Sản xuất, lắp ráp ô tô: Mới nội địa hóa được 7%-10%
Ngày 19-12, Chính phủ tổ chức Hội nghị về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Theo số liệu từ Bộ Công Thương, toàn quốc hiện có 1.800 doanh nghiệp (DN) sản xuất phụ tùng, linh kiện. Trong số này, chỉ có khoảng 300 DN trong nước tham gia vào mạng lưới sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia.
Thủ tướng và các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: VGP
Đáng chú ý, dù đã đáp ứng một phần nhu cầu trong nước cũng như xuất khẩu nhưng để phục vụ nhu cầu sản xuất, lắp ráp trong nước, Việt Nam vẫn nhập siêu linh kiện, phụ tùng với giá trị rất lớn.
Năm 2016, kim ngạch nhập khẩu linh kiện, phụ tùng là gần 45 tỉ USD, trong đó chủ yếu nhập khẩu từ Hàn Quốc và Trung Quốc. Nếu tính cả ngành công nghiệp hỗ trợ cho dệt may và da giày, kim ngạch nhập khẩu trong năm này của Việt Nam là hơn 63 tỉ USD.
Cạnh đó, tỉ lệ nội địa hóa trong nhiều ngành công nghiệp còn thấp. Như dệt may tỉ lệ nội địa hóa mới đạt khoảng 40%-45%. Riêng ngành sản xuất, lắp ráp ô tô, mục tiêu đặt ra đạt tỉ lệ nội địa hóa đối với xe cá nhân đến chín chỗ ngồi là 40% vào năm 2005 và 60% vào năm 2010 nhưng thực tế đến nay mới đạt bình quân khoảng 7%-10%.
Trong khi đó, ngành điện tử của Việt Nam lại phụ thuộc rất lớn vào các DN FDI, đặc biệt là Samsung. Hầu hết các linh kiện nội địa hóa đều do các DN FDI cung cấp, trong khi mới chỉ có 35 DN Việt Nam là nhà cung ứng cấp 1 cho Samsung. Các DN Việt Nam chủ yếu cung cấp vật tư tiêu hao, bao bì, in ấn… với giá trị cung ứng rất nhỏ so với nhu cầu linh kiện và phụ tùng của Samsung.
“Chúng ta xây dựng nhà mà tất cả vật liệu nhập hết, chỉ có cát, sỏi, xi măng là của Việt Nam thì không có hiệu quả. Chúng ta làm ra các sản phẩm nhưng tất cả linh kiện chúng ta nhập hết thì không được” - Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương ví von khi phát biểu tại hội nghị.
Ông Dương dẫn chứng, các dây chuyền công nghệ trái cây, nghiên cứu thì thấy hàm lượng làm được tại Việt Nam là trên 60%. Tuy nhiên, thanh chuyền hay nguồn lon rất dễ làm nhưng hầu như đều nhập khẩu đồng bộ hết.
Cũng theo chủ tịch Thaco, trong lĩnh vực ô tô, Bộ Công Thương có đề xuất không tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các sản phẩm sản xuất trong nước. “Chính sách đó rất tốt, cần làm ngay. Nếu làm vậy, ngay cả các DN nước ngoài đang chuyển từ lắp ráp sang nhập nguyên chiếc họ sẽ quay về lắp ráp. Mà khi họ lắp ráp thì chúng ta mới có cơ hội phát triển công nghiệp hỗ trợ” - ông Dương nói và cho rằng hiện công nghiệp hỗ trợ Việt Nam không phát triển được thực chất chỉ là vấn đề thị trường và DN dẫn dắt.
Trong khi đó, Chủ tịch Hiệp hội Bông sợi Nguyễn Văn Tuấn nhận xét dù chúng ta có ngành dệt may rất lớn, xuất khẩu đứng thứ năm thế giới nhưng “ngành dệt may lớn nhưng không mạnh, không bền vững và rất dễ bị tổn thương” do phụ thuộc vào nhập khẩu.
