Ngành tư pháp TP.HCM

Thực hiện tốt vai trò tham mưu, gác cửa

“Trong năm qua, cán bộ tư pháp đã phải nỗ lực để cấp phiếu lý lịch tư pháp (LLTP) cho người dân khi số lượng người dân đề nghị cấp phiếu LLTP số 2 trong năm gia tăng đột biến, tăng trên 43% so với năm 2012”. Ông Trần Văn Bảy, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM, cho biết như trên tại Hội nghị tổng kết công tác tư pháp, pháp chế, thi hành án dân sự (THADS) năm 2013 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2014 do Sở Tư pháp TP.HCM phối hợp cùng Cục THADS TP tổ chức ngày 10-1.

Điểm sáng cấp phiếu LLTP

Theo ông Bảy, từ tháng 8-2013, Sở đã chủ động phối hợp với Bưu điện TP triển khai dịch vụ cấp phiếu LLTP số 2 qua đường bưu điện cho người Việt Nam định cư, học tập ở nước ngoài mà không thể về nước để làm thủ tục. Việc làm này đã được người dân hưởng ứng.

Ông Hoàng Sỹ Thành, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự, tặng bằng khen của Chính phủ cho các cá nhân và tập thể. Ảnh: T.MẬN

Đáng chú ý, Sở Tư pháp đã chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan xây dựng trình UBND TP ban hành Quyết định 07/2013 về quy chế phối hợp thực hiện liên thông nhóm thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực hộ tịch, bảo hiểm y tế và đăng ký, quản lý cư trú trên địa bàn TP. Đến nay, 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn đã triển khai thực hiện liên thông, nhận được sự hưởng ứng tích cực từ người dân.

Cũng trong năm qua, ngành tư pháp TP đã thực hiện rà soát, loại bỏ trên 60% văn bản cấp thành phố, 82% số văn bản cấp quận, huyện không còn phù hợp do căn cứ pháp lý thay đổi hoặc do tình hình kinh tế-xã hội thay đổi. Tuy nhiên, trong công tác này, hiện vẫn còn tình trạng một số sở, ngành quên chuyển văn bản cho Sở Tư pháp thẩm định trước khi trình UBND TP. Ông Bảy kiến nghị UBND TP cần nhắc nhở một số sở, ngành chấm dứt tình trạng trên.

Nơi đầu tiên có văn phòng giám định tư pháp

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đánh giá cao việc TP.HCM đã thành lập được văn phòng giám định tư pháp trong lĩnh vực tài chính. Đây là văn phòng giám định tư pháp đầu tiên trong cả nước theo chủ trương xã hội hóa hoạt động này. “Việc ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng các cơ sở dữ liệu về hộ tịch, công chứng… đạt nhiều kết quả tích cực, làm cơ sở cho các cơ quan tư pháp và các tỉnh bạn thực hiện. Sáng kiến cấp phiếu LLTP số 2 qua đường bưu điện là sáng kiến hay” - ông Cường nói.

Cán bộ tư pháp đã phải căng mình cấp phiếu LLTP số 2 tăng đột biến trong năm qua cho người dân. Nguồn: Sở Tư pháp TP.HCM

Ông Trần Thế Lưu, Trưởng ban Nội chính Thành ủy TP.HCM, cũng nhìn nhận Sở Tư pháp là một trong những đơn vị mạnh của thành phố trong công tác cải cách thủ tục hành chính với những cách làm mới, năng động, sáng tạo trong công tác quản lý điều hành được người dân hưởng ứng. “Việc thực hiện thí điểm chế định thừa phát lại tại TP.HCM được người dân đón nhận tích cực, góp phần thúc đẩy việc cung cấp dịch vụ công trong lĩnh vực pháp luật, tư pháp, tạo môi trường pháp lý thuận lợi, hỗ trợ người dân tiếp cận tư pháp bình đẳng, an toàn” - ông Lưu đánh giá.

Theo kế hoạch, trong năm 2014, Sở Tư pháp TP sẽ xây dựng và trình UBND TP phê duyệt “Đề án tổng thể giải quyết tranh chấp đầu tư nước ngoài khi các cơ quan nhà nước tại TP.HCM là một bên trong tranh chấp”. Đồng thời, nâng cao chất lượng công tác tư vấn pháp luật, đảm bảo chất lượng, kịp thời trong việc tư vấn cho UBND TP, góp phần cùng thành phố tháo gỡ những khó khăn, giải quyết kịp thời các vấn đề đặt ra trong thực tiễn quản lý.

Trong công tác kiểm tra, xử lý, rà soát văn bản, Sở sẽ tập trung vào các lĩnh vực pháp luật có ảnh hưởng đến tình hình kinh tế-xã hội và có liên quan đến bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức như đất đai, đầu tư - xây dựng, tài chính, bảo vệ môi trường, giao thông vận tải, an toàn thực phẩm, giải quyết tranh chấp lao động…

THANH MẬN

Thi hành án xong cao nhất từ trước đến nay

Ông Nguyễn Văn Lực, Cục trưởng Cục THADS TP.HCM, cho biết năm 2013 là năm mà số việc và tiền THA được giải quyết xong cao nhất từ trước đến nay. “TP.HCM đã hoàn thành vượt mức hai chỉ tiêu cơ bản do Quốc hội giao - thi hành xong về việc vượt 1,01%, về tiền vượt 1,83%” - ông Lực nói. Cụ thể, kết quả THADS trong năm qua đã giải quyết xong trên 55.000 việc với giá trị trên 9.800 tỉ đồng, trong đó thu cho ngân sách trên 200 tỉ đồng. Số việc, tiền có điều kiện giải quyết cao hơn năm 2012 và các năm trước đây…

Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, năm 2013 là năm đầu tiên thực hiện nghị quyết của Quốc hội, đặt công tác THADS ngang hàng hoạt động của các cơ quan tư pháp khác. “Ngoài thách thức thì đây là vinh dự rất lớn. Trong THADS, địa bàn TP.HCM chiếm 11% về việc và 35% về tiền của cả nước. Một sự nhích lên cũng làm cán cân của cả nước nhích lên, một sự đi xuống của TP.HCM cũng làm cán cân cả nước đi xuống. Tôi phụ trách hai thành phố là Hà Nội và TP.HCM, những kết quả của TP.HCM luôn là điểm sáng để kích Hà Nội và các tỉnh khác, là nguồn động viên lớn trong ngành” - Bộ trưởng Hà Hùng Cường chia sẻ.

Với thành tích nỗ lực công tác trong các năm qua, ông Ngô Văn Hạnh, Chi cục trưởng Chi cục THADS quận Tân Bình, được tặng huân chương Lao động hạng Ba; Chi cục THADS quận 8 và 10 cá nhân được nhận bằng khen của Thủ tướng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm