Về thông tin khói từ bồ kết đốt cháy có thể “đuổi” được virus Corona (nCoV), GS Lê Ngọc Thành, Giám đốc Bệnh viện E, Chủ nhiệm Khoa y dược ĐH Quốc gia Hà Nội, khẳng định đến nay chưa có bất kỳ nghiên cứu và kết luận chính thức nào về phương pháp nêu trên.
Trao đổi với Vnexpress ngày 10-2 tại Hội nghị tập huấn phòng, chống viêm đường hô hấp do nCoV tại ĐH Quốc gia Hà Nội, ông Thành cho rằng việc đốt bồ kế, ăn tỏi hoặc bôi dầu tràm… chỉ có tác dụng bảo vệ niêm mạc, tăng sức đề kháng trước các bệnh do virus.
Khói đốt trái bồ kết không diệt được virus Corona như nhiều người nghĩ. Ảnh: Internet
Cũng với thắc mắc trên, PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh, chuyên gia trong ngành công nghệ sinh học và thực phẩm, nhận định trên Vietnamnet: Phương pháp đốt bồ kết xông nhà được mọi người hay làm vào mùa đông để chống nghẹt mũi.
Theo ông Thịnh, khói bồ kết giúp saponin và các hợp chất khác thăng hoa, lẫn trong khói, lan tỏa vào đường hô hấp, bám đọng vào niêm mạc và phát huy tác dụng chống mầm bệnh.
Khói bồ kết cũng giúp chống suy giảm hô hấp, thở khó. Các nhóm flavonozid có trong bồ kết tham gia bảo vệ thành mao mạch, duy trì sự bền vũng của mao mạch, hạn chế xuất huyết…
“Tuy nhiên, đốt bồ kết xông nhà không diệt được virus, vi khuẩn như nhiều người nghĩ” - ông Thịnh nói.
Còn lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội, giải đáp vấn đề này trên báo Dân Sinh như sau: Theo y học cổ truyền, bồ kết hay vỏ bưởi, dầu tràm, sả… đều là độc vị, có tính chất diệt khuẩn, làm sạch không khí, thanh nhiệt, giải độc… Tuy nhiên, những nguyên liệu này không thể chống hay chữa được hoàn toàn virus Corona.
“Bất cứ bài thuốc gì dùng để chữa bệnh đều là sự kết hợp đầy đủ, hợp lý giữa các nguyên liệu với nhau. Nếu nghĩ rằng sử dụng độc vị để trị bệnh hay phòng được Corona là hoàn toàn sai, không đúng với tính chất của y học cổ truyền” - ông Sáng nói.