Tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân tại TP.HCM đang là điểm nóng dư luận. PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về vấn đề này.
PGS-TS Trần Hoàng Ngân nói: Nhu cầu đầu tư của TP.HCM rất lớn và người dân cũng khao khát có thêm những công trình mới để phục vụ việc đi lại, khám và điều trị bệnh, học hành...
Giai đoạn 2021-2025, TP.HCM có khả năng cân đối 262.000 tỉ đồng. Như vậy mỗi năm TP có thể giải ngân được khoảng 50.000 tỉ đồng, trong khi kế hoạch của năm nay chỉ khoảng 32.000 tỉ đồng. Với quyết tâm chính trị cao, TP hoàn toàn có thể giải quyết được con số này.
Tuy vậy, khả năng giải ngân của TP chậm so với bình quân chung của cả nước. Tỉ lệ giải ngân của tp.hcm hiện chỉ đạt 26%, thấp hơn 5% so với bình quân cả nước.
Tăng trách nhiệm cán bộ
. Phóng viên: Từ những nghiên cứu tổng thể kinh tế - xã hội của TP.HCM, theo ông, đâu là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp so với kế hoạch?
PGS-TS Trần Hoàng Ngân |
+ PGS-TS Trần Hoàng Ngân: Đầu tư công là sử dụng vốn ngân sách nhà nước. Khi sử dụng vốn ngân sách nhà nước thì phải đảm bảo đúng trình tự, thủ tục đã được quy định. Đầu tư công bị chi phối rất nhiều bởi các luật: Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đất đai, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng, Luật Khoáng sản, Luật Bảo vệ môi trường và hàng loạt quy định khác. Cho nên thủ tục hành chính cho đầu tư công có độ dài.
Ngoài ra, đối với đầu tư công, một trong những khâu quan trọng nhất là bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư, hỗ trợ người dân. Khâu đó phải có thời gian nhất định và phụ thuộc rất nhiều yếu tố. Quá trình tổ chức đấu thầu cũng cần có thời gian. Trong năm 2022, giá cả biến động rất lớn, nhất là đối với những nguyên vật liệu phục vụ quá trình thi công xây lắp. Điều này cũng ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân.
Nút giao An Phú rất cấp bách để chống ùn tắc song giải ngân chậm. Ảnh: TQ |
. Ngoài những nguyên nhân trên, một số ý kiến nhận định việc chậm giải ngân vốn đầu tư công còn do sự hạn chế về năng lực, thậm chí có tình trạng sợ trách nhiệm, né trách nhiệm của một bộ phận cán bộ quản lý?
+ Đúng là có vấn đề đó. Vì vậy, Bộ Chính trị mới đưa ra Kết luận 14 về bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm. Cùng điều kiện như nhau nhưng nếu chúng ta có đội ngũ cán bộ giàu tâm huyết và dồn hết thời gian, công sức, trí tuệ để thúc đẩy các dự án thì tiến độ sẽ nhanh hơn. Cả hệ thống chính trị phải vào cuộc để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Đặc biệt, vai trò của cấp ủy và người đứng đầu rất quan trọng.
. Ông đã nói đầu tư công bị chi phối bởi nhiều luật. Bất cập trong quy định liệu có phải tác nhân của việc chậm giải ngân vốn đầu tư công? Có thể lấy Luật Đầu tư công làm ví dụ?
+ Luật Đầu tư công liên tục được rà soát, hoàn thiện. Chúng ta đã có Luật Đầu tư công những năm 2014, 2019 và tới đây sẽ tiếp tục hoàn thiện nữa. Nhưng đó không phải là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công.
Còn có những nguyên nhân khác như việc chuẩn bị dự án không đảm bảo đúng yêu cầu của các quy định, không đảm bảo được tính thực tiễn, dẫn tới dự án không được triển khai. Nhìn chung, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công còn phụ thuộc vào cán bộ, năng lực của chủ đầu tư, năng lực của nhà thầu.