“Chúng ta có chuỗi cung ứng nhưng nút thắt cổ chai lại là khâu dệt vải. Sản xuất sợi đạt 1,5 triệu tấn năm 2018 nhưng xuất khẩu tới 2/3, chỉ 1/3 đi vào dệt. Trong khi ngành may sử dụng 9,5 tỉ mét vải thì phải nhập 6,5 tỉ mét. Xuất khẩu sợi nhưng lại nhập khẩu vải về thì điều này rất khó chấp nhận” - ông Tuấn nói.
Ông Tuấn sau đó nêu bốn kiến nghị, đáng chú ý, theo ông, cần có sự thống nhất giữa trung ương và địa phương. “Chính quyền trung ương tạo mọi điều kiện nhưng địa phương hiện nay chỉ có năm tỉnh cho phép làm nhuộm. Nhưng trong năm tỉnh đó, nhiều tỉnh chỉ cho phép tự nhuộm chứ không có nhuộm gia công. Mà không cho nhuộm gia công thì không thể tạo ra liên kết chuỗi. Gần đây có công nghệ nhuộm nhưng không tạo ra nước thải nhưng một số địa phương cứng nhắc đến mức cho rằng nếu không có nước thải thì không gọi là nhuộm và không cấp giấy phép luôn” - ông Tuấn cho hay.
Phải có tinh thần như HLV Park Hang-seo
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá những năm qua, ngành công nghiệp hỗ trợ đã dần được cải thiện, đáp ứng một bước tiến trình nội địa hóa nền sản xuất. Số lượng DN công nghiệp hỗ trợ không chỉ phát triển về lượng mà còn về chất…
Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa có những ngành công nghiệp mũi nhọn đóng vai trò dẫn dắt. Nhiều ngành ưu tiên phát triển không đạt mục tiêu đề ra nên công nghiệp hỗ trợ kém phát triển, tỉ lệ nội địa hóa các ngành còn ở mức thấp…
Nguyên nhân do thiếu chính sách đủ mạnh để tăng cường năng lực DN, chưa tạo được môi trường kinh doanh thực sự thuận lợi, minh bạch, ổn định, cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng… Đáng chú ý, nguồn nhân lực chất lượng cao mới là yếu tố quyết định, trong khi nguồn nhân lực này chưa đáp ứng được yêu cầu.
“Thaco phát triển được vì có trường đào tạo có quy mô chất lượng tốt ngay trong tập đoàn của mình. Tập đoàn nông nghiệp Lộc Trời ở An Giang có hơn 1.300 kỹ sư chuyên lĩnh vực nông nghiệp” - Thủ tướng dẫn chứng.
Cũng tại hội nghị, Thủ tướng mong muốn Việt Nam cần phải đón bắt sự chuyển hướng của các nhà đầu tư, sản xuất để Việt Nam thành “công xưởng” sản xuất của ASEAN, châu Á và thế giới. Khát vọng cho nền tảng công nghiệp hỗ trợ, không chỉ là ô tô, xe máy mà có thể sản xuất cánh cửa cho Boeing ở Việt Nam chẳng hạn và nhiều hãng quan trọng khác.
“Tinh thần làm sao Việt Nam là một cứ điểm trong sản phẩm của các tập đoàn xuyên quốc gia” - Thủ tướng nói và cho rằng “tinh thần làm việc phải như HLV người Hàn Quốc Park Hang-seo đưa Việt Nam tới chức vô địch AFF Cup”. Tức là có tầm nhìn, bố trí đội hình, dành nguồn lực, thể lực và tiến lên, để ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đạt thành công. “Phải tinh thần như vậy mới thành công chứ cứ bình bình suốt thì khó thành công lắm!” - vẫn lời người đứng đầu Chính phủ.
Tại hội nghị, Thủ tướng cũng nhắc tới triết lý “muốn đi nhanh hãy đi một mình nhưng muốn đi xa phải cùng đi”. “Nó cũng giống như một đội bóng, không phải ông Đức (tiền đạo Anh Đức) đá vô-lê vào đâu mà phải có ông Hải (tiền vệ Quang Hải) chuyền bóng ông Đức mới đá thành công được” - Thủ tướng dẫn chứng bằng hình ảnh trận đấu chung kết AFF Cup vừa diễn ra giữa đội tuyển Việt Nam và Malaysia.