TP.HCM vừa có báo cáo công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông sáu tháng đầu năm 2022, trong đó tiếp tục kiến nghị Bộ GTVT điều chỉnh thông tư liên quan đến xe chở thép cuộn nhằm hạn chế nguy cơ tai nạn giao thông do việc vận chuyển loại hàng hóa đặc biệt này.
Cuộn thép lăn đè cabin xe đầu kéo khiến tài xế tử vong tại đường Nguyễn Văn Linh vào cuối năm 2019. Ảnh: NT |
Nhiều vụ tai nạn do cuộn thép lăn
Sáng 8-4, xe đầu kéo chở hai cuộn thép hàng chục tấn chạy trên quốc lộ 51, tỉnh Đồng Nai thì cuộn thép lăn về phía trước đè cabin rồi văng xuống đường. Sự cố khiến nhiều người đi đường một phen hoảng sợ.
Trước đó, ngày 5-3, hai vợ chồng bán vé số tại một ngã tư trên đường Nguyễn Văn Linh (huyện Bình Chánh) thì hai cuộn thép từ container rơi xuống trúng người chồng làm nạn nhân bị thương nặng, được đưa vào BV Chợ Rẫy cấp cứu.
Vào đầu năm 2020, xe đầu kéo chở thép cuộn khoảng 20 tấn chạy theo hướng từ thị xã Thuận An đi thị xã Tân Uyên (Bình Dương), khi đến đoạn qua phường Thái Hòa thì dây xích ràng bị đứt, cuộn thép lao về phía trước đè bẹp cabin xe đầu kéo rồi lăn xuống đường.
Thông tư không quy định về vận chuyển thép cuộn và việc chằng buộc, trong khi nghị định lại cho phép xử phạt hành vi “chằng buộc không chắc chắn” làm cơ quan chức năng lúng túng.
Vào cuối năm 2019, xe đầu kéo kéo theo rơmoóc chở cuộn sắt nặng hàng chục tấn chạy trên đường Nguyễn Văn Linh (huyện Bình Chánh) thì cuộn thép lăn đè trúng cabin khiến tài xế tử vong.
Có rất nhiều tai nạn liên quan đến xe đầu kéo chở thép cuộn trên đường nhưng cơ quan chức năng lúng túng trong việc ngăn chặn, xử lý vì các thông tư quy định về quy cách xếp hàng hóa đặc biệt này không có hoặc không cụ thể.
141
trường hợp vi phạm chở hàng hóa quá tải bị cơ quan chức năng TP.HCM xử lý với số tiền phạt là hơn 2,7 tỉ đồng trong bốn tháng đầu năm 2022, trong đó có hai trường hợp xe container chở thép cuộn mà không chằng buộc.
Khó xử lý vì quy định “chằng buộc không chắc chắn”
Các quy định về vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng và giới hạn xếp hàng hóa trên phương tiện giao thông đường bộ được điều chỉnh trong Thông tư 35/2013/TT-BGTVT và Thông tư 46/2015/TT-BGTVT của Bộ GTVT.
Trong Thông tư 35/2013 kèm phụ lục, Bộ GTVT hướng dẫn quy cách xếp hàng hóa là hàng trụ ống trên các phương tiện như hàng được xếp nằm ngang hoặc nằm dọc theo chiều dài xe tùy thuộc vào chiều dài của hàng so với thùng xe. Khi chiều cao của ống trụ nhỏ hơn đường kính, ống trụ cần được đặt thẳng đứng. Các loại hàng trụ ống cần được chằng buộc vào thành xe hoặc sử dụng giá kê, giá đỡ, chèn lót để cố định, tránh dịch chuyển hàng hóa trong quá trình vận chuyển.
Trường hợp hàng trụ ống có bề mặt trơn nhẵn, khi xếp chồng lên nhau phải sử dụng vật liệu đệm lót giữ các lớp hàng để chống trơn trượt...
Tuy nhiên, thông tư không hề quy định về vận chuyển thép cuộn và việc chằng buộc với loại hàng đặc biệt này. Trong khi đó, Điều 24 Nghị định 100 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 123 của Chính phủ thì quy định hành vi vận chuyển hàng trên xe mà “chằng buộc không chắc chắn” hoặc không chằng buộc thì sẽ bị xử phạt.
Vì quy định trên nên trong một cuộc họp vào tháng 4 vừa qua, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng Tham mưu Công an TP.HCM, cho biết rất khó xử lý các xe chở thép cuộn về hành vi “chằng buộc không chắc chắn” vì lực lượng chức năng không đủ cơ sở để khẳng định là chằng buộc chắc chắn hay không.
Theo Thượng tá Hà, đây là bất cập và Công an TP.HCM đã có báo cáo đề xuất Bộ Công an hướng dẫn, điều chỉnh quy định cụ thể trong vấn đề hàng hóa có hình cuộn tròn như cuộn thép thì phải có kê chống lăn, dây xích chằng buộc.
Trong khi chờ có bổ sung, hướng dẫn thì giám đốc Công an TP.HCM đã chỉ đạo lực lượng CSGT, công an các đơn vị phối hợp với các lực lượng thuộc Sở GTVT kiểm tra, hướng dẫn các đơn vị quản lý, điều hành các bến cảng tổ chức tuyên truyền về nguy cơ gây tai nạn giao thông đối với các trường hợp này.
TP.HCM kiến nghị điều chỉnh 3 thông tư
Lãnh đạo UBND TP.HCM kiến nghị Bộ GTVT xem xét điều chỉnh Thông tư 35/2013/TT-BGTVT và Thông tư 46/2015/TT-BGTVT.
Theo lãnh đạo TP.HCM, hai thông tư này cần điều chỉnh theo hướng bổ sung quy định cụ thể về cách xếp các loại hàng hóa đặc biệt trên xe như thép cuộn, thép tấm, ống thép tròn; quy định về phương tiện vận chuyển và các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông như hệ thống dây chằng, hệ thống chêm...
TP.HCM cũng kiến nghị Bộ GTVT xem xét sửa đổi quy định về việc không được sử dụng gầm cầu đường bộ làm nơi ở, bãi đỗ xe và các dịch vụ kinh doanh khác của Thông tư 35/2017/TT-BGTVT. Ở nội dung này, lãnh đạo TP.HCM nêu cần sửa đổi theo hướng cho phép sử dụng một phần gầm cầu, gầm đường trên cao để sử dụng tạm thời làm bãi đỗ xe, hoạt động thể dục thể thao.
TP.HCM cũng kiến nghị Bộ GTVT chấp thuận cho phép Sở GTVT TP.HCM thí điểm sử dụng thiết bị cân tải trọng xe tự động để xử phạt khi xe, tài xế và chủ xe không còn ở hiện trường nơi phát hiện vi phạm tương tự như mô hình Tổng cục Đường bộ Việt Nam đang triển khai thí điểm trên quốc lộ 5...