Không giải ngân được thì không thể xin thêm vốn
Nhu cầu đầu tư công của cả nước trong thời gian qua liên tục gia tăng. Trong kế hoạch đầu tư công của cả nước, giai đoạn 2016-2020 đầu tư công chiếm 2.000.000 tỉ đồng, giai đoạn 2021-2025 là 2.870.000 tỉ đồng, tức là tăng hơn 40%. Điều đó cho thấy nhu cầu đầu tư cho hạ tầng về giao thông, hạ tầng kinh tế - xã hội, văn hóa... cần rất nhiều vốn. Vấn đề là ở đây khâu chuẩn bị, khâu phân bổ vốn đầu tư công. Những khâu đó có tính chất rất quan trọng nhưng bị vướng ở các thủ tục.Trong bối cảnh đó, với sự chỉ đạo của lãnh đạo TP.HCM, các sở, ngành cùng với các tổ công tác đang ngồi lại với nhau để tháo gỡ điểm nghẽn với sự chung sức của Chính phủ.
Tôi hy vọng năm nay TP có thể giải ngân được vốn đầu tư công trên 90%. Nhưng chúng ta còn mong đợi có thêm nhiều vốn nữa, không chỉ là 32.000 tỉ đồng, mà mong đợi 50.000 tỉ đồng cho năm 2022, mới nâng cao được chất lượng cuộc sống của người dân. Vì TP còn quá nhiều nhu cầu đầu tư, nhất là hạ tầng giao thông, việc nạo vét kênh rạch để giảm ngập nước hay khắc phục tình trạng quá tải ở các bệnh viện, cần nhiều bệnh viện hơn nữa.
Mặc dù nguồn thu ngân sách của TP trong nhiều năm qua luôn là đầu tàu của cả nước, đóng góp 26% tổng thu ngân sách của cả nước nhưng chi ngân sách của TP chỉ chiếm khoảng 5% tổng chi ngân sách của cả nước. Có thể thấy nguồn vốn ngân sách để lại của TP vẫn còn rất hạn chế mà không giải ngân được thì làm sao xin thêm được nữa. Vì vậy, TP phải giải quyết bằng được vấn đề giải ngân vốn đầu tư công.
PGS-TS TRẦN HOÀNG NGÂN
Phải giải quyết tốt bồi thường giải phóng mặt bằng
. Theo Ban Kinh tế - Ngân sách của HĐND TP.HCM, có 100 dự án có tỉ lệ giải ngân bằng 0. Việc giải ngân của các dự án do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp gần như thất bại, với 12 dự án có tỉ lệ giải ngân dưới 10%. Thực trạng này ảnh hưởng như thế nào đến kinh tế - xã hội của TP?
+ Luôn có mối tương quan chặt chẽ giữa giải ngân vốn đầu tư công với phục hồi, tăng trưởng kinh tế. Theo số liệu trong nhiều năm, tại TP.HCM, nếu đầu tư công tăng thêm khoảng 10% thì tăng trưởng kinh tế tăng thêm 0,7%.
Trong bảy tháng đầu năm, TP chỉ mới thực hiện được các dự án chuyển tiếp từ những năm trước sang năm 2022 thôi. Còn với những dự án mới, TP đang trong quá trình làm các thủ tục hành chính. Trong những tháng đầu năm, những dự án mới hầu như chưa giải ngân. Thông thường những tháng cuối năm, tốc độ giải ngân sẽ cao lên bởi vì đã vượt qua chặng đường làm thủ tục hành chính cũng như bồi thường giải phóng mặt bằng.
. Vậy theo ông, đâu là những giải pháp cần thực hiện ngay để việc giải ngân vốn đầu tư công của TP.HCM đạt kế hoạch, đáp ứng được yêu cầu từ tình hình kinh tế - xã hội hiện nay?
+ Việc tập trung giải ngân vốn đầu tư công cần theo đúng trình tự quy định và đòi hỏi sự nỗ lực gắn với trách nhiệm của người đứng đầu.
Khâu chuẩn bị dự án là quan trọng nhất. Phải đầu tư công sức và trí tuệ cho việc chuẩn bị dự án một cách bài bản. Phải giải quyết tốt một khâu nữa là bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư. Phải làm sao đảm bảo được mặt bằng sạch để việc thi công thuận lợi. Muốn vậy, phải nắm bắt tâm tư, nguyện vọng để bồi thường thỏa đáng cho người dân. Khu tái định cư phải đảm bảo môi trường sống, môi trường làm việc của người dân. Những vấn đề đó phải được chăm chút từng ly từng tí và phải có sự đồng hành của cả hệ thống chính trị.
