Thủ tướng: Ngân hàng cần thấu hiểu hơn nữa với người dân, doanh nghiệp

(PLO)- Thủ tướng lưu ý tránh tình trạng người dân đến ngân hàng gửi tiền thì nhân viên ngân hàng lại giới thiệu những kênh đầu tư có lãi suất, lợi nhuận cao hơn nhưng nhiều rủi ro.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 8-1, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam.

ngân hàng
Thủ tướng dự Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Ngân hàng Nhà nước sáng 8-1. Ảnh: VGP

Lượng tiền gửi năm 2023 cao nhất trong lịch sử

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết kết thúc năm 2023, thị trường tiền tệ ngoại hối về cơ bản ổn định; mặt bằng lãi suất giảm, đưa mặt bằng lãi suất trở về mức lãi suất trước dịch COVID-19; VND là một trong những đồng tiền ổn định trong khu vực và trên thế giới, khi năm 2023 VND chỉ mất giá khoảng 2,9%; an toàn hoạt động ngân hàng được bảo đảm, các nội dung chuyển đổi số đạt các chỉ tiêu đề ra...

Nhấn mạnh những kết quả nổi bật của hoạt động ngân hàng trong năm 2023, Thủ tướng nêu rõ: NHNN đã đóng góp quan trọng vào mục tiêu của Chính phủ về ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, ổn định thị trường ngoại hối, tỉ giá.

NHNN đã hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp (DN), người dân vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bằng nhiều giải pháp, chính sách cụ thể. Nổi bật là thực hiện bốn lần điều chỉnh giảm liên tục các mức lãi suất điều hành; quyết liệt điều hành tăng trưởng tín dụng trong quý IV và cuối năm 2023, đến ngày 31-12-2023, tín dụng toàn nền kinh tế tăng khoảng 13,71% so với cuối năm 2022.

Đáng chú ý, năm 2023, lượng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng của cư dân và các tổ chức kinh tế đạt hơn 13,5 triệu tỉ đồng. Đây là mức tiền gửi cao nhất trong lịch sử ngành ngân hàng.

Ngành ngân hàng cần thấu hiểu và chia sẻ nhiều hơn nữa với doanh nghiệp và người dân trong lúc khó khăn.

Cần phản ứng chính sách kịp thời, đúng thời điểm

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng cho rằng ngành ngân hàng cần cố gắng hơn nữa trong bám sát, nắm chắc tình hình, phản ứng chính sách kịp thời, đúng thời điểm; hoạt động ngân hàng chấp nhận có rủi ro nhưng cần lưu ý hơn nữa các công cụ kiểm soát rủi ro; phối hợp tốt hơn nữa với các bộ, ngành; thấu hiểu và chia sẻ nhiều hơn nữa với DN và người dân trong lúc khó khăn.

Để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ được giao trong năm 2024 và cả giai đoạn 2021-2025, Thủ tướng yêu cầu ngành ngân hàng: “Không để Chính phủ bị động, bất ngờ về chính sách tiền tệ, không để ách tắc trong lưu thông tiền tệ; không để người dân, DN thiếu vốn khi cần sự hỗ trợ của hệ thống ngân hàng; không để tiêu cực, tham nhũng, sơ hở trong quản lý hệ thống ngân hàng”.

Về nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng yêu cầu ngành ngân hàng chú trọng điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý; có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách vĩ mô khác trên cơ sở nền tảng kinh tế vĩ mô tốt.

Người đứng đầu Chính phủ hoan nghênh việc NHNN đã có những cơ chế mới đối với việc điều hành tín dụng năm 2024 khi giao ngay hạn mức tín dụng từ ngày 1-1 cho tất cả tổ chức tín dụng là 15%; đồng thời lưu ý điều hành tín dụng linh hoạt, kịp thời và phù hợp, theo dõi, tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình tăng trưởng tín dụng.

Thủ tướng yêu cầu tiếp tục triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp tín dụng để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, giúp người dân, DN tiếp cận tín dụng tốt hơn, đúng và trúng hơn, tập trung cho những lĩnh vực ưu tiên. Đẩy mạnh triển khai hiệu quả các chương trình, chính sách tín dụng ưu đãi.

Bên cạnh đó, ngành ngân hàng cần đẩy mạnh đơn giản hóa, cắt giảm thủ tục hành chính, phân cấp, phân quyền tối đa để cấp dưới xử lý kịp thời nhất các diễn biến rất nhanh của hoạt động ngân hàng.

Đối với các tổ chức tín dụng, hiệp hội ngân hàng, Thủ tướng biểu dương sự trưởng thành, phát triển rất nhanh, một số ngân hàng thương mại được các đối tác quốc tế đánh giá cao, mua lại cổ phần…

Thủ tướng mong muốn các ngân hàng chia sẻ hơn nữa với người dân và DN trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, cùng phát triển trong hệ sinh thái chung, thúc đẩy hơn nữa niềm tin của người dân và DN; rà soát điều kiện, thủ tục (nhất là về tài sản thế chấp, về thủ tục cho vay) để hỗ trợ DN, người dân tiếp cận vốn tín dụng thuận lợi hơn, đồng thời bảo đảm an toàn hệ thống.

Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ lưu ý tránh tình trạng người dân đến ngân hàng gửi tiền thì nhân viên ngân hàng lại giới thiệu những kênh đầu tư có lãi suất, lợi nhuận cao hơn nhưng nhiều rủi ro.

“Quan điểm của Chính phủ là bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của các chủ thể trong nền kinh tế, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế nhưng xử lý nghiêm những hành vi sai phạm” - Thủ tướng khẳng định.•

Chính phủ yêu cầu hạ tiếp lãi suất cho vay

Tại Nghị quyết 01/2024 về nhiệm vụ, giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 ban hành ngày 8-1, Chính phủ yêu cầu ngành ngân hàng có các giải pháp tăng khả năng tiếp cận vốn của người dân, DN; khuyến khích các ngân hàng giảm chi phí, thủ tục và hạ lãi suất cho vay.

Ngoài vốn, Chính phủ cho biết tiếp tục nghiên cứu các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất để hỗ trợ người dân, DN.

Theo số liệu của NHNN, lãi suất năm 2023 đã giảm khoảng 2% so với một năm trước. Hiện nay mặt bằng lãi suất đã giảm về thấp hơn mức trước thời điểm dịch COVID-19 bùng phát. Tuy nhiên, tín dụng tăng trưởng chậm, đến hết năm 2023, tín dụng tăng 13,71% so với năm 2022 trong khi mục tiêu là tăng 14%-15%.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm