Sáng 29-6, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 6-2023.
Theo chương trình phiên họp, Chính phủ xem xét, cho ý kiến đối với 4 nội dung: Đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo; dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi); đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hóa chất; về việc xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung các luật có quy định liên quan đến đầu tư, ngân sách để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các dự án đầu tư công.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 6/2023. Ảnh: VGP |
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng nêu rõ, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế của Chính phủ được thực hiện một cách thường xuyên, liên tục, bài bản, ngày càng nề nếp, chuyên nghiệp, đúng hướng và hiệu quả, càng làm càng có kinh nghiệm, đúng tinh thần của Đảng coi đây là một trong 3 đột phá chiến lược.
Thủ tướng hoan nghênh các bộ, ngành đã quán triệt, triển khai nghiêm túc các nghị quyết của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng về phát huy vai trò của người đứng đầu, tập trung dành nguồn lực, bố trí kinh phí, nhân lực cho công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, khi có vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách thì kịp thời báo cáo, xây dựng đề án, dự án cụ thể. Đồng thời, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội để chuẩn bị từ sớm, từ xa với các dự án luật, tạo đồng thuận cao khi trình Quốc hội.
Thủ tướng đề nghị tiếp tục phát huy các kết quả đã đạt được; một số nơi chưa tập trung cho công tác này cần rút kinh nghiệm những việc chưa làm tốt; tăng cường hơn nữa kỷ luật, kỷ cương trong xây dựng, trình, ban hành pháp luật, nhất là bảo đảm tiến độ trình hồ sơ gửi đến các cơ quan của Quốc hội.
Thủ tướng yêu cầu đầu tư nhiều hơn nữa, cố gắng, nỗ lực, quyết tâm hơn nữa cho công tác này, bảo đảm tiến độ và nâng cao chất lượng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, tránh tình trạng quy định vừa ban hành xong nhưng thực hiện lại vướng mắc. Theo Thủ tướng, các bộ, ngành cần phân công lãnh đạo thường xuyên, trực tiếp theo dõi, chỉ đạo công tác này.
Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu xây dựng và hoàn thiện thể chế theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, nêu rõ trách nhiệm của các cơ quan từ Trung ương tới cơ sở; các cơ quan ở Trung ương tập trung vào các nhiệm vụ xây dựng thể chế, chiến lược, quy hoạch, giám sát, kiểm tra, thi đua, khen thưởng, xử lý vi phạm…
Lấy ví dụ, Thủ tướng cho biết, việc giao Hà Nội và TP.HCM triển khai các dự án xây dựng các tuyến đường vành đai 3 và vành đai 4 đã giúp việc giải phóng mặt bằng các dự án này được triển khai rất nhanh trong vòng 1 năm, trong khi có những dự án hạ tầng giao thông trước đây tại hai TP này mất tới 10 năm để giải phóng mặt bằng và đội vốn lớn.
Cùng với đó, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu xây dựng các quy định thông thoáng, phù hợp với điều kiện đất nước, truyền thống văn hóa lịch sử của đất nước.
Theo Thủ tướng, tình hình kinh tế-xã hội đang có khó khăn, thách thức nhưng nếu có quyết tâm thì chúng ta sẽ vượt qua được, nhất là với việc quan tâm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về pháp lý để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng).
Nhắc lại quan điểm "nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân", Thủ tướng nêu rõ: Chúng ta tháo gỡ được vướng mắc về quy định thì mới tháo gỡ, khơi thông được nguồn lực, thúc đẩy được tăng trưởng; phải phân cấp, phân quyền thì mới nâng cao tính chủ động của các cấp, không để mọi việc đều đẩy lên cấp trên khiến công việc ách tắc, không bảo đảm chất lượng.
Hồ sơ xây dựng luật cần nêu điểm cần sửa, điểm cần loại bỏ
Trong kỳ họp Quốc hội sắp tới, Chính phủ sẽ trình Quốc hội thông qua 9 dự án Luật, cho ý kiến 8 dự án Luật, trong đó có nhiều đạo luật rất khó, phức tạp, có nhiều ý kiến khác nhau.
Thời gian không còn nhiều, chỉ khoảng 3 tháng, Thủ tướng yêu cầu cần tập trung nguồn lực để chuẩn bị cho tốt, bảo đảm tiến độ và nâng cao chất lượng các dự án, đề nghị xây dựng luật trình Quốc hội sắp tới.
Các cơ quan chủ trì cần làm tốt công tác tổng kết thực tiễn, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan để thống nhất các vấn đề còn ý kiến khác nhau, lắng nghe, tiếp thu, giải trình các ý kiến của đại biểu Quốc hội và ý kiến nhân dân.
Thủ tướng lưu ý, trong hồ sơ xây dựng các dự án luật, đề nghị xây dựng luật, cần nêu rõ những điểm mới, những điểm cần sửa đổi, những điểm cần hoàn thiện, bổ sung, những điểm không phù hợp cần loại bỏ.