Thực phẩm biến đổi gen có đáng lo?

Tại buổi hội thảo “Triển vọng toàn cầu cây trồng biến đổi gen” đầu tháng 2-2015, ông Lê Huy Hàm, Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp, cho biết trong thời gian tới Việt Nam sẽ tiến hành công nhận giống cây trồng biến đổi gen và việc thương mại hóa sản phẩm nông nghiệp GMO có thể diễn ra sớm nhất là vào cuối năm 2015.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, người tiêu dùng (NTD), thậm chí những người có chuyên môn vẫn không hiểu rõ hoặc không có cơ hội được tiếp cận thông tin về thực phẩm GMO.

Thành tựu khoa học

GS Võ Tòng Xuân, chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp, cho biết các giống GMO là một thành tựu khoa học thế giới trong lĩnh vực lai tạo giống mới. Chính cách thông tin không rõ ràng, thiếu thông tin đã khiến NTD cứ nghĩ giống cây đó “đột biến gen”, có hại cho sức khỏe.

Ruộng bắp biến đổi gen được trồng trên diện hẹp ở Bà Rịa-Vũng Tàu. Ảnh: CTV

“Cụ thể, các giống lúa kháng rầy nâu, sâu đục thân Việt Nam lai tạo hiện nay cũng là một dạng về GMO nhưng ở dạng tự nhiên, lai tạo thông thường. Còn các nước họ tạo ra được các giống cây GMO bằng công nghệ sinh học, có các thiết bị, máy móc cực kỳ hiện đại để phân tích ADN, sau đó lắp gen, bắn gen. Và để lắp được những gen kháng sâu bệnh, họ phải nghiên cứu ra một hóa chất Pt cực kỳ đắt tiền, 1 gr chất này có giá khoảng vài chục ngàn USD” - GS Xuân phân tích.

Theo GS Xuân, trồng cây GMO, Việt Nam đã đi chậm hơn các nước trên thế giới và cụ thể là các nước trong khu vực như Thái Lan, Philippines, Trung Quốc. Như Philippines, họ trồng hơn 400.000 ha bắp GMO. Nhiều nước có ngành nông nghiệp, khoa học hiện đại trên thế giới họ cũng cho trồng cây biến đổi gen từ lâu. Còn mối lo Việt Nam sẽ phải phụ thuộc vào giống nhập khẩu, GS Xuân chỉ ra hiện nay ngành rau đang phụ thuộc gần như 100% vào nguồn giống từ các công ty Thái Lan, Trung Quốc, Hà Lan… Hơn 70% giống lúa lai ở các tỉnh miền Bắc đều phụ thuộc từ Trung Quốc. Vậy giống GMO phải nhập không có gì lạ.

Cũng theo GS Xuân, hiện nay trên thế giới vẫn chưa có công trình nghiên cứu khoa học nào chứng minh thực phẩm GMO ảnh hưởng đến cho con người.

Chỉ nên trồng bắp, đậu nành

Tại cuộc hội thảo về nông nghiệp mới đây, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát thừa nhận Việt Nam đã tiêu thụ thực phẩm GMO từ lâu. Hằng năm ta nhập hàng triệu tấn bắp, đậu nành, khô dầu đậu nành về làm thức ăn chăn nuôi có nguồn gốc từ những nước trồng cây GMO. Thức ăn từ bắp, đậu nành GMO này dành cho thủy sản, heo, gà.

Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, giống bắp Mỹ có năng suất 8-9 tấn/ha, trong khi năng suất bắp Việt Nam chỉ bằng một nửa, 4-4,5 tấn/ha. Đậu nành năng suất còn thấp hơn, trồng rất khó khăn, nông dân không có lãi nên diện tích giảm mạnh. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đang kiểm soát kỹ những tác động về môi trường, chất lượng thực phẩm GMO qua nhiều đợt trồng khảo nghiệm rồi mới có đánh giá, kết luận trước khi trồng đại trà.

GS Võ Tòng Xuân cho rằng chỉ nên trồng các loại cây bắp, đậu nành, những giống Việt Nam khó phát triển, phải nhập khẩu. Như Bangladesh, người dân ăn cà tím rất nhiều. Họ trồng không đủ nhu cầu nên áp dụng trồng cây cà tím GMO. Hay như Trung Quốc, trước đây 1/2 lượng thuốc bảo vệ thực vật cả nước này đổ vào cho cây bông vải, giờ họ đang trồng cây bông vải GMO và sử dụng lượng thuốc trừ cỏ rất ít. Tuy nhiên, khi chúng ta trồng sản phẩm GMO thì cần có quy hoạch rõ ràng, hợp lý, có kiểm soát sản lượng sản xuất, đầu ra và kiểm soát về tác động môi trường sinh học.

“Bắp, đậu nành thiếu bao nhiêu thì quy hoạch trồng bấy nhiêu. Nhà nước cũng cần có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp, đơn vị nghiên cứu phát triển các loại giống có năng suất cao. Nước ta đang có giống bắp lai năng suất bằng giống GMO, nếu đầu tư thì có thể phát triển nhân rộng diện tích trồng, từ đó giảm dần trồng bắp GMO” - GS Xuân nói thêm.

Đồng quan điểm, theo TS nông nghiệp Đỗ Thị Đông Xuân, doanh nghiệp Việt kiều ở Hungary, không nên so sánh ngay nông nghiệp Việt Nam với nông nghiệp Pháp, Mỹ vì rất khập khiễng. Pháp, Mỹ họ có khoa học hiện đại, đi trước hàng chục năm so với nước ta. Trồng cây GMO phải có lộ trình, làm từ từ, không nên bóc lột đất đai quá mức. Nên hợp tác chuyển giao công nghệ với nước ngoài để lai tạo những giống cây trồng chất lượng, năng suất cao mới là hướng đi bền vững.

Bốn giống bắp GMO được trồng ở Việt Nam

Với hai giấy chứng nhận an toàn sinh học và đủ điều kiện làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi (của Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT) đã có bốn giống bắp biến đổi gen (GMO) đủ điều kiện canh tác tại Việt Nam. Chỉ còn trải qua một đợt trồng khảo nghiệm trên diện rộng nữa là giống bắp biến đổi gen sẽ được đưa vào trồng đại trà tại Việt Nam trong năm 2015.

Dán nhãn nhận biết GMO lên thực phẩm

Nếu không có chính sách tuyên truyền thông tin về thực phẩm GMO rộng rãi sẽ khiến NTD hoang mang và hậu quả là họ tẩy chay sản phẩm có nguồn gốc GMO. Bên cạnh đó, phải quy định dán nhãn GMO lên thực phẩm để NTD có quyền lựa chọn, minh bạch thông tin trên thị trường.

GS VÕ TÒNG XUÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm