ vướng mắc, đảm bảo thuốc, trang thiết bị, sinh phẩm, vật tư y tế trong khám, chữa bệnh nói chung và trong phòng, chống dịch COVID-19 nói riêng.

Các bộ, ngành, địa phương phối hợp, tổ chức rà soát các quy định để phát hiện, tháo gỡ các vướng mắc; tuyên truyền, giáo dục, nêu cao tinh thần trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm của cán bộ trong việc đầu thầu, mua sắm thuốc, vật tư, sinh phẩm y tế, vì sức khỏe, tính mạng của người dân.

“Khắc phục bằng được tình trạng ách tắc, vướng mắc trong đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư, sinh phẩm y tế trong tháng 9-2022; không để tình trạng thiếu thuốc, sinh phẩm, vật tư y tế do thủ tục hành chính, quy định của pháp luật và do thiếu tinh thần trách nhiệm của cán bộ" - Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Y tế chỉ đạo, hướng dẫn; UBND tỉnh, TP khẩn trương rà soát, kiện toàn, nâng cao năng lực y tế cơ sở, y tế dự phòng trên địa bàn, sẵn sàng nhân lực, vật tư bảo đảm ứng phó kịp thời, tại chỗ, sẵn sàng cho mọi tình huống dịch bệnh có thể xảy ra…

Tại phiên họp, các thành viên Ban Chỉ đạo, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo các địa phương thảo luận, phân tích kết quả, tình hình phòng, chống dịch COVID-19, nhất là việc tiêm vaccine.

Các đại biểu thừa nhận có tâm lý chủ quan, lơ là, mất cảnh giác của một bộ phận người dân trước dịch bệnh nên chưa chủ động tiêm vaccine phòng, chống COVID-19; một số cơ sở chưa quyết liệt trong vận động người dân và có phương pháp khắc phục tình trạng này.

Đối với tình trạng thiếu thuốc, sinh phẩm, thiết bị y tế phòng, chống dịch và khám, chữa bệnh, hiện đang được các địa phương vận dụng sáng tạo các quy định để có thuốc phục vụ khám, chữa bệnh cho người dân. Tuy nhiên, các đại biểu đề nghị Bộ Y tế, các bộ Tài chính, KH&ĐT có hướng dẫn rõ hơn, tạo hành lang pháp lý để các địa phương tổ chức đấu thầu thuốc, vật tư y tế phục vụ khám, chữa bệnh cho nhân dân đảm bảo kịp thời, đúng quy định.

Lãnh đạo các địa phương đề nghị bổ sung các đối tượng như nhân viên giáo dục... vào diện được hỗ trợ do bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19…

Theo TTXVN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới