Chiều 4-8, tại họp báo về công tác phòng chống dịch COVID-19, tình hình kinh tế - xã hội tháng 7, nhiệm vụ giải pháp tháng 8-2022, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng Tham mưu (PV01) Công an TP.HCM, đã thông tin về việc ghép hình, vu khống, đăng tải thông tin sai sự thật trên mạng xã hội.
Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng Tham mưu (PV01) Công an TP.HCM. Ảnh: NGUYỄN NHÂN |
Thượng tá Lê Mạnh Hà nhìn nhận đây là hành vi làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự, gây phiền hà cho cá nhân; thậm chí trong đó có cả các trường hợp cho vay tiền.
Thượng tá Hà nhìn nhận nếu cá nhân, tổ chức bị xâm hại thì có thể làm đơn tố cáo gửi đến các cơ quan công an, thanh tra Sở TT&TT để xác minh, làm rõ, xử lý.
“Tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà công an và các ngành chức năng sẽ xử lý hành chính hoặc hình sự theo quy định pháp luật” - Thượng tá Hà nói.
Theo thống kê của Công an TP.HCM, trong bảy tháng đầu năm 2022, Công an TP đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, công an quận, huyện xác minh, xử lý 46 người vi phạm.
Trong đó một trường hợp bị xử lý hình sự, ba trường hợp bị xử lý hành chính, giáo dục, cam kết 22 trường hợp và hiện đang xác minh các trường hợp khác.
Thượng tá Hà khẳng định đối với việc cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức thì phạt tiền từ 10-20 triệu đồng với tổ chức và 5-10 triệu đồng đối với cá nhân.
Liên quan đến các trường hợp chào mời cho vay tiền qua tổng đài, Thượng tá Lê Mạnh Hà cho biết cách nhanh nhất là dứt khoát nhất từ chối, cảm ơn, tắt máy. Cần thiết thì cài đặt chặn cuộc gọi đối với sim rác, báo với các cơ quan thẩm quyền để chặn các số điện thoại quảng cáo sai quy định.