Chiều 30-8, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi chủ trì phiên họp định kỳ về tình hình kinh tế - xã hội tháng 8, tám tháng đầu năm 2022 và nhiệm vụ, giải pháp tháng 9-2022.
Cần chứng minh khả năng hấp thụ vốn đầu tư công
Góp ý cho nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội trong tháng 9 của TP.HCM, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM Trần Hoàng Ngân cho biết tình hình kinh tế thế giới đang có dấu hiệu suy giảm, nhiều nước rơi vào suy thoái, tình hình lạm phát, giá dầu đột nhiên tăng trở lại… ảnh hưởng đến việc ổn định giá cả, kiểm soát lạm phát của nước ta. Ngoài ra, lãi suất các nước đều có xu hướng tăng, gây quan ngại đến nguồn vốn đầu tư dài hạn.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu tại phiên họp. Ảnh: TTBC |
“Quan trọng là tỉ giá, giá dầu lên thì tỉ giá tăng, ảnh hưởng đến việc kiểm soát giá ở Việt Nam cũng như sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN)” - ông Ngân nhận định và cho rằng để đạt được mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà TP đã đề ra thì cần tập trung triển khai quyết liệt theo chỉ đạo của Thủ tướng liên quan đến “4 ổn định, 3 tăng cường, 2 đẩy mạnh, 1 tiết giảm và 1 kiên quyết không”.
Về thể chế của TP, phải tổng kết được Nghị quyết 16 và Nghị quyết 54, làm sao có nghị định phân cấp, phân quyền nhiều hơn cho TP.
Trong lĩnh vực đầu tư, ông Ngân cho rằng cần tập trung vào đầu tư công để tạo đà tăng trưởng trong giai đoạn tới. Cần chú ý những dự án đầu tư mang tính chất an sinh xã hội, quan tâm những dự án chống ngập, liên quan đến y tế, giáo dục. Ông cũng đề cập đến việc TP đang rất mong muốn được Quốc hội tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách, tăng vốn đầu tư công.
“Chúng ta đang khát vốn nhưng vốn đang có trong kế hoạch thì lại giải ngân rất chậm. Phải chứng minh được mình có khả năng hấp thụ vốn, có khả năng giải ngân được nhiều hơn cái mà có kế hoạch sẵn” - ông Ngân nói và cho rằng cần tập trung giải quyết vấn đề nêu trên thì mới thuyết phục và mở rộng dư nợ cho TP.
Tháo gỡ sự lòng vòng trong phối hợp giữa các sở, ngành
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãicho biết kinh tế TP đang trên đà phục hồi tốt, thu ngân sách đạt trên 80%. Dự kiến trong năm 2022, TP sẽ hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách với chỉ tiêu tăng trưởng đề ra từ đầu năm là 6%-6,5%. TP đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện những vấn đề tồn đọng của TP để xử lý dứt điểm những tồn đọng, tháo gỡ khó khăn cụ thể.
Tuy nhiên, ông Mãi đánh giá từ đây đến cuối năm có thể xuất hiện các yếu tố rủi ro, biến động về khủng hoảng, chuỗi cung ứng gặp khó khăn, sản xuất công nghiệp chưa hoàn toàn phục hồi… Đà sản xuất công nghiệp phục hồi chậm và đi ngang nếu không có giải pháp tác động, giải ngân đầu tư công thấp dù trong tháng 8 đã có chuyển biến. Cùng với đó, việc hỗ trợ DN từ các gói phục hồi, gói kích cầu chưa đạt yêu cầu; giá trị sản xuất, xuất khẩu giảm; công tác phối hợp giữa các sở, ngành, quận, huyện còn nhiều vướng mắc.
Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu trong tháng 9 cần tập trung một số đầu việc cụ thể để giải quyết các tồn tại trong tháng 8. Trong đó, ông yêu cầu ngành y tế và Sở GD&ĐT, quận, huyện và TP Thủ Đức phối hợp, tập trung đẩy mạnh tỉ lệ tiêm vaccine ngừa COVID-19, đặc biệt là các đối tượng chưa tiêm mũi 4 và trẻ từ năm đến dưới 12 tuổi.
Người đứng đầu chính quyền TP cũng yêu cầu các đơn vị, sở, ngành tập trung cải cách hành chính, tháo gỡ sự lòng vòng trong phối hợp giữa các sở, ngành với nhau, giữa sở, ngành với quận, huyện. Sở TT&TT triển khai thực hiện các nhiệm vụ trong tháng 9, ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh chuyển đổi số.
Ông cũng yêu cầu các sở, ngành TP tập trung giải ngân vốn đầu tư công, triển khai các công trình trọng điểm, trong đó có 29 dự án giao thông, đô thị, chuyển đổi số đô thị thông minh. “Điểm rơi của tháng 9 là dự án đường vành đai 3. Do đó phải làm được chuyện giao ranh để phục vụ giải phóng mặt bằng, rà soát việc chỉ định thầu, các thủ tục để triển khai tiếp” - ông Mãi nói.
Trong tháng 9, TP.HCM cũng đẩy nhanh tiến độ hồ sơ về dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, tập trung phát triển thương mại - dịch vụ. Ông Phan Văn Mãi cũng nhấn mạnh việc đẩy mạnh thời gian hoàn thiện hồ sơ xây dựng đề án Trung tâm tài chính, xây dựng kế hoạch định hướng phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 của TP, tập trung vào lĩnh vực đầu tư công và chi ngân sách.
Điểm sáng về vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài
Tại phiên họp, đại diện Cục Thống kê TP.HCM cho biết vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong tám tháng đầu năm là 2,71 tỉ USD, con số cao nhất trong năm năm trở lại đây; số DN thành lập mới tăng 33,4%. Tuy nhiên, quy mô vốn của DN thì giảm so với năm trước rất nhiều (chỉ đạt 11,9 tỉ đồng/DN, năm 2021 con số này là 16,7 tỉ đồng/DN).
Cũng theo vị đại diện này, tổng số DN tạm dừng, giải thể chiếm hơn 50% so với tổng số DN thành lập mới và DN quay lại hoạt động. “Điều này phản ánh DN của chúng ta cũng dễ bị tổn thương trước những khó khăn của kinh tế thế giới và trong nước” - đại diện Cục Thống kê nói.
Về thu ngân sách, TP có đà tăng đạt trên 80,7%, tuy nhiên thu ngân sách chủ yếu đến từ nhà đất, còn các khoản thu liên quan đến thuế sản phẩm để tính vào mức vốn chỉ có 3%. Điều này cho thấy yếu tố chưa bền vững trong sản xuất của các đơn vị. Từ đó, đại diện Cục Thống kê TP cho rằng cần nghiên cứu và đánh giá thêm vì đây là dư địa cho năm sau, cơ sở cho nền kinh tế phát triển là từ sản xuất.