Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa có công điện yêu cầu các Bộ ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023.
Công điện dẫn báo cáo của Bộ Tài chính về kết quả giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước ước đến 31-10-2022 cao hơn cùng kỳ năm 2021 là 40.387 tỉ đồng (tăng 16%). Tuy nhiên, con số này mới chỉ đạt 51,34% kế hoạch giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2021.
Nguyên nhân là do nguồn vốn đầu tư công năm 2022 điều chỉnh tập trung trọng tâm, trọng điểm và huy động được từ nhiều nguồn khác nhau nên tăng hơn so với năm 2021 khoảng 120.000 tỉ đồng.
Tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đang được đẩy nhanh tiến độ để sớm đưa vào vận hành thử cuối năm 2022. Ảnh minh họa: ĐÀO TRANG |
Theo Thủ tướng, để duy trì động lực phục hồi, hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế cả năm 2022 khoảng 8% thì cần tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Các cấp, các ngành cần coi đây là động lực thúc đẩy tăng trưởng, góp phần phát huy hiệu quả phối hợp giữa chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách kinh tế vĩ mô khác, nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.
Đến nay, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của hầu hết dự án đã được cấp có thẩm quyền giao cho các bộ, cơ quan trung ương, địa phương. Việc công bố chỉ số giá xây dựng tại các địa phương cũng được ban hành cơ bản đầy đủ, khá kịp thời. Những khó khăn về thời tiết, tình hình dịch bệnh... không còn là nguyên nhân chính gây cản trở đến việc giải ngân vốn đầu tư công.
“Cần tập trung, phấn đấu cao nhất để hoàn thành các mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có giải ngân vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước kế hoạch năm 2022 đạt 95-100% kế hoạch giao” – Thủ tướng nhấn mạnh.
Để phấn đấu đạt mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, Thủ tướng yêu cầu trưởng các ngành, cơ quan, đơn vị và địa phương đề cao tinh thần trách nhiệm, tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, kịp thời, hiệu quả hơn việc giải ngân vốn đầu tư công.
Trong đó, Bộ Công Thương được giao theo dõi sát sao diễn biến tình hình, kiểm soát và có biện pháp kịp thời, hiệu quả theo quy định để đảm bảo nguồn cung và ổn định giá cả của nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào, đặc biệt là xăng, dầu, sắt thép, vật liệu xây dựng.
Bộ Xây dựng hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các địa phương thường xuyên cập nhật, điều chỉnh, công bố giá và chỉ số giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng theo tháng phù hợp diễn biến giá thị trường…
Bộ TN&MT khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu để xử lý tháo gỡ các vướng mắc về đất đai theo phản ánh của các địa phương trong quá trình sửa đổi Luật Đất đai…
Đối với các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, Thủ tướng yêu cầu tăng cường tần suất kiểm tra hiện trường để chấn chỉnh ngay các tồn tại, bất cập; người đứng đầu phải trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công, phân công lãnh đạo phụ trách từng dự án.
Đồng thời, tập trung giải quyết công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư kịp thời, đúng quy định cho người dân, bảo đảm đúng pháp luật và hài hòa lợi ích của Nhà nước và người dân, đảm bảo nhanh tiến độ thực hiện dự án, nhất là các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm.
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công; chủ động rà soát điều chuyển vốn theo thẩm quyền giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có khả năng giải ngân tốt hơn, có nhu cầu bổ sung vốn theo quy định…
Kết quả, tiến độ thực hiện các nhiệm vụ nêu trên phải được báo cáo từng tháng cho Thủ tướng qua Văn phòng Chính phủ và Bộ KH&ĐT.
Nhiều địa phương có tỉ lệ giải ngân thấp bị phê bình
Thủ tướng biểu dương các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỉ lệ giải ngân 10 tháng đầu năm 2022 đạt cao như Thanh tra Chính phủ, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Bộ GTVT, Bình Định, Tiền Giang, Đồng Tháp, Tây Ninh, Lâm Đồng, Ninh Bình, Quảng Ngãi, Bình Thuận...
Thủ tướng cũng phê bình các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỉ lệ giải ngân 10 tháng đầu năm 2022 đạt thấp như: Ủy ban Dân tộc, Viện khoa học công nghệ Việt Nam, Bộ Ngoại giao, Hội Nhà văn, Bộ Y tế, Hội Nông dân Việt Nam, Bộ GD&ĐT, Bộ Công Thương, Bộ LĐ-TB&XH, Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đại học quốc gia TP.HCM, Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Bộ Tư pháp, Hà Giang, Phú Yên...