Sáng 10-4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương với bốn nội dung trọng tâm: Tìm giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; hỗ trợ người lao động, bảo đảm an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội và tiếp tục đẩy mạnh phòng, chống dịch COVID-19.
Hội nghị “4 trong 1” quyết biến nguy thành cơ
Thủ tướng coi đây là hội nghị “4 trong 1” hay “tất cả trong một” nhằm huy động tổng lực các nguồn lực của đất nước với một khí thế quyết tâm, tinh thần yêu nước, quật cường của nhân dân Việt Nam để chiến thắng dịch bệnh COVID-19, đồng thời nỗ lực vượt khó, vươn lên trong sản xuất và đời sống. Kết luận hội nghị, Thủ tướng nêu rõ: Trong thời điểm hiện nay, chúng ta quyết tâm chống dịch, thực hiện tốt Chỉ thị 16, tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội nghiêm túc, tuy nhiên không ngăn sông cấm chợ, không ngăn cản vận chuyển hàng hóa, vật tư, thiết bị, vẫn tổ chức sản xuất nhưng phải bảo đảm khoảng cách để không lây nhiễm trong cộng đồng.
“Tôi đề nghị chúng ta cùng chung sức, đồng lòng, phối hợp chặt chẽ và có quyết tâm rất cao trong tổ chức thực hiện với tinh thần là dịch bệnh làm chúng ta khó khăn gấp đôi thì chúng ta cố gắng gấp ba” - Thủ tướng bày tỏ. Phải tập trung sức lực hơn nữa, tháo gỡ, chấm dứt tình trạng trì trệ, chậm trễ như diễn ra vừa qua ở một số địa phương, một số ngành. Quý I chúng ta tăng trưởng 3,82% là đáng khích lệ trong bối cảnh suy thoái toàn cầu nhưng đây là mức thấp, nhất là ở một số địa bàn trọng điểm, “chúng ta phải tự suy nghĩ cái này để phấn đấu tốt hơn”. Cho nên cùng với quyết tâm, chỉ đạo phải cụ thể, sáng tạo hơn trên tinh thần biến nguy cơ thành thời cơ.
Nêu rõ Chính phủ sẽ trực tiếp giải quyết 91 kiến nghị mà các tỉnh, thành phố nêu ra tại hội nghị, Thủ tướng lấy ví dụ về vấn đề xuất khẩu gạo của An Giang và khẳng định Chính phủ, Thủ tướng “sẽ có văn bản trả lời về xuất khẩu gạo”. Xuất khẩu gạo phải được kiểm soát để bảo đảm an ninh lương thực nhưng khuyến khích xuất khẩu để bảo đảm quyền lợi của nông dân.
Đặc biệt phải tìm thị trường mới, phải đổi mới cách làm, phải thay đổi thói quen. Phải xử lý nghiêm sự chậm chạp, vô trách nhiệm, từ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh đến đầu tư, an sinh xã hội, trật tự xã hội, “có một số việc vô trách nhiệm, kéo dài mãi không chịu làm” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng lưu ý phải đẩy mạnh sản xuất cùng với xuất khẩu, phải chú trọng thị trường trong nước với 100 triệu dân. Bên cạnh sản xuất và lưu thông thuận lợi thì chống đầu cơ, nâng giá, nhất là thịt heo. Chú ý đẩy mạnh công tác đối ngoại khi năm nay Việt Nam làm chủ tịch ASEAN.
Về truyền thông, phải tạo nên động lực mới, tạo sự đồng lòng, nhất trí của nhân dân. “Với tinh thần đó, tôi tin một khí thế mới, quyết tâm mới trong giai đoạn sắp tới đây sẽ vượt khó đi lên, bảo đảm sản xuất, đời sống, ổn định xã hội để thực hiện mục tiêu kép là đẩy lùi dịch bệnh, phát triển kinh tế-xã hội” - Thủ tướng nói.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Cần xây dựng ngay các kịch bản để phục hồi, đưa nền kinh tế bật dậy nhanh sau dịch. Ảnh: VGP
Xây dựng ngay kịch bản phục hồi sau dịch
Thủ tướng giao Bộ KH&ĐT chủ trì cùng các bộ, ngành khẩn trương xây dựng các kịch bản để phục hồi, đưa nền kinh tế bật dậy nhanh sau dịch, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tuần tới, nhất là địa bàn trọng điểm, ngành trọng điểm phải có trách nhiệm đóng góp vào vấn đề này.
Thủ tướng giao Bộ KH&ĐT chủ trì cùng Văn phòng Chính phủ tổng hợp các khó khăn, vướng mắc, đề xuất, kiến nghị của các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp để đưa vào nghị quyết của Chính phủ.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết bộ đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng dự thảo nghị quyết chuyên đề của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Trong đó kiến nghị ba nhóm giải pháp với 33 nhiệm vụ cụ thể.
