TP.HCM: Quyết gỡ vướng dự án ngàn tỉ chưa được giải ngân

(PLO)-  Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi khẳng định cần có cơ chế đặc biệt trong cải tạo rạch Xuyên Tâm để ổn định nhà ở cho dân cư đô thị, nhất là dân cư nghèo.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 4-8, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi chủ trì phiên họp định kỳ về tình hình kinh tế - xã hội tháng 7, bảy tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp tháng 8.

Khâu chậm trễ nằm ở quận, huyện

Theo báo cáo của UBND TP, đến cuối tháng 7, tổng số vốn đã giải ngân là hơn 8.400 tỉ đồng, đạt 26% tổng kế hoạch vốn giao (gần 32.000 tỉ đồng).

Thông tin tại cuộc họp, ông Lê Trương Hải Hiếu, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND TP.HCM, cho biết các dự án được HĐND 16 quận thông qua trước tháng 6-2021 đều ách tắc. Trong khi đây đều là dự án quy mô không lớn nhưng sát với thực tiễn và nhu cầu của người dân. “Hôm qua chúng tôi đi giám sát có 100 dự án tỉ lệ giải ngân bằng 0” - ông Hiếu nói.

Giám đốc Kho bạc Nhà nước TP.HCM Nguyễn Hoàng Hải phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: TTBC

Giám đốc Kho bạc Nhà nước TP.HCM Nguyễn Hoàng Hải phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: TTBC

Về việc này, ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Kho bạc Nhà nước TP.HCM, cho biết tỉ lệ giải ngân đầu tư công chậm rơi vào các dự án có bố trí vốn lớn, khoảng 200 tỉ đồng. Trong đó chủ yếu rơi vào các dự án do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp làm chủ đầu tư.

Cụ thể một số dự án chưa giải ngân được (tỉ lệ giải ngân bằng 0) như dự án xây mới BV Nhi đồng TP được bố trí vốn 1.000 tỉ đồng; dự án cụm y tế Tân Kiên, huyện Bình Chánh được đầu tư 277 tỉ đồng; công trình Trung tâm triển lãm quy hoạch TP 350 tỉ đồng, BV đa khoa Phạm Ngọc Thạch…

Nhiều dự án lớn có tỉ lệ giải ngân dưới 10% như công trình hầm chui nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ bố trí vốn 200 tỉ đồng, chỉ mới giải ngân 9 tỉ đồng; dự án nút giao An Phú bố trí 375 tỉ đồng, chỉ mới giải ngân 15 tỉ đồng…

Theo ông Trần Văn Bảy, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP, trong báo cáo đầu tư công trước đây thường nói nguyên nhân chậm giải ngân là do chậm trễ trong công tác thẩm định giá bồi thường. Tuy nhiên, từ năm 2021, Sở TN&MT đã đẩy nhanh tiến độ giải quyết thẩm định giá.

“Đến nay Sở TN&MT đã giải quyết dứt điểm tất cả hồ sơ thẩm định giá của quận, huyện” - ông Bảy khẳng định và cho biết khâu bị tắc, chậm trễ nằm ở quận, huyện. Nguyên nhân do vướng mắc trong pháp lý của dự án và khâu thuê đơn vị thẩm định giá có nhiều vướng mắc. Ông cho biết thẩm định giá các dự án bồi thường thù lao không nhiều nhưng trách nhiệm rất lớn, lại không có chế tài ép buộc các công ty thẩm định giá phải thực hiện nên địa phương loay hoay tìm đơn vị tư vấn.

  1. Quy hoạch TP.HCM bất cập so với thực tế

Quy hoạch của TP.HCM đã được phủ kín từ những năm 2012. Đây là cơ sở pháp lý cần thiết để quản lý, kêu gọi, thực hiện đầu tư, thu hồi đất. Tuy nhiên, thời điểm đó việc phủ kín và lập quy hoạch chung cho TP trên điều kiện nhận thức và trình độ phát triển chưa đạt. Đến giờ này nhìn ra có nhiều điểm quy hoạch bất cập so với thực tế hiện nay. Dự kiến tháng 10-2023, Sở QH-KT sẽ trình quy hoạch chung TP.

Ông NGUYỄN THANH NHÃ,Giám đốc Sở QH-KT TP.HCM

Phó giám đốc Sở TN&MT TP cũng cho rằng sau khi TP có quyết định phê duyệt dự án thì lẽ ra quận, huyện phải chuẩn bị các khâu cần thiết để đưa vào phương án bồi thường, tái định cư để tiến hành. Tuy nhiên, nhiều trường hợp quận, huyện chậm trễ cả nửa năm, một năm khiến người dân phản ứng với giá bồi thường.

Rà soát các dự án đang chậm lại

Phát biểu kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhìn nhận qua bảy tháng đầu năm, công tác phòng chống dịch, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đúng như kế hoạch, kịch bản đặt ra.

