Tại buổi làm việc ngày 21-1 của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổ công tác của Thủ tướng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đánh giá tổ đã hoạt động rất tích cực, hiệu quả, quán triệt yêu cầu, quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng trong xây dựng và hoàn thiện thể chế trong gần ba năm qua.
Chống trì trệ, ách tắc và kẽ hở chính sách
Theo Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, việc trì trệ trong cải cách hành chính, bất cập, yếu kém trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh đã được kịp thời khắc phục. Cụ thể, có 49 văn bản về thực hiện cải cách hành chính đã được ban hành; các bộ, ngành đã rà soát và trình Chính phủ phê duyệt phương án đơn giản hóa 1.066 thủ tục hành chính, giấy tờ công dân không cần thiết. Nhiều tồn tại, bất cập chậm được xử lý, giải quyết từ công tác chỉ đạo, điều hành của bộ, ngành, địa phương làm dư luận quan tâm, bức xúc đã được Tổ công tác thẳng thắn chỉ ra tại các cuộc kiểm tra và được các đơn vị khắc phục, chấn chỉnh kịp thời.
Phát biểu sau đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại việc đầu nhiệm kỳ tình hình, số nợ đọng những chủ trương, quyết định quan trọng của Chính phủ quá lớn. Theo báo cáo lúc bấy giờ là 1/4 số nhiệm vụ nợ đọng. Nhiều bộ, ngành có sự trì trệ, chậm trễ trong thực hiện. Cơ chế, chính sách nhiều nhưng chưa đi vào thực tiễn cuộc sống hoặc không tháo gỡ kịp thời nên vấn đề lợi ích nhóm, thực thi pháp luật, tham nhũng chính sách, ách tắc, chậm trễ trong thực thi… nổi lên. Kỷ luật, kỷ cương trong cán bộ, công chức còn nhiều bất cập. “Trước thực tế này, tháng 8-2016, tôi đã quyết định thành lập Tổ công tác của Thủ tướng để kiểm tra, đôn đốc, xử lý, giải quyết hai vấn đề lớn là chống trì trệ trong bộ máy hành chính và tránh tình trạng “bắn chỉ thiên lên trời”, tức là việc ông nói ông cứ nói nhưng đi vào cuộc sống hay không, thực hiện hay không thì tùy” - Thủ tướng cho hay.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao bằng khen cho các thành viên và nguyên thành viên Tổ công tác. Ảnh: plo.vn
Mạnh tay hơn, thẳng thắn hơn với bí thư, chủ tịch
Theo đánh giá của Thủ tướng, Tổ công tác ra đời giải quyết những việc cấp bách, chống trì trệ và trong thời gian qua đã thực hiện rất nghiêm túc. “Các đồng chí đã tạo áp lực cho các bộ, các cơ quan hành chính để cải cách, đổi mới, chống trì trệ trong các cơ quan nhà nước… Tôi đánh giá đây là điều thành công” - Thủ tướng nói. Thủ tướng ghi nhận Tổ công tác đã góp phần quan trọng trong việc hoàn thành nhiệm vụ của các bộ, ngành, địa phương, đồng thời tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính tại các cơ quan nhà nước. Tinh thần quyết liệt, chủ động, không né tránh, không ngại va chạm của Tổ công tác cũng được Thủ tướng đánh giá cao. “Sự độc lập, không ngại va chạm của các đồng chí là vấn đề rất quan trọng. Phong bao, phong bì đưa tới thì ngại nói lắm” - Thủ tướng nói.
Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ cũng nhắc nhở những tồn tại, hạn chế trong quá trình làm việc của Tổ công tác như vẫn còn tình trạng nể nang trong thực thi nhiệm vụ, còn bộ, cơ quan, địa phương được kiểm tra chưa hoàn thành nhiệm vụ theo đúng thời gian. Vẫn báo cáo xin lùi thời gian, nhiều đề án lùi từ tháng này sang tháng khác. Từ đó, Thủ tướng đề nghị cần mạnh tay hơn, thẳng thắn hơn với bí thư, chủ tịch, bộ trưởng, thứ trưởng các bộ trong vấn đề thực thi triển khai nhiệm vụ mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao. “Mất lòng trước thì đỡ mất lòng sau, ông bà ta vẫn nói như vậy. Cần mạnh dạn hơn nữa, không được né tránh” - Thủ tướng nhấn mạnh. Cạnh đó, việc kiểm tra các bộ, cơ quan địa phương mới dừng ở việc kiểm tra theo đầu việc, theo dõi tiến độ mà chưa kiểm tra, đánh giá chất lượng kết quả thực hiện công việc được giao…
Thủ tướng đề nghị trong năm 2019 Tổ công tác phải vào cuộc mạnh mẽ hơn, cần có sự bứt phá trong việc thực hiện nhiệm vụ. Thủ tướng cũng giao Tổ công tác kiểm tra việc triển khai thực hiện các chủ trương theo nghị quyết của Chính phủ, bao gồm cả việc kiểm tra đột xuất một số việc nổi cộm mà dư luận phản ánh hay Tổ công tác phát hiện được.
61 kiểm tra trong ba năm thực hiện nhiệm vụ của Tổ công tác của Thủ tướng Sau gần ba năm hoạt động, Tổ công tác của Thủ tướng đã tiến hành 61 cuộc kiểm tra tại 20/22 bộ, ngành, một cơ quan thuộc Chính phủ; 13 địa phương; 10 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước. Trong đó có 27 cuộc kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ được giao và 34 cuộc kiểm tra chuyên đề. |