Hai trong số sáu loại thuốc bị đẩy giá lên quá cao sau khi được chuyển công ty đăng ký và đổi tên thuốc - Ảnh tư liệu
Hiện nay giá thuốc do Bộ Y tế chủ trì quản lý, tuy nhiên Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nói nếu tiếp tục để Bộ Y tế quản lý cả một chuỗi liên quan đến giá thuốc thì đại biểu Quốc hội và người dân cho rằng Bộ Y tế “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Trong khi đó theo Luật giá, đầu mối chịu trách nhiệm trước Chính phủ về quản lý giá là Bộ Tài chính.
Bà Tiến cho biết không riêng gì nước ta mà trên thế giới chuyện quản lý giá thuốc đều không đơn giản, ở Mỹ và châu Âu thì cơ quan quản lý quỹ bảo hiểm y tế đưa ra các quy định để làm sao có giá thuốc thấp nhấ. Còn thuốc bán ngoài đường phố không do quỹ bảo hiểm chi trả thì theo quy luật thị trường, “chứ không phải như ở ta thuốc nào cũng do nhà nước quản lý giá, vừa rồi Bộ Y tế phải dùng nhiều biện pháp kể cả dùng mệnh lệnh để ép giá”.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nêu vấn đề cần quy định rõ trách nhiệm của các Bộ có liên quan về giá thuốc và có cơ chế liên ngành để quản lý.
Kết luận nội dung thảo luận nêu trên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nói không nên đơn giản chuyển quản lý giá thuốc từ Bộ Y tế sang Bộ Tài chính, giá thuốc ở Việt Nam còn cao, người dân rất khổ vì cầm đơn thuốc đi mua thì không thể trả giá được, không có mặt hàng nào mà không được trả giá như thuốc chữa bệnh. Chính vì vậy phải quản lý chặt chẽ để kéo giá thuốc xuống. “Phải quản lý sát vào, không được để siêu lợi nhuận”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng gợi ý nên có cơ chế hội đồng hoặc uỷ ban liên ngành về quản lý giá thuốc và yêu cầu các Bộ liên quan tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, chuẩn bị lại nội dung trong dự thảo Luật dược liên quan đến quản lý giá thuốc.
Theo V.V.THÀNH (TTO)