Thủ tướng: 'Phát triển Chính phủ số là xu thế tất yếu'

Sáng 19-8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Lễ khai trương Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia, Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng và công bố dịch vụ công thứ 1.000 trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại lễ khai trương. Ảnh: VGP

Hướng tới một "Việt Nam số"

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương nỗ lực của Văn phòng Chính phủ (VPCP), trong đó có vai trò quan trọng của Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng và các bộ ngành, đơn vị liên quan đã phối hợp triển khai đưa vào khai trương Trung tâm đảm bảo chất lượng, hiệu quả, thân thiện và thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp (DN).

Thủ tướng cũng cảm ơn sự hỗ trợ, đóng góp của các tổ chức quốc tế và các doanh nghiệp công nghệ thông tin (CNTT), các chuyên gia.

“Tôi ghi nhận biểu dương Tập đoàn VNPT đã xây dựng hệ thống theo hình thức DN đầu tư và cho thuê lại dịch vụ nhằm phục vụ tốt hơn công tác tham mưu, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng” - Thủ tướng nói.

Người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh tới ý nghĩa của việc công bố dịch vụ công thứ 1.000 trên Cổng dich vụ công quốc gia- kê khai, nộp lệ phí trước bạ mức độ 4 và cấp đăng ký, biển số xe mức độ 3 được thực hiện thí điểm đối với xe sản xuất, lắp ráp trong nước tại TP. Hà Nội, TP.HCM.

Đây là dịch vụ thiết yếu phục vụ người dân, doanh nghiệp, là cơ sở hình thành DN- công dân điện tử, góp phần tạo dựng nền kinh tế số và xã hội số.

“Qua báo cáo, tôi vui mừng trước một số kết quả bước đầu rất đáng khích lệ” - Thủ tướng nói và dẫn chứng qua 9 tháng vận hành, Cổng dịch vụ công quốc gia đã có hơn 227.000 tài khoản đăng ký; hơn 14 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái, hơn 270.000 hồ sơ trực tuyến thực hiện từ Cổng. 

Tuy nhiên, Thủ tướng lưu ý: “Dù số lượng rất lớn, lên rất nhanh nhưng tỷ lệ thực hiện trên số hồ sơ cũng mới chiếm gần 2%, còn thấp. Chúng ta phải cố gắng hơn nữa để số lượng nhiều hơn nữa. Trong đó các bộ, địa phương cơ quan chức năng phải kết nối với Cổng dịch công quốc gia nhiều hơn nữa”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu tại lễ khai trương. Ảnh: VGP

Phát biểu tại buổi lễ, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh việc xây dựng và phát triển Chính phủ số là xu thế tất yếu nhằm nâng cao tính công khai, minh bạch của Chính phủ, đẩy lùi nạn tham nhũng, lãng phí.

Đồng thời góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất lao động xã hội và là con đường đúng đắn để phát triển một đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.

“Cần tiếp tục khẳng định mạnh mẽ rằng năm 2020 là năm chuyển đổi số quốc gia, là năm khởi động tiến trình hướng tới một 'Việt Nam số'", Thủ tướng nói.

Công chức phải tinh thông nghiệp vụ, giỏi về công nghệ

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sau đó lưu ý một số vấn đề. Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu cần tiếp tục đổi mới trong việc triển khai xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, gắn cải cách dịch vụ công với chuyển đổi số trong hoạt động của cơ quan nhà nước. 

Cạnh đó, cần thúc đẩy mạnh mẽ kết nối liên thông, tương tác và cung cấp các dịch vụ công một cách có hiệu quả… Thông tin dữ liệu phải thống nhất theo tiêu chuẩn hoạt động thông suốt, đem lại hiệu quả cao nhất. 

Thủ tướng lưu ý việc thúc đẩy mạnh mẽ cán bộ công chức làm việc trên môi trường mạng và cho rằng hệ thống cán bộ chưa phải đã thành thạo làm việc trên môi trường mạng.

Quang cảnh buổi lễ. Ảnh: VGP

“Tôi mong rằng trong thời gian tới công chức viên chức nhà nước phải là những người tinh thông nghiệp vụ, giỏi về công nghệ. Các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các địa phương phải tạo điều kiện cho anh em tiếp thu đầy đủ những nền tảng công nghệ sử dụng trong môi trường số hiện nay”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng đề nghị trong tương lai không xa, Việt Nam phải hướng tới hệ thống thông tin chia sẻ liên Chính phủ trong một số lĩnh vực với một số nước trên thế giới, đặc biệt là những nước trong cộng đồng ASEAN…

 

Bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống

Riêng cổng dịch vụ quốc gia, Thủ tướng yêu cầu hoàn thành việc tích hợp các dịch vụ công thiết yếu như: xuất nhập khẩu, đất đai, xây dựng, khoáng sản, thuế, xử phạt hành chính, viện phí, học phí.

Đồng thời tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện các tinh năng của cổng để bảo đảm phục vụ người dân, DN tốt hơn, với mục tiêu phải hoàn thành 30% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trong 2020.

Trong cuối bài phát biểu, Thủ tướng nêu rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương và các DN liên quan. Đáng chú ý, Thủ tướng yêu cầu VPCP phối hợp với Bộ Công an, Bộ TT&TT, Ban Cơ yếu Chính phủ trong bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống, không để lộ lọt thông tin, dữ liệu; không để đánh sập, lọt thông tin mật. 

“An toàn thông tin là yêu cầu rất quan trọng trong bối cảnh hiện nay. Hôm qua, hệ thống cổng thông tin quốc gia của Canada bị đánh sập” - Thủ tướng nhắc nhở.

Ông cũng yêu cầu Văn phòng Chính phủ sắp xếp bộ máy, nhân sự để quản lý vận hành trung tâm sao cho phù hợp, hiệu quả, không hình thành đầu mối, tổ chức mới, không làm tăng biên chế. 

“Thủ tướng sẽ kiểm tra trung tâm hoạt động như thế nào, hàng ngày nhận được những báo cáo nào, chỉ tiêu nào thể hiện qua hệ thống này, nhất là những chỉ tiêu quan trọng để Thủ tướng, thành viên Chính phủ quyết, điều hành kịp thời” -  Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm