Thủ tướng: Mỗi 'người tốt, việc tốt' là một gương lan toả điều tích cực

(PLO)- Thủ tướng cho rằng, 10 cá nhân có những thành tích tiêu biểu trong công tác, sản xuất và đóng góp cho sự phát triển của Hà Nội lan tỏa điều tích cực đã được TP vinh danh là “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2023…

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng ngày 9-10, Thành ủy-HĐND-UBND-UB MTTQ Việt Nam TP Hà Nội tổ chức Hội nghị biểu dương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt; vinh danh “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2023; phát động thi đua hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10-10-2024).

31 năm thực hiện phong trào thi đua người tốt, việc tốt

Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã trao tặng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2023 cho 10 cá nhân có thành tích tiêu biểu trong công tác, sản xuất và đóng góp cho sự phát triển của TP Hà Nội…

Hội nghị cũng biểu dương, trao thưởng gương “Người tốt, việc tốt” tiêu biểu của TP năm 2023 cho 16 cá nhân trong tổng số 858 gương “người tốt, việc tốt” trên địa bàn toàn thành phố trong năm qua.

Thủ tướng: Mỗi 'người tốt, việc tốt' là một gương lan toả điều tích cực
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng trao tặng danh hiệu và chụp ảnh lưu niệm cùng các “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2023 của TP Hà Nội. (Ảnh: VT)

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết từ năm 1992, Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước phát động và tổ chức phong trào thi đua “người tốt, việc tốt”.

“Qua 31 năm triển khai, phong trào “người tốt, việc tốt” của Thủ đô đã trở thành nét đẹp tiêu biểu, mang bản sắc riêng của Thủ đô ngàn năm văn hiến. Thông qua việc tổng kết phong trào người tốt, việc tốt từ cơ sở đã phát hiện hàng ngàn cá nhân tiêu biểu với những hành động dũng cảm, việc làm thiện nguyện, nghĩa cử cao đẹp trên các lĩnh vực đời sống xã hội" - ông Thanh nói.

Nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo TP, Chủ tịch Hà Nội cũng phát động phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt” năm 2024 và phong trào thi đua hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10-10-1954). Đồng thời hi vọng phong trào sẽ góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động trong toàn thể cán bộ và các tầng lớp Nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô.

Tấm gương lan toả những điều tích cực

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao những kết quả, thành tựu ở mọi lĩnh vực của TP Hà Nội đã đạt được trong năm 2023. “Làm nên những thành tích chung đó, có sự đóng góp tích cực của hơn 800 gương điển hình tiên tiến, “Người tốt, việc tốt” tiêu biểu, đại diện cho hàng vạn cá nhân “Người tốt, việc tốt” của Thủ đô; đặc biệt là 10 cá nhân tiêu biểu được vinh danh “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2023” - Thủ tướng nói.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh, đây là hoạt động có ý nghĩa thiết thực của TP Hà Nội, những cá nhân được biểu dương là những tấm gương lan toả điều tích cực ra toàn xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, phát triển đất nước và xây dựng nền văn hoá và con người Thủ đô.

pham-minh-chinh.jpeg
Thủ tướng Phạm Minh Chính (Ảnh: VT)

Thủ tướng cũng đề nghị thời gian tới, Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước nhằm khơi dậy ý chí, lòng tự hào, niềm vinh dự, trách nhiệm khát vọng phát triển của mỗi cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong việc tham gia xây dựng Thủ đô, phát triển đất nước.

Tập trung thi đua đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; lấy khoa học, công nghệ cao và đổi mới sáng tạo là động lực then chốt để xây dựng và phát triển; phát triển văn hóa, xây dựng Hà Nội thực sự là trung tâm hội tụ, kết tinh lan tỏa văn hoá của cả nước, trở thành nguồn lực phát triển mới; hoàn thiện hệ thống pháp luật với cơ chế, chính sách vượt trội, đáp ứng yêu cầu phát triển Thủ đô trong giai đoạn mới...

Đặc biệt, Thủ tướng lưu ý TP tập trung cho một số nhiệm vụ lớn như: xây dựng dự án Luật Thủ đô (sửa đổi); hoàn thành lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2045 và tầm nhìn đến năm 2065. Đẩy mạnh thực hiện các công trình, dự án và tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các công trình, dự án trọng điểm như (đường Vành đai 4, các dự án thuộc kế hoạch đầu tư lĩnh vực giáo dục, y tế, tôn tạo di tích…).

Giải quyết tốt các vấn đề xã hội, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, giải quyết việc làm. Tiếp tục đầu tư nâng cao chất lượng giáo dục, chất lượng nguồn nhân lực. Tăng cường bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.

Thủ tướng yêu cầu huy động sức mạnh tổng hợp, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của Thủ đô, kết hợp với nguồn lực của cả nước và quốc tế, xây dựng và phát triển Thủ đô “Văn hiến - văn minh - hiện đại”, xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị, hành chính quốc gia, trái tim của cả nước; trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ; hội nhập quốc tế; động lực có tính dẫn dắt, lan tỏa đối với vùng Thủ đô, vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, ngang tầm Thủ đô các nước phát triển trong khu vực.

Cùng với đó, tiếp tục tập trung xây dựng chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị của Thủ đô, bảo đảm thực sự đoàn kết, trong sạch, vững mạnh toàn diện; đồng thời hoàn thiện tổ chức bộ máy chính quyền Thủ đô theo hướng tinh gọn, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, liên thông, phù hợp với vai trò, vị trí và yêu cầu phát triển quản lý Thủ đô trong giai đoạn phát triển mới.

“Xây dựng đội ngũ cán bộ Hà Nội có trình độ cao, có phẩm chất đạo đức trong sáng, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ là nhân tố có ý nghĩa quyết định” – Thủ tướng nhấn mạnh.

Tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, đổi mới, hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành từ thủ công truyền thống sang môi trường điện tử; đẩy mạnh chuyển đổi số, Đề án 06 của Chính phủ và tăng cường triển khai dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Thực hiện các giải pháp nâng cao các chỉ số PAPI, SIPAS, PAR Index, các chỉ số PCI và PGI (Chỉ số xanh cấp tỉnh)…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm