Mới đây, mạng xã hội Facebook chia sẻ nhiều hình ảnh kèm theo thông tin cho rằng một số phiến đá tại bãi đá cổ Sa Pa (huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai) bị tẩy xóa các hoa văn, ký tự.
Thông tin trên Facebook cho rằng các phiến đá của bãi đá cổ Sa Pa bị tẩy xóa hoa văn. Ảnh chụp màn hình
Thông tin này nhanh chóng lan rộng trên các diễn đàn. Nhiều ý kiến bày tỏ sự bức xúc trước hành vi phá hoại nói trên, bởi bãi đá cổ Sa Pa được đánh giá là một trong những di tích lịch sử có giá trị hàng đầu của Việt Nam.
Ngày 9-11, PV Pháp Luật TP.HCM đã liên hệ với lãnh đạo ban quản lý di tích huyện Sa Pa, đồng thời cung cấp các hình ảnh từ Facebook để cơ quan này đối chiếu.
Ông Nguyễn Xuân Cường, Giám đốc ban quản lý, cho biết ngay sau khi nhận được thông tin phản ánh từ PV đã chỉ đạo các cán bộ trực tiếp tới khu vực bãi đá cổ Sa Pa kiểm tra. Sau gần một ngày tìm kiếm và khảo sát, kết quả cho thấy không hề có việc các phiến đá bị tẩy xóa.
Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế, ban quản lý di tích huyện Sa Pa khẳng định không hề có sự phá hoại tại các phiến đá. Ảnh: KHÁNH PHAN
Cụ thể, một cán bộ của ban quản lý trực tiếp đi kiểm tra, cho hay bãi đá cổ có tổng cộng khoảng 200 phiến đá. Anh đã phải mất rất nhiều công sức để khảo sát từng phiến một. Sau khi được PV gửi hình ảnh của phiến đá mà mạng xã hội Facebook cho rằng bị tẩy xóa, vị cán bộ đã tìm ra.
Theo đó, phiến đá trên có ký hiệu “HT04”, nằm trên địa phận xã Hầu Thào, huyện Sa Pa. Tại thời điểm kiểm tra, các hoa văn, ký tự trên phiến đá vẫn còn nguyên, không hề có dấu vết tẩy xóa hay phá hoại.
“Có thể hiểu nôm na phiến đá gồm hai phần lưng và bụng. Các hoa văn, ký tự đều được khắc ở phần lưng, trong khi hình ảnh trên Facebook là chụp ở phần bụng. Những vị trí nói rằng bị tẩy xóa có thể do trẻ em trong vùng đi chăn trâu nghịch ngợm nên dùng bùn đất ném vào, lâu ngày mới bong vết bùn đất ra, chứ không phải bị tẩy xóa gì hết” - vị này cho hay.
Để chứng minh cho việc các phiến đá không hề bị phá hoại, cán bộ trên đã gửi một loạt hình ảnh thực tế tại thời điểm kiểm tra của phiến đá HT04 cho PV xem. Vị này cũng khẳng định đây là di tích lịch sử có giá trị rất lớn, do đó ban quản lý di tích huyện Sa Pa luôn luôn chú trọng công tác bảo tồn. Tại mỗi khu vực có đá cổ đều cắm biển “cấm leo, trèo, viết, vẽ lên các phiến đá có hình chạm khắc cổ”.
Dưới đây là một số hình ảnh về phiến đá HT04:
Phiến đá HT04 được cho là bị tẩy xóa trên thực tế. Ảnh: KHÁNH PHAN
Theo ban quản lý, vết trắng trong hình có thể do trẻ em nghịch ngợm dùng bùn đất ném, lâu ngày bong bùn đất ra. Ảnh: KHÁNH PHAN
Các hoa văn của phiến đá HT04 được thể hiện trên bản dập. Ảnh: KHÁNH PHAN
Phiến đá chia thành hai phần lưng và bụng, các hoa văn và ký tự đều được khắc ở phần lưng. Ảnh: KHÁNH PHAN
So với các phiến đá khác, hoa văn trên phiến HT04 khá mờ. Ảnh: KHÁNH PHAN
Người xem phải quan sát kỹ mới nhìn thấy các ký tự được khắc trên này. Ảnh: KHÁNH PHAN
Vài nét về bãi đá cổ Sa Pa Bãi đá cổ Sa Pa trải ra trên địa phận của ba xã: Tả Van, Hầu Thào và Sử Pán, nằm trong thung lũng Mường Hoa với diện tích khoảng 8 km2. Bãi đá có khoảng 200 phiến đá lớn nhỏ, nằm lẫn trong cây lá, sát ngay bên đường hoặc giữa ruộng lúa nước... Các hoa văn, ký tự trên mỗi phiến đá đều ở dạng sơ khai, được ví như những tấm bia đá cổ xưa nhất Việt Nam. Đó là những hình vuông, hình chữ nhật, các nét vạch đơn, vạch đôi, những đường song song và những đường cắt ngang, những hình người, hình chim, thú, cảnh sinh hoạt... Bãi đá cổ Sa Pa được phát hiện từ năm 1923 do công của nhà Đông Dương học nổi tiếng người Pháp gốc Nga là Vichto Gôlubép (Victor Goloubev). Sau đó, nhiều nhà nghiên cứu phương Tây đã đến đây tìm hiểu và giới thiệu rộng rãi trên các phương tiện truyền thông. (Theo Du lịch Sa Pa) |