Gọi đến đường dây nóng báo Pháp Luật TP.HCM, một số chị em phụ nữ bày tỏ nghi ngờ về công dụng thực sự của loại sản phẩm này.
Chị Lý Thị Phương, quận 9, TP.HCM kể lại: “Tôi thấy một trang Facebook, chủ trang ở Thủ Đức đăng thông tin sản phẩm chiết xuất từ máu lươn và các vị thuốc Nam không rõ nguồn gốc, không có giấy phép lưu hành… nhưng họ vẫn quảng cáo rầm rộ là có thể trị được nhiều loại mụn và cũng có nhiều người tương tác”.
Trên các diễn đàn hội chị em, làm đẹp có khá nhiều người tham gia bàn luận, tranh cãi về công dụng thực sự của “máu lươn trị mụn”. Không ít người tỏ ra kinh ngạc, thậm chí có phần sợ loại sản phẩm làm đẹp này, ngược lại cũng có người cho rằng đây là một bài thuốc cổ truyền rất hữu hiệu.
Đóng vai là người cần mua máu lươn để trị mụn, chúng tôi liên hệ với một người bán trên mạng. Người này tự tin giới thiệu sản phẩm có thể lưu giữ được sáu tháng mà không cần điều kiện bảo quản đặc biệt; sản phẩm không chỉ có máu lươn mà còn được bào chế, pha trộn với các vị thuốc gia truyền khác theo một công thức bí truyền nên không thể tiết lộ.
Chủ cửa hàng tư vấn cách dùng là bôi lên vùng điều trị một lần vào buổi tối và không được dùng kèm mỹ phẩm. Khi chúng tôi bày tỏ lo lắng về mùi tanh của sản phẩm gây khó chịu thì chị này lý giải điều này phụ thuộc vào khứu giác nhạy cảm hay không của mỗi người. Đặc biệt, nếu cảm thấy tanh thì có nghĩa là bạn… hợp với sản phẩm và càng nhanh khỏi mụn. Ngược lại thì hiệu quả sẽ không cao.
Theo khoa Da liễu BV quận Thủ Đức cho biết, theo y văn từ trước đến nay thì chưa từng có khái niệm sử dụng máu động vật để điều trị mụn. Khi bị mụn là lúc làn da đang bị tổn thương, nếu sử dụng sản phẩm không rõ về nguồn gốc, cơ chế hoạt động và hướng điều trị thì tình trạng mụn sẽ nặng thêm. Qua đây, các bác sĩ da liễu BV quận Thủ Đức khuyến cáo những sản phẩm để điều trị mụn trên da đều phải được nghiên cứu theo một quy trình nghiêm ngặt, đảm bảo yếu tố vô trùng. Người tiêu dùng tuyệt đối không nên sử dụng những sản phẩm không rõ nguồn gốc để tránh nguy cơ tiền mất tật mang.