Trong nhiều năm qua, tiền đầu tư công được lấy từ nguồn vốn bội chi ngân sách, phát hành trái phiếu để huy động vốn, vay nợ và đầu tư. Vì vậy càng phải quan tâm chất lượng dự án cũng như hiệu quả sử dụng nguồn vốn. Nếu dự án không hiệu quả thì cần dừng ngay.
Có những dự án vẫn chưa giải ngân, có những dự án đã triển khai nhưng vốn không đảm bảo. Cho nên phải giải quyết hài hòa, có sự điều chuyển vốn giữa các dự án với nhau, giúp cho đầu tư công diễn ra nhanh chóng hơn.
TP cần tập trung nhiều hơn về đầu tư công cho lĩnh vực y tế để bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho người dân. Đó là nhiệm vụ quan trọng bậc nhất và phải được ưu tiên. Những dự án y tế chậm triển khai phải được rà soát nhanh và thúc đẩy.
. Xin cám ơn ông.•
...............................................
Cần lắm tinh thần dám nghĩ, dám làm!
Tại buổi giám sát về kết quả đầu tư công năm 2022 do HĐND TP.HCM tổ chức, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi đưa ra bảy giải pháp để tiếp tục nâng cao chất lượng đầu tư công trong thời gian tới, như: Thường xuyên đôn đốc, chỉ đạo các đơn vị hoàn thành giải ngân vốn đầu tư công; đánh giá kết quả, lắng nghe và tháo gỡ khó khăn; thường xuyên rà soát, kiểm điểm tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng; chủ động cân đối các nguồn vốn; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát…
Nhìn vào những giải pháp này có thể thấy yếu tố xuyên suốt vẫn là con người trong toàn hệ thống chính trị. Đó là từng cá nhân, đặc biệt là những vị trí đứng đầu đơn vị, tổ chức chịu trách nhiệm đầu mối công việc trong toàn bộ quy trình giải ngân vốn đầu tư công với mỗi dự án.
Chính vì yếu tố con người là xuyên suốt nên tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công có điểm mấu chốt xuyên suốt là con người. Nhiều nguyên nhân của thực trạng đã được nêu ra nhưng cần khẳng định có những cá nhân vẫn còn rụt rè trong việc đứng ra chịu trách nhiệm thực hiện quyết định liên quan đến các khoản ngân sách lớn, trong bối cảnh một loạt sai phạm của đội ngũ cán bộ bị điều tra, xử lý.
Thế nhưng những bất cập ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân vẫn đang thúc giục phải tháo gỡ tắc nghẽn dòng ngân sách. Đứng mũi thì phải chịu sào, không cách nào khác, những cán bộ nắm quyền quyết định trong từng khâu của giải ngân vốn đầu tư công cần thực hiện đúng vai trò theo quy định pháp luật.
Kết luận 14 của Bộ Chính trị vừa qua khẳng định: Tăng cường trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng, nhất là người đứng đầu về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung; khơi dậy mạnh mẽ ý thức trách nhiệm, khát vọng cống hiến, tinh thầnđổi mới, hết lòng vì nhân dân phục vụ của đội ngũ cán bộ.
Tháng 10-2022, TP.HCM sẽ hoàn thành cổng dịch vụ công cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến toàn phần với các thủ tục hành chính đủ điều kiện. Qua hệ thống này, các cấp lãnh đạo có thể giám sát, thúc đẩy khâu thực thi của mỗi đơn vị trong việc giải quyết thủ tục hành chính.
HĐND TP.HCM cũng đã thông qua đề án giám sát, tìm nguyên nhân tồn tại và yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân đề ra biện pháp, thời gian khắc phục, sửa chữa trong công việc. Với đề án này, HĐND TP có thể yêu cầu lãnh đạo sở, ngành cam kết thời gian thực hiện công việc; kiến nghị về trách nhiệm pháp lý, trách nhiệm chính trị của các cơ quan, cá nhân liên quan.
Cơ chế bảo vệ cán bộ hành động vì lợi ích chung đã được phổ biến; công cụ giám sát thực thi công việc đang được triển khai là động lực cho sự quyết liệt của những người có trách nhiệm.
Người dân TP.HCM đang rất cần cải thiện chất lượng cuộc sống với những công trình phục vụ nhu cầu thiết yếu trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, giao thông… Đô thị lớn nhất nước liên tục kêu gọi tăng cường vốn đầu tư từ nhiều năm nay. Vì vậy, nghịch lý có tiền cũng không tiêu hết phải được tháo gỡ dứt điểm.