60.000 tỉ đồng là gói hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch vừa được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành. Theo đó, có khoảng 20 triệu người dân thuộc sáu nhóm đối tượng được hưởng hỗ trợ trong khoảng ba tháng (từ tháng 4 đến tháng 6 năm nay). |
Về kịch bản đón đầu phục hồi kinh tế sau đại dịch, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận định dịch COVID-19 gây ra nhiều khó khăn, thiệt hại đối với các nền kinh tế trên thế giới nhưng lại là cơ hội cho những nền kinh tế nếu biết tận dụng từ việc điều chỉnh, xắp xếp lại cục diện kinh tế, thương mại toàn cầu. Do đó, việc chuẩn bị trước các kịch bản và dự kiến sớm các giải pháp để vực dậy nền kinh tế sau khi dịch kết thúc là cần thiết.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tổng vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước được phép thực hiện trong năm 2020 là gần 700.000 tỉ đồng, gấp 2,2 lần số vốn thực giải ngân trong năm 2019 (312.000 tỉ đồng). Trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư khu vực tư nhân giảm sút thì việc phấn đấu giải ngân hết nguồn lực đầu tư công trong năm 2020 sẽ góp phần quan trọng kích cầu đầu tư xã hội, duy trì đà tăng trưởng của nền kinh tế. Bộ Tài chính cam kết bảo đảm đủ nguồn đáp ứng đầy đủ, kịp thời theo tiến độ giải ngân nhiệm vụ đầu tư công nêu trên.
Thích ứng nhanh với tình hình, không để kinh tế gãy đổ Dẫn lại câu nói của Darwin, cha đẻ của thuyết tiến hóa, rằng không phải loài mạnh nhất sẽ sống sót, thay vào đó, loài có khả năng thích ứng trước sự thay đổi tốt nhất mới là loài sống sót, Thủ tướng nêu rõ: Sự thích ứng, quyết tâm của chúng ta rất quan trọng để vượt qua thách thức, khó khăn hiện nay. Cùng với đó, Thủ tướng nhấn mạnh dân tộc, đất nước Việt Nam chưa từng chùn bước trước khó khăn, luôn mạnh mẽ và đứng cao hơn thách thức nhờ vào khí chất dân tộc, sự quyết tâm, đồng thuận, trên dưới một lòng. Điều này đã và cần được phát huy không chỉ trong nỗ lực phòng, chống COVID-19 mà ngay trong thời gian tới, không để nền kinh tế đổ gãy. “Chúng ta cần hành động nhanh, hành động ngay, làm càng sớm càng tốt khi dịch đã được ngăn chặn…”. |
Sẽ miễn, giảm hàng loạt thuế, phí cho doanh nghiệp Ngày 10-4, tại hội nghị trực tuyến giữa Chính phủ và các địa phương, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đã trình bày dự thảo nghị quyết về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Dự thảo đưa ra việc thực hiện nhiệm vụ kép vừa ưu tiên phòng, chống dịch, vừa duy trì sản xuất, kinh doanh, giữ vững ổn định xã hội; nỗ lực phấn đấu cao nhất thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2020. Về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, dự thảo giao Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ cho ý kiến để Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội trong tháng 4 điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân; miễn, giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu đầu vào của các ngành vận tải… Đồng thời, giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước tới hết năm 2020 nhằm kích thích tiêu dùng trong nước; các chính sách ưu đãi về thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ngành ô tô nội; giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp (DN) cho DN vừa và nhỏ trong năm 2020. Cùng với đó miễn, giảm 50% thuế suất VAT (hiện nay là 10%) cho các hàng hóa dịch vụ gặp khó khăn, nguyên vật liệu để giảm chi phí đầu vào cho sản xuất của các DN; miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với hộ gia đình, nông dân. Tạm thời giảm, miễn thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân đối với DN, hộ kinh doanh cá thể để áp dụng cho kỳ tính thuế năm 2020; xem xét việc hoàn thuế VAT trong năm 2020 cho một số ngành nghề bị ảnh hưởng nặng, trực tiếp bởi dịch COVID-19 như hàng không, du lịch… Cạnh đó, Bộ Tài chính nghiên cứu, báo cáo Chính phủ tăng thời gian gia hạn nộp thuế thu nhập DN năm 2019, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân, tiền thuê đất lên một năm thay vì năm tháng; bổ sung quy định giãn, hoãn nộp thuế khoán cho hộ kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch… Dự thảo nghị quyết cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước thực hiện miễn, giảm lãi suất, chi phí đối với các khoản vay mới và các khoản vay hiện hữu của DN khoảng 2%, nhất là đối với các khoản cho vay trước khi xảy ra dịch để tháo gỡ khó khăn cho các DN trong việc trả các khoản vay trước dịch COVID-19 do nguồn thu bị giảm mạnh. Đồng thời, cung cấp các khoản vay ưu đãi về lãi suất cho các DN có quy mô vừa và lớn chịu thiệt hại nặng do dịch, thời hạn vay 6-9 tháng; các DN có quy mô nhỏ và siêu nhỏ với thời hạn vay 3-6 tháng… Dự thảo nghị quyết cũng giao Bộ GTVT chủ trì, báo cáo Chính phủ thực hiện áp dụng chính sách giảm 50% giá cất/hạ cánh máy bay và giá dịch vụ điều hành bay đối với các chuyến bay nội địa. Cùng đó, áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng đối với các dịch vụ chuyên ngành hàng không, tạo điều kiện cho các DN cung ứng dịch vụ thực hiện giảm giá cho các hãng hàng không và các DN sử dụng dịch vụ… THU NGUYỆT |