Trong thời gian tới, ông Mãi đề nghị TP tiếp tục tập trung kiểm soát dịch bệnh; các sở, ngành chuẩn bị tổng kết năm 2022 và xây dựng kế hoạch năm 2023, trong đó chú trọng kế hoạch đầu tư, ngân sách để chuẩn bị cho sự tăng tốc vào các năm sau. Cùng đó, các sở, ngành, thành viên UBND TP phải rà soát từng công việc còn tồn tại ở cơ quan để phân công, đôn đốc và theo dõi kết quả.

Đi sâu vào từng nhiệm vụ cụ thể, Chủ tịch UBND TP đề nghị Sở KH&ĐT rút kinh nghiệm từ kế hoạch đầu tư công năm 2022 để chuẩn bị xây dựng kế hoạch đầu tư công năm 2023, tránh lọt chọt.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu kết luận cuộc họp. Ảnh: TTBC

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu kết luận cuộc họp. Ảnh: TTBC

Ông cũng đề nghị các ngành tập trung quyết liệt mọi giải pháp đẩy nhanh giải ngân đầu tư công. “TP đã lập các tổ giải phóng mặt bằng đối với các dự án lớn thì cần có giải pháp quyết liệt, mạnh mẽ hơn” - ông nói và cho biết sau hội nghị này TP sẽ ngồi lại rà soát vấn đề.

Sở Tài chính cần quan tâm vấn đề thu chi ngân sách, giải quyết các bất cập về tài chính ở quận, phường khi thực hiện mô hình chính quyền đô thị. Đối với các nội dung còn nợ như đề án quản lý hiệu quả tài sản công, điều chỉnh các quỹ tài chính ngoài ngân sách, thực hiện kết luận kiểm toán, thu chi thanh toán liên quan đến Thủ Thiêm… cần tập trung trong tháng 8.

Sở QH-KT đẩy nhanh lập quy hoạch chung cho TP, kể cả quy hoạch chung TP Thủ Đức, làm sao để quy hoạch có tầm nhìn hàng trăm năm, mở hết mọi tiềm năng, phát triển TP xứng tầm, thúc đẩy đầu tư cho TP. “Nhiều dự án xúc tiến đầu tư cho hai huyện Củ Chi, Hóc Môn đang chậm lại là do chưa phù hợp quy hoạch” - ông Mãi dẫn chứng và đề nghị Sở QH-KT cùng các địa phương rà soát, giải quyết các dự án bị vướng bởi quy hoạch.

Tập trung “giải” rạch Xuyên Tâm và 2.000 nhà ở ven kênh rạch

Chủ tịch UBND TP cũng yêu cầu trong tháng 8 Sở Xây dựng phải hoàn thiện hết các quy trình về triển khai nhà ở tại TP liên quan đến nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân, nhà ven kênh rạch… cũng như chương trình chống ngập cho TP, đảm bảo cuối năm nay cơ bản hoàn thành.

Đáng chú ý là đề xuất cải tạo rạch Xuyên Tâm. Theo ông Mãi, điểm đặc biệt của dự án này là kết hợp cải tạo vệ sinh môi trường gắn với chỉnh trang đô thị, xây dựng giao thông, công viên, đồng thời gắn với chương trình di dời nhà trên kênh rạch, ổn định nhà ở cho dân cư đô thị, nhất là dân cư nghèo.

Trước kế hoạch này, ông Mãi cho rằng cần có cơ chế chính sách rất đặc biệt. “Nếu có mô hình phù hợp sẽ giải quyết được 2.000 nhà ở trên kênh rạch khác, xem đây là nỗ lực phấn đấu của TP để kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước” - ông Mãi khẳng định. Ông cũng cho biết nhà chung cư cũ, nhà ổ chuột, nhà ven kênh rạch phải là mục tiêu phấn đấu để đến năm 2025 cơ bản giải quyết một số địa chỉ.

Chủ tịch Phan Văn Mãi còn đề nghị tập trung cao độ giải phóng mặt bằng, trước hết cho các dự án đầu tư công, kế đến là các dự án ngoài ngân sách và vấn đề thực hiện thủ tục để hoàn thiện nghĩa vụ tài chính, đẩy nhanh các dự án để đồng vốn chạy nhanh.

TP.HCM chưa thành lập trung tâm mua sắm tập trung

Liên quan đến việc thành lập trung tâm mua sắm tập trung, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết trước tình hình thiếu vật tư, trang thiết bị, thuốc, TP đã nghiên cứu lập trung tâm này, công tác chuẩn bị đã xong từ cuối tháng 7. UBND TP đã báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy TP với tinh thần sẵn sàng thành lập.

Tuy nhiên, khi đánh giá lại, Ban Thường vụ Thành ủy đề nghị TP củng cố lại cơ chế mua sắm hiện nay. Cụ thể, định kỳ 1-2 năm, ngành y tế sẽ giao cho đầu mối là các bệnh viện lớn đại diện đấu thầu mua sắm chung cho TP. “Trước mắt, TP chưa thành lập trung tâm mua sắm chung mà củng cố cơ chế hiện tại. Quá trình đó, TP sẽ đánh giá thêm, khi cần thiết sẽ thành lập trung tâm mua sắm chung” - ông Mãi khẳng định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm