“Thưa mẹ, con đã trở về...”

Đồng thời cũng là tâm sự của một nhân vật đặc biệt của chương trình: nhiếp ảnh gia Nguyễn Phước Thành, nghệ danh Xuân Anh.

Nguyễn Phước Thành, biệt danh “Thành trọc”, có thâm niên gần 20 năm lăn lộn chốn giang hồ trước khi hoàn lương nhờ một biến cố mà suốt đời anh không thể nào quên.

“Tôi là một đứa con bất hiếu”

Thành nói rành rọt như vậy khi đón tôi tới thăm ngôi nhà của anh ở xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi. Nói đanh gọn mà nghe đau nhói. Những sợi khói lung linh từ bát nhang trước mộ mẹ anh nằm gần bên ngôi nhà như dẫn đưa về một miền ký ức lạnh lẽo và khủng khiếp…

10 tuổi, khoảng năm 1967-1968, cậu bé Nguyễn Phước Thành bỏ nhà đi bụi. Cả xóm cả chợ gần đó ai cũng lè lưỡi khi nhắc tới thằng con của bà Sáu Diền. “Thằng Thành nó ương bướng, lì đòn dữ lắm” - ông anh Hai ngồi gần bên ngứa miệng nói ké vô - “Ở trường, một mình Thành chấp cả lớp đánh lộn”. “Bỏ nhà đi suốt, không một lần về thăm mẹ vậy sao?” - tôi hỏi. Vài giây im lặng trôi qua, Thành trầm giọng trả lời: “Có. Có lần tôi núp sau bụi cây gần nhà lén nhìn vô, thấy mẹ đang thắp nhang lâm râm khấn vái. Tôi nhìn miết nhưng… chỉ nhìn vậy thôi, rồi quay đi”.

Những em cô nhi tại Cơ sở Thiện Duyên bên “người mẹ” Trần Thị Cẩm Giang, chủ nhiệm cơ sở. Ảnh: XUÂN ANH

Cuộc đời giang hồ của anh theo cát bụi thời gian mà dày lên, từ trộm cắp, cướp giật cho đến cả bảo kê. Thành “trọc” trở thành tay giang hồ cộm cán. “Sao lại gọi là Thành “trọc”? “Vì tôi vô tù liên hồi. Chưa bao giờ ra tù được quá năm tháng, tóc chưa kịp mọc lại đã lại bị bắt vô tù nên có biệt danh như vậy”. Thời gian ở tù, cộng lại là 17 năm. Trước năm 1975 từng nằm khám nhiều lần, sau năm 1975 cũng vô tù lai rai.

Một ngày của năm 1981, Thành “trọc” được tin mẹ qua đời khi đang ở trại giam. Anh choáng váng, bần thần, hai tay nắm chặt song sắt buồng giam mà nước mắt tuôn thành dòng. “Khi mẹ còn sống tôi đã không một ngày làm mẹ vui. Đến khi mẹ chết, tôi cũng không có mặt để vuốt mắt và thắp nhang cho mẹ. Không ai bất hiếu hơn tôi!” - Thành kể, giọng bùi ngùi. Hình bóng người mẹ âm thầm hiển hiện trong tiềm thức mà biết bao lần Thành “trọc” cứ mặc kệ, rồi bỗng đến một ngày trào lên, trở thành nỗi nghẹn thở trong tim. “Lúc đó ở trong tù ai gây sự tôi cũng bỏ qua nhưng nếu tôi biết thằng đó phạm tội bất hiếu với mẹ của nó là tôi nổi xung thiên, đánh dằn mặt cho nó nhớ” - Thành nói.

Trả hiếu cho mẹ

Lần được trả tự do vào năm 1992 là lần cuối cùng, anh đoạn tuyệt hẳn với kiếp giang hồ. Anh học chụp ảnh rồi lấy đó làm kế sinh nhai buổi đầu bằng nghề chụp ảnh dạo. Thời gian 20 năm thoát khỏi chốn giang hồ cũng đã đủ dài để anh xây dựng cơ ngơi bằng việc sau đó mở quán ăn, nhà hàng. Trong khi đó, nhiếp ảnh giờ đã trở thành một sở thích, một đam mê để Thành “trọc” ngày trước giờ bước qua chặng đường mới với nghệ danh Xuân Anh khi sáng tác ảnh.

“Mẹ đã khuất bóng nên tôi phải trả hiếu gián tiếp cho mẹ”. Theo lời Thành, việc xuất tiền mua thẻ bảo hiểm y tế cho khá nhiều cụ già neo đơn trong xã là “trả hiếu”, trợ giúp nhiều suất học bổng cho các em trong gia đình nghèo là “trả nghĩa”. Tôi nhìn thấy một số bằng khen và thư cảm ơn của địa phương dành cho Thành vì thành tích đóng góp trong phong trào khuyến học, trong xây dựng “tình làng nghĩa xóm”.

Trong cuộc triển lãm ảnh “Bóng mẹ” diễn ra vào ngày 10 và 11-8, Thành đem tới 50 bức ảnh với chủ đề mẫu tử, ngoài ra còn 30 bức chụp chủ đề “Sen” cũng với ý nghĩa về tình mẹ con. Thành chia sẻ: “Những bức ảnh này là cách để tôi thể hiện một cuộc sống có trách nhiệm, ở đây là trách nhiệm với người mẹ. Nhất là đối với giới trẻ, tôi muốn khuyên các em đừng đua đòi vật chất quá đáng, đừng chạy theo những thú vui xa xỉ mà quên đi hình bóng người mẹ của mình. Dù đường đời thành công hay thất bại, êm xuôi hay trắc trở đến đâu thì mẹ vẫn luôn là điểm tựa không thể thiếu…”.

Để giúp phạm nhân hoàn lương, người ta thường nói xã hội cần phải tạo điều kiện công ăn việc làm cho họ. Thực ra, nói vậy không hẳn đúng, công ăn việc làm chỉ là “chất xúc tác”. Điều quan trọng hơn hết nằm ở ý thức cá nhân có thực sự muốn hoàn lương hay không. Nhận xét này của luật sư Phạm Tất Thắng thật chính xác khi so chiếu với trường hợp của Thành “trọc” bởi sự quen biết của anh với giới giang hồ hiện vẫn còn nhưng anh đã quyết “ra đi không trở lại”.

Nói đúng hơn, anh đã trở về.

Trong hai ngày 10 và 11-8, tại Nhà hát Quân đội (140 Cộng Hòa, phường 4, quận Tân Bình, TP.HCM) sẽ diễn ra chương trình Bóng mẹ với mục đích gây quỹ xây 10 căn nhà tình thương giúp các hộ nghèo. Toàn bộ số tiền thu được từ chương trình sẽ được đưa vào quỹ từ thiện. Buổi biểu diễn ca nhạc miễn phí đêm 10-8 trình diễn một số ca khúc nổi tiếng về mẹ với sự tham gia của các ca sĩ Phi Nhung, Nguyễn Phi Hùng, Anh Tuấn, mẹ con nghệ sĩ múa Vương Linh - Linh Nga…

Chương trình do Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia, Công ty Tincom Media tổ chức. Ngoài ra còn có sự hỗ trợ từ phía Trung tâm Văn hóa doanh nhân, chùa Từ Quang.

VIỆT THƯ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới