COVID-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng, đình trệ giao thương

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với các địa phương về các giải pháp, nhiệm vụ ứng phó với tác động từ dịch COVID-19, ngày 10-4, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đã trình bày những “phản ứng chính sách” quan trọng.

Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng, các bộ ngành khẩn trương báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định việc giảm gánh nặng chi phí cho người nộp thuế. Ảnh: CP

Nguy cơ khủng hoảng tài chính

Theo Bộ trưởng Dũng, COVID-19 và đà suy giảm từ năm 2019 đã ảnh hưởng toàn diện đến tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Cộng đồng quốc tế đều cho rằng dịch COVID-19 đã khiến nền kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái, thiệt hại tương đương với các cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính toàn cầu trước đây.

COVID-19 và các biện pháp ngăn chặn dịch đã làm “đứt gãy” các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị, đình trệ giao thương, đầu tư trên phạm vi toàn cầu; làm giảm cả “cung” và “cầu” trên thị trường thế giới.

Doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng, giảm quy mô; các ngành sản xuất lớn (như: ô tô, máy móc, thiết bị công nghiệp...) và dịch vụ, du lịch, vận tải đều bị ảnh hưởng nặng nề.

Lao động mất việc tăng lên

Các khu vực nhạy cảm khác như tài chính, bảo hiểm, chứng khoán bị ảnh hưởng sẽ làm gia tăng bất ổn trên thị trường tài chính, tiền tệ, nguy cơ dẫn tới khủng hoảng tài chính.

Với Việt Nam, tác động của dịch COVID-19 là rất nghiêm trọng, ảnh hưởng toàn diện đến tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế, gây gián đoạn chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại, làm đình trệ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, ảnh hưởng mạnh đến tâm lý và đời sống nhân dân, tác động trực tiếp đến các ngành xuất nhập khẩu, du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, y tế, giáo dục, lao động việc làm, nhiều doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô...

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm 6,8% là rất thách thức và khó đạt được.

Trường hợp dịch được khống chế trong quý II, tăng trưởng GDP dự báo đạt khoảng 5,32% và trường hợp dịch kéo dài hết đến quý III thì tăng trưởng GDP dự báo là 5,05%.

Đặc biệt, các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, nguồn nguyên liệu đầu vào và thị trường đầu ra đều giảm mạnh; chi phí để duy trì hoạt động trở thành gánh nặng trong khi dòng tiền dần thiếu hụt; doanh thu sụt giảm, thậm chí thua lỗ; khả năng cầm cự không thể kéo dài; số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường và tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng cao so với cùng kỳ.

Nhiều lao động bị cắt giảm, mất việc làm, tỉ lệ thất nghiệp có xu hướng tăng; qua khảo sát nhanh, có tới 53% doanh nghiệp dự kiến giảm ít nhất 20% số lao động, 27% dự kiến cắt giảm trên 40% số lao động.

Tăng tốc giải ngân đầu tư công

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay, Bộ KH&ĐT đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng dự thảo Nghị quyết chuyên đề của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Trong đó, kiến nghị 3 nhóm giải pháp với 33 nhiệm vụ cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Đồng thời, các bộ, ngành cũng kiến nghị một số giải pháp chủ yếu nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư toàn xã hội, đặc biệt là vốn đầu tư công.

Đặc biệt, các bộ, cơ quan trung ương theo chức năng nhiệm vụ được giao khẩn trương báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định việc giảm gánh nặng chi phí cho người nộp thuế: Nâng mức giảm trừ gia cảnh; miễn, giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu; giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước…; cho phép chậm nộp một phần thuế xuất khẩu trong thời gian khoảng 5 tháng đến hết Quý II-2020…

Cùng với đó là việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư, nhất là vốn đầu tư công. Đây là giải pháp được nhiều tổ chức, chuyên gia nhận định là hữu hiệu hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh tác động của dịch COVID-19.

Bởi hiện nay, số vốn đầu tư công cần phải giải ngân trong năm 2020 rất lớn, lên tới gần 700.000 tỉ đồng. Để phát huy được hiệu quả của nguồn vốn này, thì tính kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm và đạo đức công vụ vẫn được đề cập đến.

Vấn đề này theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, cần được báo cáo lên UB Thường vụ Quốc hội xem xét giao cho Chính phủ điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2020 và báo cáo UB Thường vụ Quốc hội kết quả điều chỉnh trong tháng 3-2021.

 

"Đầu tư công khẩn cấp"

Chính phủ cần báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép chuyển đổi hình thức đầu tư đối với các dự án thuộc đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông (8 dự án) từ hình thức đầu tư theo phương thức PPP sang đầu tư công; cho phép áp dụng hình thức chỉ định thầu (kèm theo cắt giảm 5% so với dự toán) khi triển khai thực hiện để đẩy mạnh đầu tư công nhằm giải quyết khó khăn về cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Cạnh đó, cần khẩn trương thực hiện ngay các dự án đường lăn và cất hạ cánh sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất theo quy định dự án đầu tư công khẩn cấp của Luật Đầu tư công và dự án đầu tư xây dựng có tính cấp bách của Luật Xây dựng; hoàn thành các thủ tục đầu tư, đảm bảo khởi công trong tháng 8-9 năm 2020 các dự án cao tốc Bắc Nam ngay sau khi được Quốc hội chấp thuận.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm