Ngày 10-8, theo plo.vn, nhận lời mời của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Chủ tịch luân phiên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ), tối 9-8, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tham dự phiên thảo luận mở cấp cao trực tuyến với chủ đề “Tăng cường an ninh biển: Một lĩnh vực hợp tác quốc tế” do thủ tướng Ấn Độ chủ trì.
Đây là lần đầu tiên HĐBA LHQ tổ chức một cuộc họp chính thức riêng về chủ đề an ninh biển.
Phát biểu tại phiên thảo luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh biển và đại dương là nguồn tài nguyên to lớn của nhân loại, là huyết mạch của giao thương quốc tế, cửa ngõ kết nối các quốc gia, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của các quốc gia, dân tộc.
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Việt Nam sẵn sàng đóng góp
thúc đẩy đối thoại, xây dựng lòng tin, hợp tác với các nước để
duy trì an ninh trên biển. Ảnh: VGP
Thủ tướng khẳng định Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982 là hiến pháp về biển và đại dương có tính toàn vẹn, phổ quát, điều chỉnh tất cả hoạt động trên biển và là cơ sở hợp tác quốc tế nhằm giải quyết các thách thức chung.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh là một quốc gia ven biển, Việt Nam (VN) nhận thức rất sâu sắc giá trị to lớn của biển cũng như những thách thức đặt ra đối với an ninh biển. Ở cấp độ quốc gia, VN đang triển khai chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển để khai thác bền vững và có trách nhiệm với các nguồn lợi từ biển…
Từ đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu ba đề xuất quan trọng để ứng phó hiệu quả với các thách thức an ninh biển:
Thứ nhất, cần có nhận thức toàn diện và đầy đủ về tầm quan trọng của biển và những nguy cơ đe dọa an ninh biển, đề cao trách nhiệm và quyết tâm chính trị, củng cố lòng tin, xây dựng cơ chế hợp tác chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa đảm bảo môi trường hòa bình, ổn định trên biển, khai thác bền vững nguồn lợi từ biển.
Thứ hai, thiết lập một mạng lưới các cơ chế, sáng kiến về an ninh biển khu vực do LHQ điều phối để tăng cường chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, phối hợp hành động, kịp thời ứng phó với các thách thức chung. VN đánh giá cao vai trò và đang tích cực tham gia các sáng kiến, cơ chế hợp tác thực chất trong khuôn khổ ASEAN và giữa ASEAN với các nước đối tác về an ninh biển ở khu vực Biển Đông, giúp tạo diễn đàn đối thoại, xây dựng lòng tin, góp phần điều phối hợp tác về an ninh trên biển ở khu vực.
Thứ ba, chính sách, pháp luật và ứng xử của các quốc gia cần tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Hiến chương LHQ và Công ước Luật Biển năm 1982, tôn trọng quyền, lợi ích và hoạt động kinh tế hợp pháp của các quốc gia ven biển, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, đảm bảo tự do, an toàn, an ninh hàng hải và hàng không, tránh có các hoạt động làm phức tạp tình hình, gây căng thẳng.