Thủ tướng nêu 4 quan điểm chủ đạo trong chuyển đổi số của Việt Nam

(PLO)- Thủ tướng nêu rõ quan điểm xuyên suốt của Chính phủ là lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực, nguồn lực của chuyển đổi số.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 10-10, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số dự Chương trình chào mừng Ngày Chuyển đổi số quốc gia (10-10) năm 2023, với chủ đề "Khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị".

Chương trình do Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ TT&TT tổ chức.

thu-tuong-ngay-chuyen-doi-so-quoc-gia.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Chương trình chào mừng Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2023, với chủ đề "Khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị". Ảnh: VGP

Chuyển đổi số là lựa chọn chiến lược

Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh thông điệp "Chuyển đổi số một cách tổng thể, xuyên suốt, toàn diện, bao trùm, liên thông nhưng có trọng tâm trọng điểm; với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của toàn dân, cộng đồng doanh nghiệp, mang lại lợi ích thiết thực cho quốc gia, dân tộc và cho chính người dân, doanh nghiệp là yếu tố quyết định bảo đảm sự thành công trong chuyển đổi số quốc gia".

Thủ tướng cũng lưu ý Chuyển đổi số là yêu cầu khách quan, là lựa chọn chiến lược, đã trở thành phong trào, là xu thế đang diễn ra rất mạnh mẽ, sâu rộng trên thế giới. Do đó, để thực hiện được chuyển đổi số quốc gia một cách hiệu quả, thực chất đòi hỏi chúng ta phải có chiến lược bài bản, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, tạo sự thay đổi phương thức quản lý, vận hành, quản trị xã hội.

Quan điểm xuyên suốt của Chính phủ là lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực, nguồn lực của chuyển đổi số. Chuyển đổi số phải để người dân, doanh nghiệp hưởng lợi từ dịch vụ công, tiện ích xã hội thuận tiện hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn và chính họ sẽ tạo ra nguồn lực cho sự phát triển.

Thủ tướng nêu rõ bốn quan điểm chủ đạo trong chuyển đổi số nói chung và trong tạo lập, khai thác dữ liệu số.

Thứ nhất, có tầm nhìn chiến lược và đổi mới từ tư duy, nhận thức, hành động cho phù hợp điều kiện thực tiễn. Nỗ lực đột phá vượt lên trong xây dựng Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, phấn đấu "đi sau về trước" trong chuyển đổi số…

Thứ hai, chuyển đổi số quốc gia phải triển khai một cách tổng thể, toàn diện nhưng phải ưu tiên chất lượng hơn chạy theo số lượng.

Trong đó, tập trung vào bốn ưu tiên chính: (i) Ưu tiên phát triển dữ liệu số (dữ liệu số là tài nguyên quốc gia), (ii) Ưu tiên phát triển các dịch vụ công trực tuyến gắn với người dân, doanh nghiệp và có đối tượng bao phủ lớn, (iii) Ưu tiên phát triển các nền tảng số (nhất là cơ sở dữ liệu quốc gia), (iv) Ưu tiên bảo đảm an ninh mạng, an toàn thông tin, an ninh con người.

Thứ ba, cơ sở dữ liệu quốc gia là nguồn tài nguyên mới và là nền tảng quan trọng cho chuyển đổi số quốc gia nên phải có tính liên kết, liên thông, chia sẻ cao giữa các bộ, ngành, địa phương, giữa các cấp chính quyền, giữa công và tư.

Thứ tư, phát huy tính chủ động, sáng tạo; huy động mọi nguồn lực, sự tham gia của cả hệ thống chính trị, người dân và cộng đồng doanh nghiệp.

thu-tuong-ngay-chuyen-doi-so-quoc-gia-1.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại chương trình. Ảnh: VGP

6 nhiệm vụ trọng tâm trong chuyển đổi số

Với thông điệp "Tạo lập và khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị mới", yêu cầu "thông thoáng về chính sách, thông suốt về hạ tầng, thông minh về quản lý", Thủ tướng yêu cầu tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ.

Một là, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách cho hạ tầng số, nền tảng số và nguồn nhân lực số để thúc đẩy dữ liệu số phát triển ổn định, bền vững.

Hai là, các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh việc tạo lập dữ liệu thông qua triển khai xây dựng, phát triển, kết nối, chia sẻ, khai thác các cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành là yếu tố quan trọng trong chuyển đổi số, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, tạo ra giá trị mới. Sớm trình cấp có thẩm quyền chủ trương đầu tư xây dựng Trung tâm Dữ liệu quốc gia.

Ba là, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh đầu tư phát triển, nâng cấp, hiện đại hóa hạ tầng số, nhất là hạ tầng dùng chung, hạ tầng thanh toán, hạ tầng thông tin tín dụng… Thủ tướng khẳng định phát triển hạ tầng số luôn phải đi trước một bước để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số, công dân số.

thu-tuong-ngay-chuyen-doi-so-quoc-gia-2.jpg
Các đại biểu tham dự tại chương trình. Ảnh: VGP

Bốn là, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến thông qua tái cấu trúc quy trình, tái sử dụng dữ liệu sẵn có. Đồng thời, đẩy mạnh số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính. Cung cấp dịch vụ công trực tuyến phải lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, tạo sự thuận lợi và cắt giảm chi phí tuân thủ.

Năm là, hỗ trợ các doanh nghiệp tích cực chuyển đổi hoạt động sản xuất, kinh doanh lên môi trường số, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tập trung nghiên cứu, phát triển các giải pháp công nghệ số để tạo ra giá trị bền vững trong tạo lập và khai thác dữ liệu. Chú trọng đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D).

Sáu là, tăng cường công tác truyền thông về lợi ích, hiệu quả của chuyển đổi số để các cơ quan quản lý nhà nước, người dân, doanh nghiệp hiểu rõ về lợi ích và hiệu quả của chuyển đổi số.

Đã đồng bộ dữ liệu với 100% các bộ, ngành, địa phương

Thực hiện quyết định của Thủ tướng về năm 2023 là Năm Dữ liệu số quốc gia, thời gian qua, chuyển đổi số quốc gia, đặc biệt là việc tạo lập và khai thác dữ liệu số đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đáng trân trọng như trong kết nối chia sẻ dữ liệu; khai thác dữ liệu phục vụ người dân, doanh nghiệp; phát triển hạ tầng dữ liệu số; số hóa dữ liệu.

Theo đó, nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia hoạt động hiệu quả, năng lực phục vụ được tăng cường với 1,6 triệu giao dịch hàng ngày. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư tiếp nhận gần 1,2 tỉ yêu cầu tra cứu, xác thực thông tin; Cơ sở dữ liệu quốc gia bảo hiểm đã xác thực thông tin trên 91 triệu nhân khẩu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Cơ sở dữ liệu về hộ tịch điện tử đã có trên 45 triệu dữ liệu đăng ký khai sinh, trong đó có trên 9,2 triệu trẻ em được cấp Số định danh cá nhân.

Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức đã kết nối, đồng bộ dữ liệu với 100% các bộ, ngành, địa phương; đồng bộ trên 2,1 triệu dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức (đạt tỉ lệ 95%).

Hệ thống thông tin của Chính phủ, Thủ tướng đã kết nối dữ liệu với 80 bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước và đã chia sẻ dữ liệu thử nghiệm hàng ngày, hàng tháng từ các bộ, ngành cho 15 địa phương để phục vụ công tác chỉ đạo điều hành.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm