Buổi trao đổi, góp ý kiến xung quanh dự thảo thông tư liên tịch về thí điểm chế định Thừa phát lại doBáo Pháp Luật TP.HCMtổ chức sáng nay (14-2). Ảnh: Huyền Vi
Đồng tình với nhận định trên, ông Từ Dương Tuấn, Trưởng phòng Bổ trợ tư pháp, Sở Tư pháp TP.HCM, nhìn nhận, nếu vì quan điểm không đồng tình của TANDTC và Bộ Công an mà thông tư liên tịch không được thông qua thì hoạt động của các tổ chức thừa phát vẫn không bị ảnh hưởng nhiều vì các nghị định liên quan đã đủ cơ sở pháp lý để thừa phát lại hoạt động.
Tuy nhiên, thực trạng hiện nay nhiều cá nhân có thẩm quyền, cơ quan quản lý nhà nước ở nhiều lĩnh vực vẫn chưa tạo điều kiện cho hoạt động của Thừa phát lại với quan điểm luật chưa quy định đã gây khó khăn không nhỏ cho hoạt động của tổ chức này. Do vậy, nếu dự thảo thông tư liên tịch này được ký và ban hành sẽ tạo hành lang phân định rõ ràng trách nhiệm, nghĩa vụ của các cơ quan liên quan trong việc phối hợp, kiểm sát, hỗ trợ cho hoạt động của các tổ chức thừa phát lại, tránh việc hiểu không thống nhất.
Ông Lê Mạnh Hùng, Trưởng văn phòng Thừa phát lại quận Bình Thạnh và ông Phạm Quang Giang, Trưởng văn phòng Thừa phát lại quận 5, cùng nhận xét, dự thảo thông tư liên tịch này cụ thể hóa các trình tự thủ tục liên quan đến hoạt động của Thừa phát lại. Nói một cách nôm na là nó làm chặt chẽ hơn hoạt động của Thừa phát lại chứ không phải tăng thêm quyền cho tổ chức này. Do vậy, nếu vì trái quan điểm mà không thông qua dự thảo thông tư này thì Thừa phát lại vẫn hoạt động bình thường dựa vào các quy định đã có như trước nay.
“Anh em Thừa phát lại đều đang cố gắng hoạt động thật tốt, phù hợp với các quy định của pháp luật vì mọi người đều ý thức hoạt động của Thừa phát lại hiện vẫn đang là thí điểm, phải cố gắng làm, ít nhất là để khẳng định mình” – ông Hùng nêu quan điểm.
HỒNG TÚ