Gần đây, một quyết định công nhận sự thuận tình ly hôn của TAND một quận tại TP.HCM bị VKS kháng nghị về phần án phí. Tòa quận tính án phí 75.000 đồng, còn VKS kháng nghị theo hướng phải tính án phí 150.000 đồng. Sở dĩ có sự chênh lệch này là vì quy định pháp luật hiện khiến người áp dụng có hai cách hiểu khác nhau.
Mỗi người hiểu một cách
Khoản 7 Điều 26 (nghĩa vụ chịu án phí dân sự sơ thẩm) Nghị quyết 326/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (về án phí và lệ phí tòa án, có hiệu lực từ 1-1-2017) quy định: Các bên đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án trong trường hợp tòa án tiến hành hòa giải trước khi mở phiên tòa thì phải chịu 50% mức án phí, kể cả đối với các vụ án không có giá ngạch.
Điểm a khoản 5 Điều 27 (nghĩa vụ chịu án phí dân sự sơ thẩm trong một số loại việc cụ thể) nghị quyết này lại quy định: Đối với vụ án hôn nhân và gia đình thì nghĩa vụ chịu án phí dân sự sơ thẩm được xác định như sau: Nguyên đơn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm trong vụ án ly hôn không phụ thuộc vào việc tòa án chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn. Trường hợp thuận tình ly hôn thì mỗi bên đương sự phải chịu 50% mức án phí.
Từ hai quy định mới này, các tòa đang lúng túng khi tính án phí trong trường hợp ly hôn mà hòa giải thành: Có tòa thẩm phán cho rằng áp dụng theo điểm a khoản 5 Điều 27 thì mỗi bên phải chịu 50% án phí không giá ngạch, tức 150.000 đồng. Có tòa thẩm phán cho rằng vẫn áp dụng điểm a khoản 5 Điều 27 nhưng điều luật này phụ thuộc vào Điều 26 nên án phí mỗi bên phải nộp chỉ bằng 1/2 quy định tại điểm a khoản 5 Điều 27, tức 75.000 đồng.
Vậy nộp án phí bao nhiêu trong trường hợp này mới đúng?
Hiểu cách nào cũng có lý
Đa phần các thẩm phán cấp quận, huyện ở TP.HCM đang nghiêng về hướng thứ hai khi xử án ly hôn. Bởi thuận tình ly hôn tức hòa giải thành trong trường hợp này, đương sự mỗi bên chịu 50%, tức 75.000 đồng.
Tuy nhiên, nhiều thẩm phán khác cho rằng thuận tình ly hôn nghĩa là các bên có sự thỏa thuận lập biên bản ghi nhận. Theo nguyên tắc thỏa thuận dân sự, tòa sẽ ghi nhận tất cả vấn đề liên quan đến vụ việc cụ thể, bao gồm cả việc tình nguyện bên nào chịu án phí. Thường thì bên nộp đơn đã đóng tạm ứng án phí ban đầu 150.000 đồng, người này sẽ tự nguyện chịu luôn phần còn lại và điều này được ghi nhận trong thỏa thuận. Việc này cũng thuận tiện cho đôi bên và cả cơ quan thi hành án.
Về mặt lý luận, một thẩm phán TAND TP.HCM phân tích: Trước tiên phải hiểu vụ án ly hôn là một bên xin ly hôn, còn trường hợp thuận tình ly hôn là hai bên cùng yêu cầu ly hôn và trường hợp này là việc dân sự vì không có tranh chấp. Do là việc dân sự nên không phải mở phiên tòa để xét xử vụ án thuận tình ly hôn.
Khoản 2 Điều 29 BLTTDS 2015 quy định những yêu cầu về hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án là “yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn”. Trong danh mục án phí, lệ phí tòa ban hành kèm theo Nghị quyết 326 thì lệ phí sơ thẩm giải quyết yêu cầu về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động là 300.000 đồng. Do đó có thể hiểu lệ phí việc hôn nhân gia đình “thuận tình ly hôn” là 300.000 đồng và mỗi bên chịu 1/2 tức 150.000 đồng. Nghị quyết dùng chữ án phí cho “trường hợp thuận tình ly hôn” là chưa chính xác dẫn đến có hai cách hiểu khác nhau, lẽ ra phải viết là “thì mỗi bên đương sự phải chịu 50% mức lệ phí”, như thế sẽ chính xác hơn.
Tuy vậy, thẩm phán này cũng giải thích thêm thuận tình ly hôn có hai trường hợp. Một là ngay khi nộp đơn đã là thuận tình ly hôn, đây là việc dân sự nên tính lệ phí như đã nói trên. Còn việc ban đầu một bên có ý định ly hôn nộp đơn, khi hòa giải bị đơn cũng đồng tình ly hôn thì tòa lập biên bản thỏa thuận rồi ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn. Khi đó tòa vẫn áp dụng đây là án phí vụ án dân sự, tức mỗi bên phải chịu 75.000 đồng...
Tóm lại, hiểu cách nào cũng có lý cả. Vì vậy có lẽ các cơ quan tố tụng trung ương cần có hướng dẫn cụ thể, rõ ràng hơn để các tòa áp dụng thống nhất, tránh trường hợp quyết định của tòa cấp dưới bị sửa, hủy oan uổng.